Nội dung cốt lõi Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ ba - 13/08/2024 04:09 265 0
Cuốn sách được chia thành 3 phần, gồm 623 trang, 111 hình ảnh minh họa, được trình bày theo phong cách báo chí hiện đại, trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố. Phần thứ nhất có tiêu đề: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”; Phần thứ hai có tiêu đề: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”; Phần thứ ba có tiêu đề: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT RA TỪ THỰC TIỄN CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC Ở VIỆT NAM (từ trang 11- 206)

1. Vị trí, vai trò về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

- Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với sự tồn vong của Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Đảng ta chỉ rõ đây là một loại “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu. Vì thế, những luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam bắt nguồn từ “căn bệnh nan y của chế độ độc Đảng cầm quyền” là phiến diện, lộ rõ ý đồ quy chụp.

- Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tham nhũng, tiêu cực là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”:

Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu): Là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Như vậy, về bản chất, nói một cách dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tiêu cực: So với tham nhũng thì tiêu cực có nghĩa rộng hơn, do đó phải xác định phạm vi của tiêu cực mà chúng ta cần tập trung phòng, chống là những hành vi có liên quan đến tham nhũng; đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực.

Trọng tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.

2. Tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Mục tiêu tổng quát, định hướng toàn bộ phương châm, tư tưởng hành động và các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đó là: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.

Nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng. Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt là kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách. Phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại.

Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn.

3. Phạm vi, nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trước đây, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu chỉ tập trung vào các hành vi tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Nay không chỉ trong khu vực Nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài Nhà nước.

Điểm đột phá và cũng là dấu ấn nổi bật, đó là công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực theo nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Tích cực, kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các vụ án tham nhũng, kinh tế đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử một cách kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở cũng được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; nhiều địa phương, bộ, ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ “tham nhũng vặt”.

Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực; trước hết là cơ chế “không thể” tham nhũng, tiêu cực.

4. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

- Biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, nói đi đôi với làm: Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người đứng đầu, hơn ai hết, phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

- Phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ,... với động cơ không trong sáng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.

- Chú trọng công tác cán bộ: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, do đó, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

- Tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm,

trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá. Phải tiến hành đồng bộ giữa thi hành kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

- Tăng cường kiểm soát quyền lực: Phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực Nhà nước. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

- Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải thực sự là trung tâm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực thi nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn ai hết, phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Gắn phòng, chống tham nhũng với xây dựng Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

- Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở Việt Nam.

5. Các nhiệm vụ, giải pháp căn bản

- Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo: Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nêu cao tính chiến đấu, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

 - Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Phải xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực.

- Xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sạch, vững mạnh; mở rộng hợp tác quốc tế; triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước. Có chính sách bảo vệ, đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yên tâm công tác, nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

II- NHẤT QUÁN PHƯƠNG CHÂM: PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TỪ SỚM, TỪ XA, CẢ NGỌN LẪN GỐC (từ trang 207 - 522)

1. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

- Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân; đòi hỏi Đảng phải được tổ chức chặt chẽ và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Mọi sự chia rẽ, bè phái, buông lỏng kỷ luật đều trái với bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng có nghĩa là Đảng phải kiên định quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, chăm lo xây dựng Đảng, thường xuyên củng cố nâng cao sức mạnh của Đảng là yếu tố cơ bản quyết định con đường đi đúng đắn của dân tộc, chỉ có chăm lo đầy đủ công tác xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng mới nâng cao được sức chiến đấu của mình, bảo đảm sự thành công của công cuộc đổi mới và con đường đi lên đúng đắn của dân tộc.

- Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, trở thành những con người có văn hóa, có liêm sỉ, bất kỳ cán bộ, đảng viên dù ở cương vị công tác nào cũng phải thấy hết trách nhiệm của mình, không ngừng tự rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, khắc phục các thói tệ của chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn thanh danh, uy tín của Đảng.

Thực hiện phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, có bệnh phải chữa ngay, không để ung thành họa. Phải gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

- Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết là sự lãnh đạo đối với Nhà nước là một nội dung hết sức quan trọng của việc xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo đảm vừa giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước; đề phòng và khắc phục tình trạng “lộn sân”, “bao biện làm thay” hoặc “buông lỏng” sự lãnh đạo. Qua thực tế công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức được rằng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước là hai mặt thống nhất, không cản trở nhau; trái lại, bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau trên cơ sở xác định rõ và làm đúng chức năng của mỗi tổ chức.

