Phát triển mô hình trồng cây dược liệu, một hướng đi mới

Thứ ba - 06/09/2016 21:07 89 0
Ở vùng gò đồi của tỉnh Quảng Trị, người dân ít có ruộng để sản xuất, chủ yếu sống nhờ vào vườn cây công nghiệp và rau màu. Những năm qua, tình trạng xuống giá của sản phẩm một số cây công nghiệp ở vùng gò đồi như cây cao su đã phần nào làm cho cuộc sống của người dân gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, một số hộ đã chuyển đổi sang trồng một số loài cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó mô hình trồng cây dược liệu đang được người dân quan tâm thực hiện là một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp vùng gò đồi.

Ở vùng gò đồi của tỉnh Quảng Trị, người dân ít có ruộng để sản xuất, chủ yếu sống nhờ vào vườn cây công nghiệp và rau màu. Những năm qua, tình trạng xuống giá của sản phẩm một số cây công nghiệp ở vùng gò đồi như cây cao su đã phần nào làm cho cuộc sống của người dân gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, một số hộ đã chuyển đổi sang trồng một số loài cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó mô hình trồng cây dược liệu đang được người dân quan tâm thực hiện là một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp vùng gò đồi.

Cây dược liệu sinh trưởng và phát triển nhiều ở vùng gò đồi. Từ trước tới nay, người dân khai thác từ cây tự nhiên để chế biến các thức uống có lợi cho sức khỏe, cung cấp cho thị trường với sức tiêu thụ khá nhiều như cây vằng, cà gai leo, nghệ... mang lại thu nhập khá cho nông dân. Một số nơi hình thành được làng nghề chế biến dược liệu như làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận làng nghề nấu cao dược liệu, cơ sở sản xuất trà dược liệu ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà... Tuy nhiên, việc khai thác nguyên liệu để chế biến dược liệu từ cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên có hạn và đến lúc sẽ bị cạn kiệt. Vì vậy, một số địa phương ở vùng gò đồi đã xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu nhằm cung cấp nguyên liệu bào chế thuốc đông y và cho các làng chế biến thức uống có lợi cho sức khỏe bước đầu mang lại hiệu quả khá, tạo được nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông dân, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với thế mạnh của từng vùng.

Người dân phơi cây giảo cổ lam


Từ năm 2015, huyện Cam Lộ tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình trồng cây dược liệu đối với cây cà gai leo, cây vằng, nghệ vàng..., trong đó phát triển mạnh nhất là cây cà gai leo, cây vằng. Cà gai leo là cây dược liệu có nhiều công dụng chữa một số bệnh về gan , ho, suyễn, tê thấp, giải độc, giải rượu... được người dân quan tâm sử dụng. Loài cây này chủ yếu mọc trong rừng. Qua nhiều năm khai thác, cà gai leo mọc tự nhiên có khả năng cạn kiệt. Để đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hộ nấu cao ở làng Định Sơn, người dân đã ươm giống cà gai leo từ hạt hoặc dâm cành từ cây tự nhiên mang về trồng trong vườn nhà. Sau quá trình đưa vào trồng thử nghiệm cho thấy cây cà gai leo dễ trồng, phù hợp đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương, không cần nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp. Thời gian trồng khoảng 3 tháng là cho thu hoạch, mỗi năm thu hoạch khoảng 3- 4 lứa, mỗi lứa cho thu hoạch từ 4- 5 tạ tươi/sào. Thời gian thu hoạch liên tục của cà gai leo trong 1 chu kỳ trồng khoảng 3 năm, sau đó tái canh lứa trồng khác. Nông dân thu hoạch cà gai leo phơi khô rồi bán cho người nấu cao với giá 70.000 đồng/kg lá khô hoặc tự chế biến cho đến thành phẩm cao cuối cùng .

Một loài cây nữa sau cà gai leo và nghệ vàng được nông dân Cam Lộ tập trung trồng là cây vằng. Đây là loại cây chế biến thành thức uống bổ dưỡng cho sức khỏe được người dân sử dụng từ lâu đời, nhất là đối với phụ nữ sau sinh, người giảm béo... Cây vằng trước đây người dân khai thác từ rừng tự nhiên mang về nấu cao nhưng những năm gần đây khi nguồn nguyên liệu sắp cạn kiệt, họ mới tổ chức trồng để chủ động nguyên liệu phục vụ chế biến. Đến nay toàn xã Cam Nghĩa, Cam Lộ trồng được hơn 4 ha cây vằng.

HTX Nông nghiệp và dịch vụ hồ tiêu Cùa, Cam Nghĩa, Cam Lộ từ năm 2008 đến nay đã tiêu thụ mạnh sản phẩm cao lá vằng cho xã viên tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Bình quân mỗi tháng HTX cung cấp cho các đại lý trên toàn quốc 2,5- 3 tạ cao lá vằng. HTX đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cao lá vằng đã chế biến cho xã viên. HTX cũng đã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cao lá vằng của HTX nên sản phẩm ngày càng tiêu thụ nhiều hơn. Những năm gần đây trước tình hình nhu cầu sử dụng cao lá vằng của người dân tăng cao, xã viên nấu cao nhiều hơn, nhu cầu nguyên liệu tăng lên, nếu cứ dựa vào nguồn tự nhiên sẽ có ngày cạn kiệt, HTX đã vận động xã viên trồng vằng nguyên liệu.

Ông Trần Hà, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dịch vụ hồ tiêu Cùa, Cam Nghĩa, Cam Lộ cho biết: “Ngoài việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm cao lá vằng cho xã viên, HTX còn làm dịch vụ cung ứng giống cây dược liệu các loại cho nông dân trong vùng. Đa số xã viên trong HTX đều có trồng từ 1- 3 sào vằng, có hộ không nấu cao cũng trồng để bán nguyên liệu. Toàn HTX có 80 hộ đăng ký nấu cao vằng thì có 30 hộ ngày nào cũng nấu, phần lớn các hộ này đều có trồng vằng nguyên liệu”.

Gia đình chị Lê Thị Mịch ở thôn Định Sơn, Cam Nghĩa, Cam Lộ làm nghề nấu cao vằng từ nhiều năm nay. Những năm trước chị khai thác nguyên liệu vằng trong rừng tự nhiên, lâu dần vằng tự nhiên cạn kiệt, chị đi mua vằng tự nhiên ở các nơi khác nhưng việc đi mua vằng lá khá vất vả mà lại không chủ động được nguồn nguyên liệu. Được HTX Nông nghiệp và dịch vụ hồ tiêu Cùa cung ứng giống vằng chất lượng tốt, chị Mịch đầu tư trồng 1 sào vằng với 160 cây. Chỉ sau một thời gian trồng không lâu, cũng ít đầu tư chăm sóc nhưng cây vằng của chị mọc khá nhanh, lá nhiều, ít sâu bệnh. Mỗi năm chị thu hoạch 1 lần và mỗi cây cho thu hoạch 10- 15 kg lá tươi. Chị thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu mỗi lần từ 2- 3 cây, cộng với lá vằng thu hái từ tự nhiên, chị có khoảng 50 kg lá vằng tươi để nấu thành 6 kg cao vằng. Với giá cao 120- 150 ngàn đồng/kg, cứ cách 1 ngày chị Mịch nấu cao 1 lần, chị thu được hơn 800 ngàn đồng. Đây là một khoản thu không nhỏ cùng với thu nhập từ làm vườn, gia đình chị Mịch có cuộc sống ổn định.

Đến nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ có diện tích trồng cây dược liệu trên 12 ha. Có hộ gắn trồng nguyên liệu với chế biến nhưng cũng có hộ chỉ chuyên trồng nguyên liệu cũng mang lại thu nhập khá. Theo tính toán, mỗi héc ta cà gai leo cho thu nhập từ 100 -120 triệu đồng, mỗi héc ta vằng cho thu nhập từ 130- 150 triệu đồng, mỗi héc ta nghệ vàng cho thu nhập 70- 90 triệu đồng (chỉ tính thu nhập từ nguyên liệu thô). Nhờ mô hình trồng cây dược liệu, hiện nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ tạo được nhiều việc làm cho nông dân với nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết: Trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả cao hơn nhiều cây trồng khác. Hiện nay huyện đang thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả, huyện sẽ tập trung chuyển đổi một số vùng canh tác kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây dược liệu. Trong quy hoạch, huyện cũng xây dựng vùng trồng cây dược liệu để phục vụ chế biến cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng với nhu cầu ngày càng tăng .

Thấy được tiềm năng, thế mạnh và khả năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn, năm 2016 Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng trồng thử nghiệm một số loài cây dược liệu như cây ba kích. Mới đây trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ phát hiện cây giảo cổ lam là cây dược liệu quý đang được huyện, tỉnh hướng dẫn người dân trên đảo bảo tồn và phát triển nhằm tạo thu nhập ổn định cho người dân trên đảo. Phát triển cây dược liệu theo quy hoạch phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng là hướng đi phù hợp, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập trong quá trình xây dựng nông thôn mới./

Theo Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại614,433
  • Tổng lượt truy cập2,498,904
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây