Đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII
Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Thị Thơm- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phổ biến một số thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2023 – 2028; thông tin về Đại hội; những nội dung cơ bản về báo cáo chính trị. Tháng 9/2022, Ban Thường vụ TW Hội đã ban hành kế hoạch Tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII.
Ban Thường vụ Trung ương Hội đã thành lập 05 Tiểu ban Đại hội. Các Tiểu ban đã tích cực triển khai công việc, trong đó có Tiểu ban Văn kiện. Tiểu ban Văn kiện với trọng tâm là Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Hội khóa VII trình Đại hội VIII được chuẩn bị công phu, khoa học, nội dung toàn diện, sâu sắc. Thông tin về Đại hội, đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết: Đại hội được tổ chức trọng thể từ ngày 25 - 27/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Việt Nam, thủ đô Hà Nội. Tổng số Đại biểu chính thức được triệu tập là 996 đại biểu (dự có 995 đại biểu, vắng 01 đại biểu trong suốt quá trình Đại hội). Đại hội vinh dự được đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới dự và chỉ đạo Đại hội. Có trên 300 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức Chính trị - xã hội; các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Tại phiên khai mạc trọng thể, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo đại hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.Tham dự và đưa tin Đại hội có gần 100 phóng viên, nhà báo của trên 40 cơ quan thông tấn, báo, đài của Trung ương và của địa phương.Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đã nêu những nội dung cơ bản về báo cáo chính trị, khái quát những kết quả chính và những tồn tại, hạn chế, yếu kém của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều ảnh hưởng tới công tác Hội và phong trào nông dân.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng, là lợi thế quốc gia, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu nông nghiệp tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số nông sản khác. Nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước với hơn 9,1 triệu hộ nông dân (chiếm 49,17% số hộ ở nông thôn). Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, tham gia hợp tác, liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất quy mô lớn. Nông dân từng bước làm chủ các phong trào ở nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng nâng cao rõ rệt. Trình độ của nông dân ngày càng nâng lên, vị thế, vai trò của nông dân được khẳng định và phát huy tốt trong quá trình phát triển, đổi mới đất nước. Nông thôn có nhiều thay đổi rõ và khá toàn diện; kinh tế nông thôn phát triển và chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng, đạt được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay, cả nước có 6.370 xã đạt chuẩn NTM, khoảng 78% xã đạt chuẩn NTM; có 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM, chiếm khoảng 43,6% trên tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và môi trường nông thôn được tăng cường, phát triển cả số lượng và chất lượng, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị thu hẹp.
Đồng chí Bùi Thị Thơm đánh giá công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân được các cấp Hội chú trọng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Ngoài các phương pháp truyền thống thì điểm mới trong công tác tuyên truyền là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các mạng xã hội để tuyên truyền – nhất là trong mùa dịch và sau mùa dịch tới nay; nhiều tỉnh phối hợp với Đài truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phát định kỳ hàng tháng; tuyên truyền thông qua các sự kiện lớn.
Đặc biệt báo điện tử đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển báo theo hướng hiện đại, truyền thông đa phương tiện, đa nền tiện cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin đến độc giả, cán bộ, hội viên, nông dân. Đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết: Công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã hoàn thành cơ bản với hầu hết chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội VII đề ra. Có 30/33 chỉ tiêu thành phần thực hiện đạt và vượt, chiếm 91%. Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; tổ chức tốt các phong trào nông dân mang lại hiệu quả thiết thực.
Vai trò của Hội là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường ngày càng được thể hiện rõ nét; vị trí, uy tín, vị thế của Hội được khẳng định và nâng cao. Bên cạnh kết quả đạt được, tổ chức bộ máy một số tỉnh, thành Hội còn chậm hoàn thiện, trình độ, năng lực một số cán bộ Hội chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động Hội một số nơi chậm đổi mới; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng; công tác kiểm tra, giám sát ở cấp cơ sở chưa hiệu quả; phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, một số nơi hiệu quả chưa cao.
Theo đồng chí Bùi Thị Thơm: Qua thực tế phong trào, đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm đó là: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với Hội Nông dân cùng cấp là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân.Sự đoàn kết, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức Hội là nhân tố cơ bản, quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội và chất lượng phong trào nông dân. Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là người đứng đầu là yếu tố quan trọng để phát triển tổ chức Hội; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo nâng cao đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, tổ chức tốt các phong trào mang lại hiệu quả thiết thực là động lực thu hút nông dân tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội sát với điều kiện thực tế, phù hợp với đặc thù của từng địa phương và định hướng phát triển của nền kinh tế, xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế với các chính sách mới là cơ sở thực hiện thành công, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào của nông dân. Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội sẽ phát huy sức mạnh tinh thần đoàn kết, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của nông dân, củng cố niềm tin, gắn bó nông dân với Đảng, Nhà nước.
Về phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 2023 – 2028, đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2023-2028) là xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội đề ra 5 mục tiêu tổng quát với 5 nội hàm khác nhau, 17 chỉ tiêu Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam, trong đó có 8 chỉ tiêu là sự cụ thể hóa chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết 46.
Hội nghị kết nối với các điểm cầu
Để thực hiện chỉ tiêu đề ra, các cấp Hội Nông dân Việt Nam tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ và giải pháp: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; xây dựng người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực hội nhập và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoạt động đối ngoại nhân dân. Ba nhiệm vụ đột phá được xác định như sau: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp.
Hội nghị giúp cán bộ, hội viên, nông dân các cấp nắm vững quan điểm, nội dung, mục tiêu tổng quát, các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.