2. Coi trọng việc “Rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên

Suy cho cùng mọi thành bại đều do con người và tất nhiên sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên. Các biểu hiện, hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên: sợ trách nhiệm, móc ngoặc, tham ô, làm xiếc, một sự thật nhức nhối,... Đáng chú ý là sợ trách nhiệm và làm xiếc.

Sợ trách nhiệm là làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn; thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình; thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động, những việc đã có chủ trương rõ ràng rồi cũng vẫn muốn chờ sự hướng dẫn thật chi tiết của cấp trên rồi mới làm, chứ không mạnh dạn quyết định các kế hoạch, biện pháp tích cực để thực hiện cho nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương hay đơn vị mình; cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể; ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới. Để tránh “sự hiểu lầm” của cấp trên, người sợ trách nhiệm không mạnh dạn phát biểu ý kiến và nêu đề nghị cụ thể của mình với cấp trên, người khi thấy có việc chưa hợp lý hoặc chủ trương chưa sát cần sửa đổi. Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó ngại phiền.

Làm xiếc: Những hiện tượng “làm xiếc” đang diễn ra từ khâu dựng lên những tình hình giả, đưa ra những số liệu giả, cho đến quá trình thực hiện kế hoạch, không ít cơ sở núp dưới chiêu bài “sáng tạo”, “linh hoạt”, tìm mọi thứ phù phép, làm đủ trò “ảo thuật” để chuyển đổi, bớt xén hàng hóa, vật tư của Nhà nước, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.

Xây dựng giá trị đích thực của người cán bộ, đảng viên:

- Uy tín: theo đúng nghĩa chân chính của nó là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Nói cách khác, uy tín là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố thuộc về sự nỗ lực chủ quan của một người trên cả hai mặt phẩm chất và năng lực, trong đó nổi bật nhất, quan trọng nhất là những yếu tố sau đây:

+ Sự gương mẫu, gương mẫu đến mực thước về các mặt, đặc biệt là về mặt chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể.

+ Có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm các nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống.

+ Có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, thể hiện ở chỗ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

+ Liên hệ chặt chẽ và có mối quan hệ đúng đắn với quần chúng, trước hết là với những người cùng cộng tác hoặc có quan hệ trực tiếp với mình.

Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín. Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Thông thường, bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải có một uy tín nhất định; chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn. Bởi vì không có uy tín thì không thể lãnh đạo, thuyết phục và tập hợp người khác được. Uy tín là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người lãnh đạo. Nhưng không phải hễ cứ có chức vụ là đã có uy tín, càng không phải đã có uy tín đầy đủ.

Giữa chức vụ và uy tín tuy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nương tựa vào nhau, nhưng không phải là một. Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín như mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Chức vụ là hình thức, còn uy tín là nội dung. Chức vụ là điều kiện khách quan để củng cố và nâng cao uy tín, trong khi uy tín là cái quyết định sự tồn tại của chức vụ. Nếu uy tín mất đi thì theo quy luật thông thường, chức vụ trước sau cũng sẽ mất theo.

Tổng Bí thư đã đúc kết “xét đến ngọn ngành mọi sự trên đời này cũng đều là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra. Bởi vậy để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, thì trước tiên mỗi cán bộ chúng ta hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành thật tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.”

III- TRÊN DƯỚI ĐỒNG LÒNG, DỌC NGANG THÔNG SUỐT (từ trang 523 - 619)

Phần này tập hợp, chọn lọc 62 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, 10 ý kiến của đại biểu Quốc hội và 24 ý kiến của các chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân, sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các ý kiến tập trung vào các nội dung: (1) Khẳng định vai trò to lớn và uy tín rất cao của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) Bày tỏ sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư; (3) Mong muốn, đòi hỏi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không dừng, không nghỉ mà phải kiên quyết, kiên trì chống “giặc nội xâm” đến cùng.

Các ý kiến tiếp tục khẳng định “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung, hành động chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”.

Nguồn: Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay13,439
  • Tháng hiện tại148,649
  • Tổng lượt truy cập2,290,945
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây