Học tập phong cách viết báo của Bác Hồ

Chủ nhật - 20/06/2021 23:23 257 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Nhà nước ta mà còn là người sáng lập và chỉ đạo nền báo chí cách mạng Việt Nam, kể từ ngày Báo Thanh niên, cơ quan của Hội Thanh niên cách mạng tại Quảng Châu (Trung Quốc) ra số đầu vào ngày 21/6/1925. 96 năm đã qua, tư tưởng báo chí của Bác Hồ là: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào? - đã và vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong ý thức và hành động của những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Học tập phong cách viết báo của Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Nhà nước ta mà còn là người sáng lập và chỉ đạo nền báo chí cách mạng Việt Nam, kể từ ngày Báo Thanh niên, cơ quan của Hội Thanh niên cách mạng tại Quảng Châu (Trung Quốc) ra số đầu vào ngày 21/6/1925. 96 năm đã qua, tư tưởng báo chí của Bác Hồ là: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào? - đã và vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong ý thức và hành động của những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Nhà nước ta mà còn là người sáng lập và chỉ đạo nền báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh: TL

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng ngàn bài báo, trong đó có hơn 2.000 bài viết cho báo Nhân Dân với hàng chục bút danh khác nhau. Đúng như lời Bác tâm sự với các nhà báo tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959): “Đề tài xuyên suốt trong các bài báo Bác viết là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhằm đạt mục tiêu cao cả ấy, Bác thân tình nhắc nhở mỗi người khi cầm bút viết báo là phải tự trả lời câu hỏi: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào? Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập tư tưởng chủ đạo ấy của Bác đã được thể hiện trong các bài viết từ sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) đến hết năm 1947 - một thời điểm với bao thử thách cam go khi toàn dân tộc ta chỉ có súng kíp, giáo mác và gậy tầm vông, đã dũng cảm đứng lên chiến đấu với đội quân nhà nghề thực dân Pháp có sức mạnh vật chất và vũ khí hiện đại gấp chúng ta hàng trăm lần - mà như một nhà báo phương Tây lúc ấy ví hành động kháng chiến của Việt Nam là “châu chấu đá voi” (!).

Coi “báo chí là một mặt trận và cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén” của những người làm báo, Bác Hồ tự nguyện “nhập vai” vào đội quân xung kích ấy, tham gia viết những bài báo với nhiều cách thức thể hiện dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Đối với các đối tượng đại chúng thì tết đến, xuân về, Bác đều có Thư chúc Tết gửi toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước, khi bằng văn xuôi, khi bằng mấy vần thơ, mang tầm khái quát bản chất tình hình kháng chiến ở thời điểm cụ thể; đồng thời truyền nhuệ khí, niềm tin vào thắng lợi cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Tuy bận trăm công nghìn việc của một vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Bác vẫn thường xuyên đọc thư phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân ta, từ các cháu thiếu nhi đến các cụ già; từ các đoàn thể thanh niên, phụ nữ đến các tổ chức xã hội; từ người chiến sĩ đến cán bộ quân đội, công an... Người rất coi trọng những lá thư ấy, coi đó là “sợi dây kết nối” giữa Đảng với Dân; và chỉ qua đó, Người thêm thấu hiểu lòng Nhân dân để chọn cách thức giải thích, vận động thông qua báo chí một cách thích hợp, hiệu quả.

Nhân đón Tết năm 1947, trước thủ đoạn tuyên truyền của thực dân Pháp và bọn phản động tay sai âm mưu lừa gạt Nhân dân Nam Bộ, cho rằng “Nếu Việt Nam thống nhất thì người Nam sẽ bị người Bắc cai trị”, Bác gửi thư với lời lẽ chân tình, đối thoại bình đẳng. Người chỉ rõ: “Đó là cái mưu của chúng hòng chia rẽ đồng bào ta. Ai cũng biết rằng, trong nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, từ làng xã đến toàn quốc, những người chức trách đều do dân cử ra. Dân tin cậy ai, thì người ấy trúng cử và bổn phận người trúng cử là làm đầy tớ cho dân, chứ không phải làm quan phát tài. Như thế thì đồng bào Nam có lo gì bị đồng bào Bắc cai trị”.

Nhằm “chia để trị”, chúng thường xuyên kích động chia rẽ giữa đồng bào lương và giáo nhằm gây phân tâm xã hội, làm suy giảm sức mạnh cuộc kháng chiến, kiến quốc. Thấu hiểu những băn khoăn, vướng mắc trong tâm tư của linh mục Lê Hữu Từ, Bác đã mấy lần viết thư tâm tình với linh mục: “Chắc Cụ không bao giờ tin rằng Việt Minh chống đạo vì Cụ thừa biết Việt Nam Độc lập đồng minh là cốt đoàn kết tất cả đồng bào để làm cho Tổ quốc độc lập, chứ không phải để chia rẽ, phản đối tôn giáo… Những sự xích mích nhỏ giữa một số đồng bào, tuy là đáng tiếc vì đạo đức giáo hóa chưa được phổ cập, không thể động chạm đến sự đại đoàn kết của chúng ta”. Biết tin đồng bào dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa cũng bị tác động bởi luận điệu của kẻ xấu, Bác Hồ viết bức thư chỉ có 11 dòng, nhưng chứa chan tình cảm và sức thuyết phục: “… Tôi định lên thăm đồng bào, nhưng có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Tôi lấy làm tiếc. Lần sau tôi cố lên thăm đồng bào… Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc. Việc dìu dắt đồng bào thượng du, tôi trông cậy lòng ái quốc và sự hăng hái của các vị lang đạo...”. Nhấn mạnh sự đoàn kết Nhân dân trong nước, Bác không quên đề cập vai trò của bà con ngoại kiều. Nhận được nhiều Thư chúc Tết (năm 1947) của các tầng lớp nhân dân, Bác viết thư “cảm ơn bà con Hoa kiều và Ấn kiều đã nhiệt tình ủng hộ cuộc kháng chiến nơi thì quyên tiền; nơi thì cho bánh; nơi thì tặng cờ chiến sĩ”...

Mặc dù đối tượng của cuộc kháng chiến là đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, nhưng Bác Hồ kiên trì thuyết phục những người lãnh đạo nước Pháp nhận rõ những việc làm phi nghĩa của họ, đã và đang gây ra sự đau khổ cho cả hai bên. Bác viết với lời lẽ tuy bình dị nhưng thể hiện tính nguyên tắc rõ ràng: “Máu Pháp và máu Việt chảy đã nhiều. Nhiều thành trì, làng mạc Việt Nam đã bị tàn phá, nhiều doanh nghiệp Pháp đã bị phá sản. Cuộc chiến tranh càng kéo dài ngày nào, thì tang tóc càng nhiều thêm, đổ nát càng chồng chất. Người ta bảo rằng quân đội Pháp chỉ dùng để lập hòa bình trật tự. Điều đó sai. Sự thực là ở đâu không có quân đội Pháp thì không có xung đột, mà rất có hòa bình, trật tự”.

Dẫn ra một số ví dụ tiêu biểu nêu trên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, yếu tố để tạo nên tính dễ hiểu, tính thuyết phục, tính hiệu quả của một bài báo chính là người viết xác định rõ đối tượng, hiểu rõ họ đang nghĩ gì, muốn gì; trên cơ sở đó chỉ ra giải pháp. Tôi càng thấm thía khi Bác phê phán những bài viết “vòng vo tam quốc”, “dây cà ra dây muống”, làm tốn giấy mực và mất thời gian của người đọc. Nếu nói một cách khái quát: Một bài báo có giá trị, gây hiệu ứng xã hội cao thì người viết phải thấm nhuần nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Chính vì vậy, Bác Hồ khuyên những người viết báo là không được xa rời mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tăng cường cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nhân đây, tôi thấy cần nhắc lại bức thư Bác gửi Đại hội báo giới ngày 5/8/1947 với những lời chỉ bảo hết sức cụ thể với người cầm bút:

“Theo ý tôi, các bạn có nhiệm vụ như sau:

Vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch.

