Thực hiện đề án của UBND huyện Cam Lộ về “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương, giai đoạn 2016-2020”, những năm qua, ngoài việc chăm sóc, thâm canh các loại cây trồng chủ lực như cao su, hồ tiêu, bà con nông dân đã đưa vào sản xuất các loại cây dược liệu như chè vằng, cà gai leo, … mang lại giá trị kinh tế.
Mô hình trồng cây chè vằng của hội viên nông dân ở xã Cam Nghĩa
Với phương châm vận động đi đôi với hỗ trợ, Hội Nông dân xã Cam Nghĩa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, bà con nông dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng hàng hóa. Đồng thời tín chấp từ Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu. Toàn xã hiện có 12 Chi Hội với 1.056 hội viên. Trong đó có 264 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, đã xây dựng 09 mô hình kinh tế gồm chăn nuôi bò; nuôi dê nhốt; trồng cây dược liệu chè vằng; cây sắn dây với tổng số vốn đầu tư xây dựng các mô hình 1,8 tỷ đồng. Trong đó, số tiền vay quỹ hỗ trợ nông dân các cấp 1 tỷ đồng, còn lại hộ nông dân tham gia đóng góp. Nhìn chung các mô hình mang lại thu nhập ổn định cho hội viên, bà con nông dân, bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 26 lao động địa phương.
Trong số đó, nổi bật có mô hình trồng cây dược liệu chè vằng với diện tích 05 ha của nhóm 12 hộ ở các Chi Hội Cu Hoan, Nghĩa Phong và Định Sơn với tổng vốn thực hiện 960 triệu đồng. Trong đó, vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam 50 triệu đồng/hộ, số tiền còn lại các hộ tham gia đóng góp. Mô hình trồng cây chè vằng đã triển khai được 02 năm, đến nay đã cho thu hoạch, mỗi héc ta thu hoạch đợt đầu tiên đạt năng suất từ 2 - 2,5 tấn, định kỳ mỗi năm cho thu hoạch 02 lần. Hiện tại, giá bán cây chè vằng tươi từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, như vậy mỗi héc ta cây chè vằng cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Đặc biệt, mô hình cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến cao dược liệu thành sản phẩm cao chè vằng ở làng nghề Định Sơn, xã Cam Nghĩa với giá bán từ 150.000 - 160.000 đồng/kg cao khô, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên, bà con nông dân.
Trao đổi với anh Nguyễn Anh Hai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Nghĩa anh cho biết: Từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, hội viên nông dân đã xây xựng các mô hình kinh tế theo nhóm hộ, liên kết thành vùng sản xuất tập trung, chủ động nguồn nguyên liệu phát triển nghề nấu cao dược liệu, chăn nuôi theo hình thức thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân và các Ngân hàng để hội viên, bà con nông dân nhân rộng các mô hình kinh tế./.
Ngọc Nhân