Cái khó nhất để nuôi hươu lấy nhung là cần vốn đầu tư ban đầu khá lớn và nguồn thức ăn dồi dào, giàu dinh dưỡng. Đổi lại, chỉ cần cưa sừng loại “thú lạ” này đem bán sẽ kiếm bội tiền, ai mua được cũng mừng.
Đầu tư lớn, thu lợi nhiều
Giữa cái nắng như đổ lửa cùng những cơn gió Lào thổi rát mặt vào giữa tháng 5, chúng tôi theo chân lãnh đạo xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ghé thăm trang trại của anh Phan Ngọc Vũ (SN 1985, trú thôn Thuỷ Ba Đông).
Trang trại của anh Vũ rộng 8ha trên vùng đồi trước đây cằn cỗi, hiệu quả thấp. Sau khi đổ tiền mua, cải tạo đất, anh Vũ xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi thường xuyên 1.000 con lợn/lứa, trồng 2ha (1.000 gốc) mít Thái và 2ha chuối.
Tuy nhiên, ấn tượng lớn nhất với chúng tôi là chuồng trại nuôi 60 con hươu lấy nhung của anh Vũ.
Anh Vũ cho biết, bản thân sinh ra ở làng Thuỷ Ba, được gọi là làng bắt cọp nổi tiếng cả nước nên có chút "máu liều". Bởi vậy, anh Vũ đã mạnh dạn chi đến 5 tỷ đồng mua 60 con hươu giống từ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh mang về nuôi. Đây là số tiền lớn anh Vũ phải tích góp nhiều năm và vay vốn ngân hàng mới có được.
"Tôi tìm hiểu và ấp ủ nuôi hươu lấy nhung đã nhiều năm trước. Để chuẩn bị cho việc nuôi hươu lấy nhung, tôi đã trồng hơn 4ha mít thái, cỏ, chuối nhằm đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào, giàu dinh dưỡng. Tôi chọn giống hươu chất lượng, thể hình cao, to. Có con hươu giống đực trị giá hơn 400 triệu đồng. Mỗi con giống khi mới mua nặng 40kg đến 45kg. Tiền nào thì của đó. Giống hươu to, cao, lại cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng sẽ cho bộ nhung to, đẹp, chất lượng hơn giống hươu bình thường, thân hình bé, chỉ ăn cỏ đơn thuần" – anh Vũ cho biết.
Được chăm sóc tốt, hươu sao anh Vũ nuôi nhanh lớn, khoẻ mạnh, cho ra những bộ nhung hươu chất lượng, có bộ nặng 2,2kg. Có những bộ nhung nặng 2,2kg. Với giá bán 17 triệu đồng/kg, anh Vũ dự tính mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ đàn hươu của mình.
Hiện nay, trong 60 con hươu anh Vũ đang nuôi có 17 hươu cái, 3 hươu đực giống đột biến (to, cao, trị giá trên 1 tỷ đồng) để tiếp tục nhân đàn.
Không chỉ nuôi hươu, anh Vũ đa dạng hoá cây, con nuôi theo hướng tuần hoàn chuỗi giá trị, hầu như không vứt bỏ thứ chất thải nào. Phân của hàng ngàn con lợn, 30 con bò, 60 con hươu anh Vũ đem ủ vi sinh với xác lá tràm sau khi chưng cất tinh dầu để tạo ra phân hữu cơ, quay lại bón cho mít Thái, chuối, cỏ để phục vụ việc nuôi hươu, bò.
"Mình trồng 50ha cây tràm, trong đó có 35ha cây tràm năm gân. Chưng cất ra tinh dầu mình đem bán, còn xác lá đem ủ phân, quay lại trồng cây để có thức ăn chăn nuôi. Nông nghiệp tuần hoàn mới có lãi cao" – anh Vũ chia sẻ.
Không chỉ đồng bằng, ở huyện miền núi Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị nông dân cũng nuôi hươu lấy nhung làm giàu. Điển hình là vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh (30 tuổi, trú thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng).
Sau nhiều lần thất bát trong chăn nuôi, trồng trọt, năm 2018, chị Thanh biết đến trại nuôi hươu ở huyện Cam Lộ nên tìm hiểu cách nuôi, rồi nhập 6 con với hơn 100 triệu đồng tiền vốn. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức, hươu không quen với môi trường mới (từ đồng bằng lên miền núi) nên dần dần kém phát triển.
Không nản chí, chị Thanh tìm đến huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh học một khoá tập huấn kỹ thuật nuôi hươu sao ở vùng núi. Khi đã nắm vững kiến thức nuôi hươu lấy nhung, tháng 8/2020 chị Thanh vay vốn chính sách và huy động các nguồn khác, chi 300 triệu đồng mua 20 con hươu sao.
Cứ 6 đến 8 tháng chị Thanh lại thu hoạch nhung hươu. Giá nhung hươu trung bình 15 triệu đồng/kg. Mỗi năm gia đình chị Thanh thu hoạch khoảng 10kg nhung hương, doanh thu ước tính 150 triệu đồng.
"Sau này thì chưa biết thế nào, còn hiện tại tôi không lo đầu ra nhung hươu, bởi sản phẩm làm ra không đủ bán" – chị Thanh chia sẻ.
Ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đánh giá, nuôi hươu là hướng đi khá mới, ít người tham gia nhưng đã chứng minh được hiệu quả kinh tế. Hội Nông dân tỉnh khuyến khích nông dân tiếp tục trau dồi kỹ thuật nuôi hươu, tăng đàn, tạo ra sản phẩm có chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường./.
Ngọc Vũ (https://danviet.vn)