Tổng Bí thư Trường Chinh với công cuộc đổi mới đất nước

Thứ sáu - 10/02/2017 04:05 88 0
Sự nghiệp đổi mới ở đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hơn 30 năm. Đây là một chặng đường đáng ghi nhớ trong những mốc son lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc. Làm nên sự nghiệp đổi mới là công lao của toàn Đảng, toàn dân và người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới là đồng chí Trường Chinh.
Tổng Bí thư Trường Chinh với công cuộc đổi mới đất nước

Sự nghiệp đổi mới ở đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hơn 30 năm. Đây là một chặng đường đáng ghi nhớ trong những mốc son lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc. Làm nên sự nghiệp đổi mới là công lao của toàn Đảng, toàn dân và người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới là đồng chí Trường Chinh.

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, vừa là nhà cách mạng, vừa là nhà thơ (bút danh Sóng Hồng), sinh ngày 9/2/1907 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định). Đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng ở hai thời điểm đặc biệt của cách mạng Việt Nam (lần 1 vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, chuẩn bị và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và lần 2 vào tháng 7-1986 khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời ngay trước Đại hội VI năm tháng).

Đồng chí là nhà lãnh đạo nghiêm cẩn, rất coi trọng lý luận và hết sức nguyên tắc, được coi là “Tổng Bí thư của đổi mới”. Đó là thời điểm thật ngặt nghèo của đất nước. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề. Nền kinh tế vận hành thiếu năng động, kém hiệu quả. Nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân về ăn, mặc, ở không được giải quyết đầy đủ. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút. Nhiều vấn đề gay gắt khiến không ít đảng viên băn khoăn, lo lắng.

Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh đã trăn trở suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế khó khăn và tìm ra cái mới đúng đắn để thay thế cái cũ trên cơ sở lý luận, thực tiễn, phải dựa vào sự sáng tạo của nhân dân và nhất là phải thuận lòng dân. Thực tiễn cuộc sống đã hoàn toàn xác thực điều đó. Sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng bức xúc của nhân dân, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới của Đảng ta. Câu nói nổi tiếng của đồng chí: “Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn” sẽ còn vang mãi trong lòng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào.


Dâng hương tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - Ảnh: TL

Nghĩ là làm, cuối tháng 11/1982, đồng chí Trường Chinh quyết định hai việc: Thứ nhất, thành lập một nhóm gồm những trí thức, nhà khoa học... có tư duy đổi mới (còn gọi là nhóm cố vấn Tổng Bí thư) để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn nước ta, làm căn cứ phương pháp luận cho việc xác định con đường, bước đi sắp tới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhóm đã thảo luận nhiều vấn đề trọng đại và nóng bỏng của đất nước khi đó như: Vấn đề một giá hay hai giá, kinh tế nhiều thành phần, quan điểm cơ cấu đầu tư... một cách dân chủ và cởi mở nhất. Thứ hai, tổ chức đi thực tế ở các địa phương, tìm ra những bài học thành công và thất bại của cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo trong nhân dân cả nước, để trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi khảo sát, thực tế gần 20 tỉnh, thành phố từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc. Với tác phong sâu sát, cầu thị, tôn trọng thực tiễn, đồng chí đã thực sự làm một cuộc cách mạng từ trong tư duy của chính mình. Đây chính là căn cứ thực tế sinh động, có sức thuyết phục, khắc họa tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh, thể hiện qua các bài phát biểu tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9... đã gây tiếng vang trong cả nước, người dân chuyền tay nhau đọc.

Những tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, suy tư của cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân trong bao lâu nay không nói ra được thì lúc này, nhờ những quan điểm đổi mới, những phân tích sâu sắc của đồng chí Trường Chinh đã nói thay cho họ. Chúng ta có thể nhận thấy quá trình hình thành tư duy đổi mới của Trường Chinh không phải là tự nhiên mà có, mà là một quá trình được chuẩn bị bằng lý luận, phương pháp luận; là quá trình thâm nhập, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm và từ đó đúc kết thành quan điểm, tư duy đổi mới. Người lát viên gạch đầu tiên để xây lên ngôi nhà Đổi Mới đó chính là Trường Chinh. Đồng chí đã vượt lên những hạn chế của sức khỏe và tuổi tác, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Một quyết định đầy bản lĩnh và chưa từng có của đồng chí Trường Chinh là: Viết lại toàn bộ Báo cáo Chính trị ngay sát ngày đại hội theo quan điểm: Quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối đổi mới và quyết định này đã mở ra một bước ngoặt cho đất nước, bởi khi xem xét bản dự thảo Báo cáo Chính trị, đồng chí nhận thấy nó còn xa mới thể hiện và nắm bắt được nội dung các quan điểm đổi mới, nhất là đổi mới tư duy kinh tế. Tình hình kinh tế - xã hội nguy cấp lúc ấy đặt ra cho Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị trách nhiệm phải gấp rút sửa chữa, bổ sung, nâng cao và hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo Chính trị để trình đại hội vào cuối năm. Một nhóm mới viết lại dự thảo Báo cáo Chính trị được hình thành, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, nhóm biên soạn mới gồm hơn 10 người, do ông Hoàng Tùng (nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương) trực tiếp phụ trách. Theo nhiều nhân chứng, suốt trong hai tháng, nhiều thành viên của tổ biên tập không được về nhà để tập trung biên soạn dự thảo văn kiện. Dự thảo Báo cáo Chính trị đã được sửa chữa, bổ sung rất nhiều lần và mỗi lần đều trình lên Tổng Bí thư xem xét cẩn thận. Nhận trọng trách Tổng Bí thư ở tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, đồng chí Trường Chinh đã cố gắng nỗ lực từng giờ từng phút, vượt qua bao thử thách, chông gai.

Tháng 12/1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện ở nước ta - sự khởi đầu cho hành trình đổi mới. Báo cáo Chính trị do đồng chí Trường Chinh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày trước Đại hội VI đã được toàn Đảng, toàn dân hân hoan đón nhận, tìm thấy ở đó con đường sáng giải phóng sức sản xuất, khai thác và phát huy mọi tiềm năng to lớn của nhân dân, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và phát triển đi lên theo định hướng XHCN. Đại hội VI của Đảng tháng 12/ 1986 đã đi vào lịch sử và là đại hội đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam với những thành tựu rất to lớn được nhân dân ta và các nước trên thế giới ca ngợi, đánh giá rất cao.

Có thể nói, Báo cáo Chính trị và Nghị quyết của Đại hội VI là đỉnh cao của thái độ thực sự cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, dũng cảm phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc, giải phóng được sức mạnh của dân tộc, sự thông minh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên, chắp cánh cho đất nước ta đạt được những thành tựu vĩ đại. Đại hội VI của Đảng đã mở ra thời kỳ đổi mới sâu sắc và toàn diện trên đất nước ta. Đường lối đổi mới của Đảng đã được bổ sung, phát triển trong các Đại hội tiếp sau đó. Thành tựu của 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội VI của Đảng đề ra, mà đồng chí Trường Chinh là một trong những người khởi xướng.

Những cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mãi được trân trọng và những bài học quý báu mà đồng chí để lại cho chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là hiện nay khi toàn Đảng ta đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là chỉnh đốn, xây dựng Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay14,774
  • Tháng hiện tại210,229
  • Tổng lượt truy cập2,352,525
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây