Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn đánh giá cao vai trò của nông dân: “Công nông là cái gốc cách mệnh” và “công nông là người chủ cách mệnh” do Đảng cách mệnh lãnh đạo, “Nông Hội là cái nền cách mệnh của dân ta” và “Nông Hội phải liên hệ chặt chẽ với Công Hội” để dựng ra Chính phủ Công Nông Binh”. Khẳng định nông dân là lực lượng hùng hậu, đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Người nhấn mạnh “Đồng bào nông dân sẳn có lực lượng to lớn, sẳn có lòng nồng nàn yêu nước, sẳn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”. Do vậy “Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân”. Chính vì thế, Bác rất coi trọng công tác vận động nông dân.
Bác hồ nói chuyện với nông dân và xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Lai Sơn, Vĩnh Phúc năm 1958. Ảnh: TL
Nguyễn Ái Quốc đã dành một chương trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, viết về tổ chức của nông dân, phân tích hết những nỗi tủi nhục, cực khổ của giai cấp nông dân và Người đã vạch ra lối thoát: “Nếu dân cày Việt Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng”. Và giai cấp nông dân chỉ mạnh và sức mạnh được nhân lên gấp bội khi giai cấp nông dân nằm trong tổ chức cách mạng dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Nói về công tác vận động nông dân, Người chỉ dẫn: “Vận động nông dân là phải vận thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: Làm cho nông dân hiểu quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội Nông dân cứu quốc cho đông, để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc”. Bởi vậy: “Nông vận là phải: Tổ chức nông dân thật chặt chẽ - Đoàn kết nông dân thật khăng khít - Huấn luyện nông dân thật giác ngộ - Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc” . Điều này đồng nghĩa với việc đưa nông dân vào các tổ chức, đoàn kết họ trong Nông Hội.
Muốn vậy thì cán bộ nông dân phải tránh bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh giấy tờ.
Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã.
Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn.
Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ.
Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và học hỏi dân.
Bác chỉ dạy rất ân cần, cụ thể cách thức đối với cán bộ vận động quần chúng cũng như cán bộ nông vận: bất cứ việc to,việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm đấutranh, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế mới kéo được quần chúng. Cách lãnh đạo đúng là: 1)Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Mà như thế nhất định phải so sánh với kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng là người chịu đựng kết quả của sự lãnh đạo của ta. 2) Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3) Phải tổ chức sự kiểm tra, giám sát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng cần phải có quần chúng giúp mới được. Bác Hồ kết luận cách lãnh đạo đúng là “Từ trong quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”.
Bác chỉ rõ và yêu cầu thực hiện tốt 5 phương pháp công tác dân vận đó là:
Thứ nhất, phải có chỉ thị, mít tinh, báo chương, sách vở, khẩu hiệu , truyền đơn;
Thứ hai, phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ rằng, việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phả hăng hái cho kỳ được;
Thứ ba, bất cứ việc gì đều phải bàn với dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành;
Thứ tư, trong lúc thi hành, phải theo dõi, đôn đốc khuyến khích dân;
Thứ năm, khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
Khẳng định việc phát triển hợp tác xã là một tất yếu, Người viết:“...Không có con đường nào khác, chỉ có vào tổ đổi công, tiến lên hợp tác xã nông dân ta mới có thêm sức để cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất”, như thế người nông dân mới đi tới chỗ ấm no, sung sướng, mới góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nước nhà. Và theo Người “Vận động nông dân vào tổ đổi công, hợp tác xã thì phải tuyên truyền, giải thích, nhưng như thế chưa đủ mà phải lấy kết quả thực tế để nông dân nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai thì việc tuyên truyền đó mới có kết quả”. ..
Trong thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, công tác vận động nông dân cần phải làm cho nông dân nhận thức rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là nhằm không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của người nông dân”. Và Người cũng đã từng khẳng định: “tất cả đường lối, phương pháp, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng”...
Những di huấn, chỉ dẫn của Bác Hồ về công tác vận động nông dân mãi vẫn giữ nguyên giá trị và có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc, thiết thực để mỗi cán bộ Hội cùng suy ngẫm. Các cấp Hội đang thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vận động nông dân phát triển sản xuất, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới,…chúng ta càng thấm thía hơn những lời căn dặn sâu sắc của Người. 6 tiêu chí với 12 từ về hình mẫu của người cán bộ vận động nông dân “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” nhưng đòi hỏi người cán bộ Hội phải phải rèn luyện, phấn đấu suốt cả cuộc đời. Vì vậy, mỗi cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở phải tích cực học tập, tích lũy kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động nông dân, rèn luyện phẩm chất, năng lực, tận tụy, gương mẫu, phải thực sự tin nông dân, trọng nông dân, gần nông dân, hiểu nông dân, học nông dân và có trách nhiệm với nông dân. Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục hướng về cơ sở, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động gắn với các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn./.
Nguyễn Thị Hường