Tin trong nước

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân 17/3 (1913-2023): Chu Huy Mân - một vị tướng tài ba


Ngày cập nhật: 16/03/2023 1:55:22 CH

Hồ Đại Nam, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Anh thực sự là một tướng quân hùng mạnh - mạnh về tinh thần và thể chất, mạnh về ý chí và nghị lực cách mạng, mạnh ở lòng trung thành và tận tâm, mạnh ở đức hy sinh và xả thân, mạnh ở khí phách bất khuất kiên cường trước những sự thử thách…”. Đó là sự tôn vinh xứng đáng đối với công lao và cống hiến của Đại tướng Chu Huy Mân. Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, đồng chí Chu Huy Mân vẫn luôn nêu tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà chính trị, quân sự xuất sắc, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

Đối với tỉnh Quảng Trị, thời gian gắn bó không dài (từ 9/1945 đến cuối năm 1946) nhưng trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban quân chính (UBQC) khu C (gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam); Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet, đồng chí Chu Huy Mân đã đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh, phối hợp với Đảng bộ, quân và Nhân dân toàn tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ.


Đại tướng Chu Huy Mân cùng đoàn công tác của Tổng cục Chính trị thăm cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, tháng 3/1976 -Ảnh: TL

Ngược dòng lịch sử, năm 1943, sau khi vượt ngục Kon Tum thành công, đồng chí Chu Huy Mân tham gia vào Ban vận động Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam. Tháng 8/1945, đồng chí tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam, sau đó được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam. Tháng 9/1945, theo yêu cầu, nhiệm vụ mới, đồng chí được Xứ ủy Trung Kỳ quyết định điều động ra Huế nhận nhiệm vụ.

Tại Huế, đồng chí đã gặp các đồng chí Trần Hữu Dực, Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ; Tố Hữu, Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng chí được Xứ ủy giao nhiệm vụ Chủ tịch UBQC khu C, một tổ chức tạm thời, có nhiệm vụ chỉ đạo, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương từ Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet (Lào), đấu tranh với tàn quân Pháp từ phía Tây đánh sang và quân Tưởng từ Bắc đánh vào.

Trên cương vị là Chủ tịch UBQC khu C, đồng chí đã gấp rút tranh thủ khoảng thời gian quan trọng này để cùng với các đồng chí trong UBQC khu C khẩn trương phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp để củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn phá hoại của thù trong giặc ngoài.

Đồng chí và UBQC khu C đã phối hợp kịp thời với tỉnh ủy, ủy ban hành chính các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam củng cố, bổ sung LLVT địa phương tỉnh, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ; trấn áp lực lượng phản cách mạng; chỉ đạo triển khai công tác bố phòng các vị trí trọng yếu, các trục giao thông huyết mạch, các kho tàng của nhà nước; đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Nhờ vậy, đã góp phần giúp các tỉnh từng bước vượt qua khó khăn, ổn định tình hình mọi mặt.

UBQC khu C hoạt động một thời gian ngắn, đồng chí Chu Huy Mân được phân công làm Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet. Đây là mặt trận có nhiệm vụ rất quan trọng: sẵn sàng đánh tan quân Pháp từ Savannakhet tiến công về Đông Hà; phối hợp với bạn Lào vận động Việt kiều tham gia ủng hộ cách mạng Lào, hướng về sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thắt chặt mối quan hệ đoàn kết Việt Nam - Lào.

Trên cương vị mới, đồng chí Chu Huy Mân đã phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm, đóng góp quan trọng xây dựng mặt trận vững mạnh về mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trên cương vị là Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet, đồng chí Chu Huy Mân đã có mối liên hệ chặt chẽ với Tỉnh ủy Quảng Trị, trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thí về chủ trương, sách lược của tỉnh sau hội nghị cán bộ toàn tỉnh tháng 9/1945.

Với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, gần dân, đồng chí Chu Huy Mân đêm ngày bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình sản xuất và đời sống của Nhân dân; cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy (BCH) mặt trận đi đến từng gia đình người dân ở khu vực hai bên Đường 9 và vùng biên giới Việt - Lào để tuyên truyền, vận động bà con đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và sẵn sàng phối hợp với bộ đội chiến đấu chống lại các cuộc tấn công của thực dân Pháp.

Cũng trong thời gian này, đồng chí đã cùng với BCH mặt trận tích cực bổ sung, phát triển lực lượng, nên chỉ một thời gian sau khi thành lập, Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet có quân số khoảng 3.000 người, thời điểm bấy giờ, đây là một lực lượng lớn.

Trong điều kiện đất nước vừa giành độc lập, còn bộn bề khó khăn, LLVT cách mạng mới được hình thành còn sơ khai, vũ khí, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm còn thiếu thốn, việc bảo đảm hậu cần cho mặt trận hoạt động là điều không dễ dàng.

Đồng chí Chu Huy Mân cùng BCH Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet thị sát thực tế chiến trường, nắm tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, nắm nguồn lực trong Nhân dân và đề xuất các giải pháp phù hợp, đảm bảo hậu cần cho toàn lực lượng làm nhiệm vụ.

Đồng chí đã cùng với BCH mặt trận tích cực kêu gọi Nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm giải quyết nhu cầu trước mắt; mặt khác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân tăng gia sản xuất vừa đảm bảo đời sống và ủng hộ cách mạng lâu dài.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), một số tàn binh Pháp chạy khỏi tỉnh lỵ và các đồn binh lên ẩn náu ở vùng rừng núi biên giới Việt - Lào bám vào các trục đường giao thông quan trọng. Cuối tháng 10/1945, tàn binh được sự chi viện của quân dù đã mở đợt tấn công vào miền Tây - Đường 9 với ý đồ buộc quân Nhật đóng trên Đường 9 phải giao các vị trí của Nhật cho Pháp.

Từ tháng 11/1945, đồng chí Chu Huy Mân cùng với BCH Mặt trận Đường 9 đã phối hợp nhịp nhàng với Chi đội Thiện Thuật (Bộ đội địa phương Quảng Trị), đồng bào các dân tộc Hướng Hóa, một đơn vị của Chi đội Lê Trực (Bộ đội địa phương Quảng Bình) và lực lượng yêu nước tỉnh Savannakhet (Lào) do đồng chí Thao Ô U Hắc chỉ huy cùng hiệp đồng chiến đấu đánh địch. Đây là lần đầu tiên LLVT Khu 4 nói chung, Quảng Trị nói riêng kết hợp tác chiến với nước bạn Lào chống thực dân Pháp góp phần hình thành liên minh chiến đấu Việt - Lào.

Đầu tháng 12/1945, các lực lượng của ta anh dũng đánh bật địch ra khỏi Khe Sanh, Lao Bảo. Tiếp đó, bộ đội ta phối hợp với LLVT tỉnh Savannakhet tấn công địch ở Sê Pôn thu nhiều thắng lợi. Liên quân Việt - Lào tiếp tục tiến công địch ở Mường Phìn, Phà Lan, Huội Cay, cầu Thà Khống, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Chiến thắng Sê Pôn và một số nơi khác ở Đường 9 bước đầu đánh bại âm mưu: chiếm giữ hành lang Thái Phiên - Thuận Hoá - Đông Hà - Lao Bảo - Savannakhet, bám chặt Đường 9 hòng chiếm Bình - Trị - Thiên, chia cắt Việt Nam của quân Pháp.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng mặt trận, đồng chí Chu Huy Mân còn có nhiều đóng góp quan trọng trong xây đắp mối quan hệ đoàn kết, chiến đấu với nước bạn Lào, tạo cơ sở cho sự phát triển tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa Quảng Trị và các tỉnh Savannakhet, Salavan về sau.

Cuối năm 1945, sau cuộc Tổng khởi nghĩa của quân dân Lào giành thắng lợi ở một số địa phương lớn, thực dân Pháp được quân Anh giúp đỡ trở lại xâm lược Lào lần thứ hai. Xác định “giúp bạn là giúp mình”, đồng chí Chu Huy Mân cùng với BCH Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet chỉ huy lực lượng của mặt trận phối hợp với quân và Nhân dân các bộ tộc Lào đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân Pháp từ Savannakhet về biên giới tỉnh Quảng Trị.

Đồng thời, đồng chí cũng đã góp sức làm tốt công tác vận động Nhân dân các bộ tộc Lào và bà con Việt kiều ủng hộ cách mạng Lào và hướng về sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian này, theo chỉ thị của trung ương, đồng chí Chu Huy Mân và BCH Mặt trận Đường 9 đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức đưa phái đoàn Hoàng thân Xuvanuvông về nước an toàn, góp phần củng cố thêm tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước Việt - Lào.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng: “Về quân sự, động viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài; phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp tác đến triệt để”, căn cứ vào đặc điểm tình hình và nhiệm vụ, đồng chí Chu Huy Mân cùng BCH mặt trận đã tích cực xây dựng lực lượng, chuẩn bị tốt hậu cần, tổ chức một số trận đánh phù hợp với tình hình thực tế của mặt trận. Do đó, trong một thời gian ngắn, mặt trận có bước phát triển vững chắc.

Cuối năm 1946, đồng chí Chu Huy Mân được điều động ra nhận nhiệm vụ ở Việt Bắc. Từ kinh nghiệm đúc kết được trong thời gian công tác ở Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet, đồng chí Chu Huy Mân đã tích cực xây dựng các tổ chức cơ sở đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần lãnh đạo hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra.

Trong hơn 1 năm làm nhiệm vụ tại chiến trường Quảng Trị trên cương vị là Chính trị viên Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet, đồng chí Chu Huy Mân đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Đồng chí đã kề vai sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị vào thời điểm rất khó khăn trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ và có nhiều đóng góp quan trọng xây dựng Mặt trận Đường 9 - Đông Hà - Savannakhet vững mạnh về mọi mặt, bẻ gãy các đợt tấn công của thực dân Pháp từ biên giới Việt - Lào vào Quảng Trị.

Baoquangtri.vn

Lần xem: 13  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân 17/3 (1913-2023): Chu Huy Mân - một vị tướng tài ba (16/3/2023)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (8/3/2023)
Với Đảng-mùa Xuân (18/1/2023)
Hội Nông dân tôn vinh 62 nhà khoa học của nhà nông năm 2022 (12/12/2022)
Mức hưởng, điều kiện hưởng lương hưu năm 2022 ai cũng cần biết (1/11/2022)
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022 (27/9/2022)
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2022 (5/9/2022)
Vượt qua 14 tỉnh, thành phố, Vĩnh Phúc cùng Hà Tĩnh "rinh" giải Nhất ở Hội thi Nhà nông đua tài khu vực II (24/8/2022)
Khai mạc Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc khu vực II ở TP Hải Phòng, khán giả háo hức đến từ sớm (24/8/2022)
Giải pháp hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp (2/8/2022)
Hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất nông nghiệp (21/7/2022)
Tổ chức thành công Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân (5/7/2022)
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 9 khóa VII (23/6/2022)
Tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% cho người lao động từ 01/7/2022 (14/6/2022)
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2022 (5/5/2022)
Chiến công có ý nghĩa chiến lược ở Đường 9 - Khe Sanh trong xuân 1968 (20/1/2022)
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận (14/1/2022)
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế (13/12/2021)
Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (9/12/2021)
Tôn vinh 63 nông dân tiêu biểu xuất sắc 2021 (8/12/2021)
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2021 (29/11/2021)
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9 (6/9/2021)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giai cấp nông dân Việt Nam (20/8/2021)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Khơi gợi những giá trị linh thiêng (19/8/2021)
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn gửi thư tới cán bộ, hội viên, nông dân cả nước (17/8/2021)
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2020 (3/8/2021)
Tổng Bí thư kêu gọi toàn dân phòng, chống đại dịch Covid-19 (30/7/2021)
Quy định mới về nâng lương cán bộ, công chức, viên chức (14/7/2021)
Chính thức bãi bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho công chức hành chính (15/6/2021)
Một số chủ trương, chính sách mới (8/6/2021)
Copyright 2023 by ICTQT.VN