Giải thích cho dân chúng hiểu rõ, vì sao phải trường kỳ kháng chiến, vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi.

Giải thích chính sách của Chính phủ cho dân chúng rõ. Bày tỏ nguyện vọng của dân chúng cho Chính phủ biết.

Cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng, bày cho dân chúng tổ chức lực lượng của mình.

Kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái kháng chiến, tin tưởng về sự thắng lợi.

Ngoài ra, lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem báo có thú vị mà lại bổ ích.

Chiến sĩ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch”.

Lời dạy trên đây của Bác thật giản dị mà sâu sắc và vẫn nóng hổi tính thời sự cho đến hôm nay, khi cả nước ta đang đồng lòng chung sức vừa đẩy lui COVID-19, vừa khẩn trương phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống Nhân dân.

Sẽ là không đầy đủ khi đề cập chất lượng một bài báo, tôi không đề cập một đòi hỏi quan trọng trong thể loại phỏng vấn. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, với cương vị là lãnh tụ tối cao, Bác Hồ đã nhận được hàng trăm câu hỏi phỏng vấn của các nhà báo trong nước và nước ngoài về những vấn đề thời sự của đất nước và thế giới, trong số đó có những vấn đề tế nhị và nhạy cảm. Nhưng đã từng là một nhà báo, Bác Hồ rất gần gũi, không né tránh, mà muốn thông qua trả lời báo chí để dư luận hiểu rõ bản chất sự kiện và thái độ của Đảng, Nhà nước ta trước sự kiện đó. Xin được nêu một ví dụ điển hình. Ngày 19/8/1947, nhận được 2 câu hỏi na ná nhau của nhiều nhà báo, Bác vui vẻ trả lời rành rọt.

Câu hỏi 1: Thưa Cụ, có tin đồn rằng Cao ủy Bôlae phái đại biểu đến yết kiến Cụ, bàn về vấn đề điều đình, tin ấy có đúng không?

Bác trả lời: “Không. Có lẽ người ta sực nhớ lại việc giáo sư P. Muyt thay mặt Cao ủy Bôlae gặp tôi lúc trước, mà có tin đồn đó chăng”.

Câu hỏi 2: Nghe nói có một bộ phận người Pháp ở đây muốn lập một chính phủ bù nhìn, ý kiến Chủ tịch đối với bọn người ấy thế nào?

Bác trả lời: “Một số thực dân phản động có thể có mưu đồ đó, nhưng Cao ủy Bôlae là một nhà đại chính trị, chắc ông thừa biết các kinh nghiệm chính phủ bù nhìn ở Nam Bộ, nó đã không giải quyết được gì, mà chỉ làm kéo dài cuộc chiến tranh và ngăn trở sự thân thiện giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Không lẽ một người sáng suốt như Cao ủy Bôlae lại đi theo con đường đó”.

Như vậy là, người đặt câu hỏi gọn, rõ yêu cầu; còn người trả lời trực diện, ngắn gọn, không né tránh, vừa bảo đảm tính nguyên tắc, tính lịch sự, có tác dụng tranh thủ đối phương đồng tình với quan điểm và việc làm của mình. Thông qua câu chuyện này, chúng ta thu nhận thêm nghệ thuật trả lời phỏng vấn của Bác để vận dụng vào công việc “bếp núc” hằng ngày của báo chí. Đây cũng là một trong những thể loại đã và đang được áp dụng phổ biến trong tác nghiệp báo chí hiện nay.

baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay9,021
  • Tháng hiện tại186,010
  • Tổng lượt truy cập2,678,821
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây