Tấm lòng Bác Hồ với nông dân

Thứ ba - 25/06/2019 21:36 290 0
Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội; trong đó, Người đặc biệt quan tâm giai cấp nông dân. Trong con đường đi đến hạnh phúc ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Bác đồng hành.
Tấm lòng Bác Hồ với nông dân


Ảnh tư liệu (có tính minh họa)

BÁC HỒ THĂM ĐỒNG RUỘNG KIỀU MAI

Trời vẫn nóng oi ả, cái nóng khô khan làm mọi người khó chịu. Thời vụ làm mùa sắp hết, mấy tháng rồi trời vẫn chưa mưa, nắng hạn kéo dài, đồng ruộng Kiều Mai đất khô cứng, rạn nứt, bạc màu đang khát khao chờ nước .

Tan họp ra về, trời đã khuya vừa đi bà con vừa bàn tán sôi nổi: không thể cứ ngồi chờ mưa mới cày cấy được, bắt sông đổ nước vào đồng làm mùa cho kịp thời vụ. Đám thanh niên hăng hái bàn nhau chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, ai cũng hồ hởi phấn khởi quyết tâm hưởng ứng "chiến dịch chống hạn" do Ban ủy nhiệm thôn Kiều Mai phát động tổ chức vào ngày hôm sau.

Buổi sáng ngày 7-8-1955 (tức ngày 20-6 âm lịch), bà con nông dân Kiều Mai đang sôi nổi thi đua đào vét mương lấy nước sông Nhuệ dẫn vào đồng. Những lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên gò cao cạnh Cầu Diễn bên đường 11A. Mọi người đang tấp nập làm việc, người xắn đất, người bốc đất chuyền tay nhau, mồ hôi lấm tấm trên trán, thấm qua áo nhưng ai cũng vui vẻ, khẩn trương làm việc. Trên đường quốc lộ, một chiếc xe ô tô chạy từ Sơn Tây về Hà Nội. Xe dừng bánh gần chỗ mọi người đang đào vét mương, cửa xe vừa mở Bác từ trên xe bước xuống.

- Bác... Bác Hồ!...

Mọi người đều nhận ngay ra Bác, Bác đến bất ngờ quá, ai cũng muốn reo lên. Tất cả đều dừng tay và nhìn về phía Bác, đồng thanh chào Bác, Bác chào mọi người. Dáng người hơi cao, vầng trán rộng, đôi mắt sáng, chòm râu dài, Bác mặc bộ quần áo kaki bạc mầu, chân đi dép cao su bước nhanh nhẹn tới chỗ mọi người. Ai cũng hồi hộp xúc động cứ đứng im chăm chú nhìn Bác không nói nên lời. Bác tiến lại gần chỗ anh Trần Văn Đăng rồi hỏi mọi người:

- Thiếu nước phải đi đào vét mương vất vả các cô, các chú có thắc mắc gì không?

Mọi người cùng trả lời:

- Thưa Bác chúng cháu rất phấn khởi, không thắc mắc gì ạ!

Bác khen thế là tốt. Bác hỏi anh Đăng:

- Trong số bà con đi đào mương ở đây có ai bị bắt buộc phải đi làm không?

- Thưa Bác không có ai bị bắt buộc ạ! Vì nắng hạn kéo dài mọi người đều tự thấy phải chung sức đào mương đưa nước lên đồng cày cấy cho kịp thời vụ.

Bác khen nông dân Kiều Mai tích cực đào mương, Bác căn dặn mọi người phải chủ động lấy nước cày cấy, không chờ đợi trời mưa, có thế sản xuất mới thắng lợi được. Bác kể chuyện những nơi chống hạn tốt cho mọi người, rồi Bác nói tiếp, đại ý:

Đồng ruộng của ta mầu mỡ nhưng còn nhiều nơi chưa cấy được hai vụ vì ta làm thủy lợi chưa giỏi. Các cô, các chú cố gắng đào đắp nhiều mương máng hơn nữa để biến số ruộng một vụ thành hai vụ, thu hoạch được nhiều thóc, đời sống sẽ ấm no hơn. Xưa không có ruộng dân ta chịu khổ, bây giờ làm chủ ruộng đồng lẽ nào đời sống của ta lại không khấm khá hơn trước.

Lắng nghe lời nói chân tình, giản dị của Bác ai cũng xúc động thấm thía sự quan tâm sâu sắc của Đảng, của Bác, ai cũng muốn đồng thanh thưa với Bác: chúng cháu sẽ quyết tâm làm được những lời chỉ bảo của Bác.

Thấy chân Bác dính nhiều bùn, cụ Vũ Thị Năng mang một chậu nước lên để Bác rửa chân, Bác ngăn lại và thân mật nói với cụ Năng:

- Tôi còn khỏe hơn cụ, để tôi tự đi rửa lấy.

Nói xong Bác đi xuống sông Nhuệ rửa sạch chân tay, mọi người theo Bác ra bờ sông, Bác bảo tất cả mọi người:

- Nếu các cô, các chú sản xuất tốt hơn nữa thì Bác lại về thăm.

... Sau đó, xe của Bác đã đi xa, mọi người vẫn đứng bên đường nhìn theo, lưu luyến, cảm động, ai cũng muốn được gần Bác hơn nữa để được nghe những lời chỉ bảo của Người, từng lời nói, cử chỉ của Bác rất gần gũi, thân thiết còn khắc sâu trong tâm trí mọi người.

Tin Bác Hồ về thăm lan nhanh khắp xóm làng, mọi người kể cho nhau nghe những lời chỉ bảo của Bác và cùng nhau bàn bạc kế hoạch đào đắp mương máng, cải tạo đồng ruộng, hăng hái lao động sản xuất. Những năm sau đó Kiều Mai đi vào sản xuất tập thể, cùng nhau chung sức, chung lòng phát triển sản xuất. Mọi người mong chờ có ngày Bác lại về thăm.

Ngày ấy đã đến với xã viên hợp tác xã Kiều Mai. Sáng ngày 14-6-1961 trên khu đồng Song của hợp tác xã Kiều Mai, xã viên đang hăng hái phấn khởi thu hoạch vụ lúa chiêm xuân và chuẩn bị làm mùa. Hàng trăm cán bộ công nhân viên Nhà nước cũng về gặt giúp nông dân làm tăng thêm cảnh lao động nhộn nhịp, khẩn trương. Từ ngoài đồng về sân kho của hợp tác xã từng tốp người đi về tấp nập. Trên đường 11A một chiếc xe màu đen chạy từ Hà Nội về phía Sơn Tây, xe dừng bánh bên gốc cây gạo và giếng nước đầu làng Kiều Mai. Anh Nguyễn Đình Hưng đang gánh lúa về sân kho của hợp tác xã. Vừa về tới đó anh trông thấy Bác từ trên xe bước xuống. Thoáng nhìn, anh Hưng nhận ngay ra Bác: "Bác Hồ!". Chỉ có mình anh ở đây, cuống lên vì phấn khởi, hồi hộp, gánh lúa vẫn ở trên vai, anh đứng im chào Bác:

- Cháu chào Bác ạ!

Bác tươi cười hỏi anh:

- Chú là cán bộ hay xã viên?

- Thưa Bác, cháu là đội trưởng sản xuất.

Bác nói:

- Tốt lắm, chú cần phải động viên xã viên tích cực sản xuất chăm sóc đồng ruộng cho tốt để vụ lúa sau năng suất cao hơn vụ lúa này.

Bác cầm một lượm lúa trên gánh lúa của anh và hỏi:

- Chú cho Bác biết ước thu vụ này mỗi sào được bao nhiêu ki lô?

- Thưa Bác, mỗi sào ước thu từ một tạ hai đến một tạ rưỡi ạ! - Anh định đặt gánh lúa xuống để dẫn Bác đi thăm xã viên đang gặt dưới đồng nhưng Bác ngăn anh lại và bảo:

- Chú cứ gánh lúa về sân kho, đừng đặt xuống đường để khỏi rơi rụng thóc lãng phí.

Bác cùng đồng chí bảo vệ đi về khu ruộng Song nơi xã viên đang gặt lúa. Qua khu đồng Con Cá tổ cày của hợp tác xã đang cày ruộng. Bác tới nơi mọi người đều ngỡ ngàng, gặp hai ông Nguyên Hữu Uy và Nguyễn Đức Lân đang cày dưới ruộng, ông Uy đang cày một con trâu vừa gầy vừa đói. Bác hỏi ông Uy:

- Chú ăn cơm sáng chưa?

Ông Uy trả lời Bác:

- Thưa Bác cháu ăn cơm sáng rồi ạ!

- Chú ăn no mới cày được tới trưa! Sao lại để con trâu gầy đói thế?

Ông Uy đang lúng túng, ngượng ngùng chưa biết trả lời Bác ra sao, Bác nói tiếp:

- Con trâu là đầu cơ nghiệp, phải chăm sóc tốt thì nó mới đủ sức khỏe để cày sâu bừa kỹ, mới sản xuất được ra nhiều lúa gạo cho dân ta ấm no, nước ta giầu mạnh.

Bác bảo ông Uy:

- Chú hạ cái cày xuống thêm một nấc để đường cày được sâu thêm.

Lời nói chân tình, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc của Bác làm cho mọi người càng thấm thía, ai cũng không ngờ rằng ở Bác một lãnh tụ của Đảng, của dân tộc lại am hiểu tường tận công việc nhà nông đến như vậy. Lúc đó đồng chí Trác, chủ nhiệm hợp tác xã, cũng vừa tới nơi. Bác hỏi đồng chí Trác:

- Chú làm gì?

- Thưa Bác cháu là chủ nhiệm hợp tác xã ạ.

Phấn khởi hồi hộp vì vinh dự được gặp Bác một cách bất ngờ quá. Nói xong đồng chí vội vàng chạy đi báo tin cho xã viên đang gặt dưới đồng được biết Bác Hồ về thăm xã viên đang gặt lúa.

Tin Bác đến thăm lan nhanh khắp cánh đồng, mọi người đều chạy cả về phía Bác, ai cũng muốn được gần Bác.

"Bác... Bác Hồ!" Mọi người reo lên, xúc động, phấn khởi khi thấy Bác khỏe mạnh, hồng hào, nét mặt hiền từ, vui vẻ, dáng nhanh nhẹn. Bác mặc bộ quần áo gụ, quần xắn đến đầu gối. Bác lội dưới ruộng, tay nâng từng gồi lúa xem từng bông. Bác nhặt những bông lúa rời đặt vào gồi lúa, tới gần một số xã viên, Bác hỏi bà Nguyễn Thị Bê:

- Lúa năm nay có tốt không? Phần phân phối ăn chia của xã viên với phần của cán bộ có đều nhau không?

Bà Bê còn đang lúng túng chưa kịp trả lời, Bác lại hỏi tiếp:

- Giai cấp công nhân và nông dân có cần đoàn kết chặt chẽ với nhau không?

Chị Nguyễn Thị Tre đứng gần đó nhanh nhảu thưa với Bác:

- Thưa Bác lúa năm nay tốt lắm ạ! Phần phân phối ăn chia cho xã viên cũng như phần của cán bộ, giai cấp nông dân cần phải đoàn kết chặt chẽ với giai cấp công nhân chứ ạ!

Bác tươi cười bảo chị Tre:

- Tôi hỏi cô này, chứ tôi có hỏi cô đâu mà cô trả lời. Cô có phải là cán bộ không?

Tất cả mọi người cùng cười vui vẻ. Bác nói với mọi người đại ý: Bây giờ bà con ta làm chủ ruộng đồng, chung sức cùng nhau làm ăn tập thể, dẫu còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng chắc chắn đời sống sẽ ngày một khá hơn. Nước ta nghèo nhưng ta phải tự lực cánh sinh xây dựng chủ nghĩa xã hội, không nên ỷ vào sự giúp đỡ của các nước bạn. Miền Nam nước ta còn giặc Mỹ chiếm đóng, đồng bào miền Nam đang bị giặc Mỹ giết hại, ta không thể không nghĩ tới bà con ta ở trong đó. Sản xuất giỏi, xây dựng hợp tác xã vững mạnh là thiết thực góp phần ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt. Bác kể chuyện những nơi cần kiệm xây dựng hợp tác xã, sôi nổi áp dụng khoa học kỹ thuật. Hợp tác xã Kiều Mai nên học tập và làm theo những nơi đó. Bác căn dặn Ban quản trị hợp tác xã phải làm hết sức mình, không được quan liêu, hách dịch, không được tham ô, lãng phí, nhớ làm tốt công tác bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.

Bác nói tiếp:

- Bác về thăm các cô, các chú đang lao động sản xuất làm ảnh hưởng tới một số thời gian, các cô, các chú có làm bù được thời gian Bác đến thăm và nói chuyện không?

Nhiều người cùng đồng thanh trả lời Bác:

- Thưa Bác, chúng cháu đều làm bù lại vượt mức thời gian mà Bác đến thăm và nói chuyện ạ!

Bác đứng giữa ruộng, nước quá mắt cá chân, một con đỉa bám vào chân Bác. Em Lê Thị Hồng đến gỡ đỉa cho Bác, Bác vui vẻ bảo em:

- Bác không sợ đỉa, cháu cứ để Bác tự gỡ. Bác hỏi chị Lanh:

- Cô ở đội nào?

- Thưa Bác, cháu ở đội 1 ạ.

- Đội của cô có bao nhiêu gia đình?

- Thưa Bác, đội của cháu có ba mươi gia đình ạ.

Bác hỏi tiếp:

- Vào hợp tác xã có hơn đứng ở ngoài không?

- Thưa Bác, hơn nhiều ạ.

Một đoàn các bà, các chị gánh phân chuồng ra bón ruộng, họ đặt quang gánh chạy lại chào Bác, Bác nhắc một bên phân rồi hỏi:

- Các cô gánh mỗi gánh được bao nhiêu cân?

- Thưa Bác, chúng cháu gánh được khoảng ba mươi lăm, bốn mươi cân ạ!

Bác nói:

- Chỉ thế thôi ư, dùng xe chở phân có lợi hơn không?

Trong thôn, cụ già, trẻ em, xã viên hợp tác xã đang làm việc ở sân kho nghe tin Bác về thăm đều vui mừng phấn khởi chạy ra đón Bác. Tới bờ giếng Trại, đoàn người gặp Bác từ khu ruộng Song đi lên. Bác thăm hỏi sức khỏe các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi, Bác căn dặn mọi người tích cực thi đua đẩy mạnh mọi mặt công tác, sản xuất, các cháu thiếu nhi phải chăm học, chăm làm.

Thay mặt các cụ phụ lão và nhân dân Kiều Mai, cụ Nguyễn Đức Tộ mời Bác vào thăm xóm làng. Bác từ chối vì thời gian có hạn, Bác tạm biệt các cụ phụ lão cùng nhân dân Kiều Mai.

Xe từ từ chuyển bánh, mọi người vẫy tay lưu luyến tiễn đưa Bác. Những lời chỉ bảo của Bác còn in sâu trong tâm trí mọi người như truyền thêm sức mạnh cho Kiều Mai đi lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ đó đồng ruộng Kiều Mai cũng chuyển mình và từng bước đổi mới, từ cấy một vụ chuyển thành cấy hai vụ. Ghi nhớ công ơn của Bác "Khu đồng 10 tấn", "những thửa ruộng Bác Hồ" được hình thành trên cánh đồng được Bác đến thăm là nguồn sức mạnh động viên mọi người thi đua lao động sản xuất cải tạo đồng ruộng, đường sá, bờ vùng, bờ thửa được đắp to chạy ngang dọc, xe cải tiến ngày càng nhiều, giải phóng đôi vai người lao động. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Trường học, nhà hộ sinh, nhà trẻ, v.v. lần lượt mọc lên. Kiều Mai cùng với các thôn của xã Phú Minh từng bước đi lên theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ.

(Trích từ sách: Những lần đón Bác, Ban Lịch sử Đảng và phòng Văn hóa - Thông tin huyện Từ Liêm, Nxb. Hà Nội, 1984)

tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay18,690
  • Tháng hiện tại258,823
  • Tổng lượt truy cập2,137,201
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây