Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Năm qua, xác định hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân là nhiệm vụ quan trọng và bức thiết của các cấp Hội trong phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân nông thôn, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã tập trung đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân về vốn sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ thông tin và phổ biến kinh nghiệm, kỹ năng dạy nghề tại chổ cho nông dân; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn và kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ Hội làm công tác dịch vụ hỗ trợ nông dân.
Trong hỗ trợ về vốn và cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp. Tính đến nay tổng nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân là 17,4 tỷ đồng, đã giải ngân cho vay quay vòng 298 dự án với 945 lượt hộ vay, giải quyết việc làm cho trên 2.300 lao động. Thực hiện chương trình ủy thác cho vay giữa Ngân hàng CSXH với Hội Nông dân, đến nay đã có 16 chương trình vay vốn, với 644 tổ kiết kiệm và vay vốn, có 22.910 thành viên. Tổng dư nợ Ngân hàng CSXH: 772 tỷ đồng. Ký kết liên ngành về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ với Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn dư nợ 561,5 tỷ đồng có 272 tổ với 10.032 thành viên tham gia. Phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng, đến nay có 2.281 hộ vay, tổng dư nợ: 122,8 tỷ đồng, giúp nông dân giải quyết vốn những khó khăn.
Đẩy mạnh triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản”, phối hợp các Ngân hàng cho ngư dân vay đóng mới 25 tàu, cải hoán, nâng cấp 84 tàu, với số tiền vay trên 357 tỷ đồng, đưa tổng số tàu đánh bắt xa bờ trong toàn tỉnh lên 186 chiếc. Thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp” Hội Nông dân tỉnh ký Chương trình phối hợp với Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, đến nay hỗ trợ nông dân mua 1.303 máy nông ngư cơ theo hình thức trả chậm có hỗ trợ lãi suất. Phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng được trên 3.380 tấn phân bón, 2.080 tấn thức ăn chăn nuôi, hàng ngàn cây con giống các loại giúp nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trong lĩnh vực dạy nghề cho nông dân, năm qua, đã trực tiếp mở 05 lớp nghề nông nghiệp cho 135 hội viên. Các cấp Hội phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề mở 86 lớp với 2.619 hội viên tham gia, 80% học viên sau học nghề đều áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Tập huấn hướng dẫn hội viên nông dân ủ phân vỏ cà phê tại huyện Hướng Hóa
Trong hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Các cấp Hội phối hợp với cơ quan, các doanh nghiệp tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Phối hợp mở 115 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật với 8.034 hội viên, tham gia xây dựng mới 104 mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ KHKT. Qua đó, giúp nông dân tận mắt chứng kiến các mô hình làm ăn có hiệu quả, tiếp tục vận dụng tại nông hộ, thông tin cho nhiều nông dân khác cùng áp dụng tại địa bàn, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống. Trong đó, có 22 mô hình trồng trọt, 49 mô hình chăn nuôi, 12 mô hình nuôi trồng thủy sản, 27 mô hình dịch vụ và ngành nghề. Tổ chức 10 buổi hội thảo đánh giá kết quả sản xuất ứng dụng công nghệ mới, 12 cuộc tham quan các mô hình điểm sản xuất trong và ngoài tỉnh.
Hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nông sản, trong thời gian qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn xây dựng thương hiệu và kết nối cung-cầu như Tiêu Cùa, ném Hải Lăng, nước mắm nguyên chất dành cho trẻ em, cao Lá vằng, cà phê Khe Sanh, chuối Tân Long, nước mắm Mỹ Thủy, Cửa Việt, Cồn Cỏ, cao dược liệu Định Sơn, khoai môn Vĩnh Linh, rượu men lá Ba Nang, đậu xanh lòng Đakrông, rau sạch Đông Hà…Giới thiệu các sản phẩm nông sản tham gia “Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” do Trung ương Hội tổ chức.
Giúp nông dân khởi nghiệp, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khởi nghiệp, cổ vũ, động viên và hỗ trợ vốn thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh, các phòng Tư pháp, tổ chức tư vấn trợ giúp pháp lý cho nông dân, cung cấp kiến thức pháp luật về đất đai, thừa kế, di chúc, hôn nhân, gia đình, đền bù giải phóng mặt bằng, chế độ, chính sách... Tham gia đoàn hội thẩm nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. Phối hợp ngành Tư pháp, các cơ quan chức năng tổ chức, tuyên truyền, tư vấn pháp luật, cho 62.071 người, trợ giúp pháp lý cho 9.749 lượt người, hướng dẫn trình tự giải quyết các vụ việc và giải đáp các vướng mắc pháp luật cho nông dân. Thông qua các đợt tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cán bộ, hội viên nông dân hiểu biết sâu hơn về pháp luật, giúp cho nông dân tự điều chỉnh hành vi của mình theo Hiến pháp và pháp luật góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng, giảm thiểu các khiếu kiện vượt cấp, tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền.
Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNDTW ngày 29/07/2011 của BCH Trung ương Hội NDVN về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn”; Chương trình phối hợp với Liên minh hợp tác xã về “Đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền 53 cuộc cho trên 4.155 lượt hội viên về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, gắn với lộ trình chuyển đổi các HTX nông nghiệp. Tập huấn, hướng dẫn thực hiện Nghị định 151/2007-NĐ/CP của Chính phủ, Luật HTX năm 2012 cho 200 cán bộ Hội. Đăng tải trên 150 tin, bài và hình ảnh liên quan đến hoạt động kinh tế tập thể. Tư vấn, vận động, hỗ trợ hội viên tham gia các thành viên hợp tác xã nông nghiệp, hướng dẫn, thành lập nâng tổng số HTX đến nay 198 HTX, 411 tổ hợp tác.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Hội và sự chủ động, sáng tạo của nông dân đã có 43.840 hộ đăng ký hộ sản xuất giỏi và cuối năm 2018 trên 26.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân ở một số cơ sở Hội chưa thật sự đi vào chiều sâu, vận động thực hiện còn chung chung, chưa mạnh dạn đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền nên chưa mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Một bộ phận nông dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách của Đảng và Nhà nước, thiếu ý thức tự vươn lên, chưa tranh thủ việc hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, kiến thức sản xuất, khoa học kỹ thuật để phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, trong thời gian tới các cấp Hội cần tập trung đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân, huy động từ nhiều nguồn bổ sung vào quỹ. Hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật và công tác quản lý trong sản xuất kinh doanh. Phối hợp làm tốt cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân để thực hiện công tác dạy nghề trong giai đoạn mới, gắn dạy nghề với hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể và xây dựng mô hình phát triển kinh tế trong nông dân để nhân rộng./.