Mặc dù chịu tác động trực tiếp của COVID - 19 trên địa bàn, song với tinh thần trách nhiệm trước sức khỏe và quyền lợi người dân, Quảng Trị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nỗ lực thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm -Ảnh: P.T |
Diễn ra trong bối cảnh tình hình COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, song Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 tại Quảng Trị vẫn triển khai có hiệu quả các hoạt động chuyên môn.
Trong thời gian diễn ra tháng hành động, công tác thông tin truyền thông được triển khai đa dạng về hình thức phù hợp với tình hình phòng chống COVID - 19 trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế đã tập trung xây dựng tin, bài phản ánh các hoạt động trong tháng hành động phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở địa phương; chuyển tải các thông điệp với chủ đề “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới” hướng đến các nhóm đối tượng gồm chính chuyền các cấp, các nhà quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm; tiến hành treo băng rôn vượt đường và đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm treo băng rôn khẩu hiệu hưởng ứng tháng hành động an toàn thực phẩm; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe trên các trục đường, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp thôn, xóm, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong đó, riêng ngành y tế đã tổ chức 2 lễ phát động với sự tham dự của 1.200 người, tổ chức lồng ghép, nói chuyện trong các buổi họp dân tại 40 xã, phường với sự tham dự của gần 7.000 lượt người, treo 315 băng rôn vượt đường và khẩu hiệu, hơn 1.000 áp phích, gần 2.500 tờ gấp tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình COVID -19.
Nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra trong tháng hành động, từ ngày 15/4/2021 đến ngày 15/5/2021, ban chỉ đạo đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Cụ thể, đã triển khai 147 đoàn kiểm tra, trong đó có 112 đoàn liên ngành và 35 đoàn chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.165 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện 496 cơ sở vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm (chiếm tỉ lệ 23%), tiến hành xử lý phạt tiền 27 cơ sở với số tiền phạt hơn 117 triệu đồng. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã buộc tiêu hủy tại chỗ 54 kg bột bánh sô cô la, bột bánh mì, 144 kg mứt cherry, 55 kg mứt kiwi, 1,6 kg nhân bánh kem, 66,5 kg thịt gà đã qua chế biến, 170 gói kẹo các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, 86 sản phẩm bánh kẹo thực phẩm chức năng quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa. Hoạt động lấy mẫu kiểm nghiệm giám sát nguy cơ thực phẩm và phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh trong dịp này. Tổng số mẫu kiểm nghiệm được thu là 116 mẫu, trong đó tổng số mẫu lý hóa đạt 92/95 mẫu, chiếm tỉ lệ gần 97%, tổng số mẫu vi sinh đạt 24/24 mẫu, chiếm tỉ lệ 100%; xét nghiệm nhanh chỉ tiêu lý hóa đạt 1.453/1.548 mẫu, chiếm tỉ lệ gần 94 %.
“Trong thời gian diễn ra tháng hành động, Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường ở các tuyến. công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần tích cực nâng cao nhận thức và chuyển biến hành động trong cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, thúc đẩy sản xuất thực phẩm sạch, an toàn cho cộng đồng người tiêu dùng. Đáng ghi nhận trong thời điểm diễn ra tháng hành động không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, do tháng hành động triển khai trùng với thời gian COVID-19 xảy ra trên địa bàn và do nguồn kinh phí chương trình an toàn thực phẩm năm 2021 chưa được cấp, phân bổ nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai một số hoạt động”, ông Hoàng Đình Ấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết.
Cũng theo ông Hoàng Đình Ấn để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn, Quảng Trị cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý an toàn thực phẩm. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội và sức khỏe của con người. Trong đó, giải pháp ưu tiên là cần thường xuyên đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và cảnh báo hiệu quả cho cộng đồng về các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm cũng như nhân rộng các điển hình sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm sạch trong cộng đồng. Đồng thời tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức, hướng dẫn, tư vấn an toàn thực phẩm cho các cơ sở thực phẩm và người dân nhằm tạo hiệu quả sâu rộng trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phương Thảo (baoquangtri.vn)