Lâu nay người dân ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã biết tận dụng lợi thế vùng gò đồi có nhiều đồng cỏ để chăn nuôi bò nhưng chủ yếu nuôi thả nên hiệu quả chưa cao. Gần đây với sự hỗ trợ của chính quyền và của các ngành chức năng, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu sang trồng cỏ nuôi bò nhốt và trong thực tế cho thấy mô hình này mang lại hiệu quả cao.
Trồng cỏ nuôi bò ở Cam Tuyền
Cuối năm 2012, gia đình ông Trần Viết Luận ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò nhốt theo hướng thâm canh kết hợp với trồng cỏ do Phòng Nông nghiệp huyện và Trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức. Nhận thấy đây là mô hình rất phù hợp lại được sự hỗ trợ giống cỏ và 50% lượng thức ăn tinh cho bò trong thời kỳ được chọn vỗ béo, ông đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xây chuồng trại cao ráo, tháng mát, chọn giống bò tốt và chuyển 3 sào đất trước đây chỉ trồng các loại hoa màu sang trồng các loại cỏ voi, cỏ sả, cỏ mô- la- tô và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc bò. Ông Trần Viết Luận cho biết: Lâu nay chăn nuôi bò chủ yếu giống địa phương và chăn thả rông lại không có kiến thức chăm sóc nên bò không chỉ lớn chậm mà còn phá hoại đến rừng trồng và các loại cây trồng khác của gia đình mình và của bà con trong địa phương, lại hay bị dịch bệnh, nay chăn nuôi theo mô hình này với nguồn cỏ sẵn có cộng thêm nguồn thức ăn tận dụng từ phế phẩm nông nghiệp bò tăng trọng nhanh, 1 tháng khoảng 3 kg. Mặt khác, nuôi bò nhốt thâm canh kết hợp với vỗ béo cho thu nhập cao nhưng không tốn thời gian chăn dắt, các thành viên trong gia đình ai cũng chăm sóc được cho đàn bò, đặc biệt là nuôi bò vỗ béo rất dễ bán, giá cao. Ngoài nguồn lợi về kinh tế, bà con còn được thêm nhiều cái lợi khác như không mất đi nguồn phân bón cho các loại cây nông nghiệp, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, các loại cây trồng ngoài đồng không có trâu bò thả rông phá hoại.
Không chỉ ở Cam Tuyền mà mô hình này đã nhân rộng trong toàn huyện Cam Lộ. Người dân đã từng bước loại dần giống bò địa phương, đưa vào chăn nuôi các giống có chất lượng và chuyển những diện tích trồng các loại hoa màu sang trồng cỏ. Đặc biệt nhiều nơi đã thành lập các Câu lạc bộ để cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, giống, kinh nghiệm để tăng giá trị chăn nuôi bò. Cho đến thời điểm này, toàn huyện hiện có đàn bò trên 14 ngàn con bò, trong đó có trên 8 ngàn con bò được nuôi theo hướng thâm canh, nuôi nhốt sinh sản và vỗ béo. Đây là 1 hướng đi đúng trong việc phát triển đàn gia súc ở huyện Cam Lộ. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Vơn, cán bộ Trường Đại học nông lâm Huế nhấn mạnh: Thành công lớn nhất của mô hình này là làm thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân. Thông qua tuyên truyền, vận động, đặc biệt là qua thực tế làm điểm ở xã Cam Tuyền đã nhận được sự đồng thuận cao của cả cộng đồng dân cư. Người dân đã biết chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển từ những vùng đất trước đây trồng rau, trồng các loại hoa màu sang trồng cỏ nuôi bò, nhiều nơi đã hình thành những vùng chuyên trồng có với diện tích lớn. Mặt khác mô hình đã giúp cho người dân thấy rõ muốn chăn nuôi có hiệu quả phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, qua các lớp tập huấn cho thấy người dân rất say mê học hỏi, nắm bắt những kiến thức về trồng cỏ, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò. Nếu huyện Cam Lộ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thì phong trào chăn nuôi bò theo mô hình này sẽ phát triển mạnh.
Cam Lộ là huyện trung du, gò đồi, có lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Mô hình trồng cỏ, nuôi bò nhốt theo hướng thâm canh đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi từ dựa vào tự nhiên sang chăn nuôi theo phương thức an toàn, có hiệu quả kinh tế cao. Song để mô hình này phát triển bền vững và hiệu quả hơn, người chăn nuôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm của chính quyền và các ngành chức năng. Ngoài việc tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ thuật, cần cho dân vay vốn ưu đãi để mở rộng đàn, hỗ trợ chi phí thụ tinh nhân tạo, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt cần có chính sách thu mua khi đàn bò tăng nhanh và trở thành hàng hóa.
Bá Thuần