Đồng chí Trần Văn Bến – Ủy viên BCH Trung ương Hội NDVN, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ 4, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc xây dựng chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong giai đoạn mới, Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền bằng nhiều nội dung đa dạng, phong phú. Lấy hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi, tổ Hội nghề nghiệp gắn với xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh và các địa phương. Phát huy vai trò của lực lượng trí thức trẻ có mong muốn, nguyện vọng và nhiệt huyết tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng với hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để ưu tiên lựa chọn làm chi Hội trưởng, tổ Hội trưởng nghề nghiệp. Hằng năm, các cấp Hội đã giao chỉ tiêu cụ thể về thành lập chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp gắn với việc đánh giá xếp loại cuối năm. Đến nay, toàn tỉnh có 19 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 508 hội viên và 97 tổ Hội nghề nghiệp với 759 thành viên tham gia.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, uy tín, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ luôn được quan tâm, chú trọng từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ luôn được các cấp Hội quan tâm thực hiện, từ đó vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác.
Các cấp Hội đã phát huy vai trò tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân. Lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm để tổ chức vận động, tập hợp hội viên, nông dân thông qua các loại hình tổ chức kinh tế và các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội đã kết nạp được 9.049 hội viên mới, đến nay, toàn tỉnh có 88.390 hội viên, nông dân, chiếm 83% so với tổng số hộ nông dân toàn tỉnh, trong đó có 9.741 hội viên là người dân tộc thiểu số, 8.659 hội viên là tín đồ tôn giáo. Mặt khác, từ năm 2019 đến nay đã giới thiệu cho Đảng hơn 1.000 hội viên nông dân ưu tú và có 680 hội viên được kết nạp Đảng, đưa tổng số hội viên, nông dân là đảng viên hiện nay 8.266 đồng chí.
Xác định việc huy động vốn là quan trọng để hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, tăng cường vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân. Tính đến nay, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tăng gấp đôi so với đầu năm 2019 với 7,081 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 2 cấp đạt 15,864 tỷ đồng; nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác 10,4 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã ký chương trình hợp tác hỗ trợ cho hội viên, nông dân tiếp cận đa dạng các nguồn vốn tín dụng thuận lợi phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, hạn chế tín dụng đen ở nông thôn. Đến nay, tổng nguồn vốn uỷ thác từ các ngân hàng qua tổ chức Hội Nông dân đạt 2.752,8 tỷ đồng với 35.213 hộ vay.
Với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, các cấp Hội đã tập trung xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề của Hội, đặc biệt là Nghị quyết số 04, 05, 06 của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII về Xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh; tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hoạt động của Hội; chủ động tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan để phối hợp, khai thác, vận động tạo nguồn lực cho Hội hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và thị trường tiêu thụ…; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, triển khai có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Bình quân hàng năm, có trên 60% hộ nông dân đăng ký và trên 54 % so với số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 27.499 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bên cạnh đó, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên bằng nhiều hình thức như: xây tặng nhà “Mái ấm nông dân”; hỗ trợ giống, vốn, ngày công, kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm với tổng trị giá 63,4 tỷ đồng…. Từ đó, đã giúp 2.657 hộ nông dân trên toàn tỉnh có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh", đồng thời, Người khẳng định: "Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công… ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân...". Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đất nước ta. Do vậy, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 04, 05, 06-NQ/HNDTW, gắn với Chương trình hành động của Trung ương Hội và Chương trình hành động của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở trong việc lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của địa phương để xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí 5 cùng: cùng lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Đổi mới phương thức tập hợp đoàn kết hội viên, nông dân nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu kết nạp hội viên, nâng cao chất lượng hội viên và giới thiệu, kết nạp hội viên đứng vào hàng ngũ của Đảng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp đã đề ra. Vận động nông dân tích cực tham gia các Chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát động. Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp, kỹ năng công tác cho cán bộ Hội các cấp, trọng tâm là cán bộ cấp cơ sở, chi Hội trưởng chi Hội Nông dân; nâng cao trình độ cho cán bộ Hội chuyên trách có đủ năng lực để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc. Thu hút cán bộ có uy tín, trình độ, năng lực thực tiễn, trưởng thành từ phong trào quần chúng về công tác tại Hội. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ, tổ chức Đảng các cấp kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ Hội cùng cấp, nhất là việc bố trí cán bộ sau sáp nhập xã, phường, thị trấn và bố trí Chủ tịch Hội Nông dân các cấp là cấp uỷ viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác; quan tâm đến chế độ phụ cấp cho chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công tác Hội nhằm bảo đảm kết nối, tích hợp dữ liệu, số liệu đồng bộ từ cơ sở lên tỉnh và Trung ương Hội. Quyết tâm, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; phát huy tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh "công nhân - nông dân - trí thức"; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân ./.