Thời gian qua, hiện tượng cá biển chết bất thường đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, đặc biệt là nhân dân vùng biển. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống, sản xuất. Tại huyện Triệu Phong, các phương án phát triển nông nghiệp vùng biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân cũng đang triển khai tích cực.
Phát triển các loại cây trồng có hiệu quả trên cát là giải pháp để tạo sinh kế bền vững cho ngư dân vùng biển |
Xã Triệu Vân là địa phương vùng biển bãi ngang, trong đó có 3 thôn giáp biển, đời sống một bộ phận lớn người dân chủ yếu dựa vào đánh bắt và chế biến thủy, hải sản. Trung bình mỗi năm sản lượng khai thác đạt từ 120 - 150 tấn hải sản các loại, thu nhập bình quân đạt 23 - 25 triệu đồng/lao động mỗi năm. Riêng lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá thường xuyên có trên 20 lao động, bình quân thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng/ tháng. Nhiều năm qua, vụ đánh bắt (vụ nam) xuất hiện nhiều loại cá như cá trích, nục, đục, ghẹ... Sản lượng đánh bắt những tháng cao điểm đạt từ 40 - 50 tấn. Tuy nhiên vụ này, do ảnh hưởng hiện tượng cá chết bất thường, ngư trường đánh bắt hải sản giảm từ 55 - 60%. Thị trường tiêu thụ hải sản cũng gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, xã Triệu Vân đã có phương án chuyển đổi một bộ phận lao động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và thương mại dịch vụ hậu cần nghề cá sang một số ngành nghề khác, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.
Gia đình chị Nguyễn Thị Trọn cũng như nhiều gia đình khác ở thôn 7, xã Triệu Vân có nhiều năm gắn bó với nghề biển. Thời gian này, cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn do ngừng đánh bắt dài ngày. Chia sẻ với chúng tôi, chị nói: “Sống ở biển thì bám vào biển để làm ăn phát triển kinh tế. Nhưng bây giờ tôi thấy nghề biển khó có thu nhập lắm, nên tôi chuyển qua nghề nông nghiệp. Mấy năm trước bên cạnh đi biển, tôi làm thêm nghề nông, trồng đủ các loại cây, trong đó năng suất nhất là cây lúa và cây đậu đen xanh lòng. Bây giờ trong vụ hè thu này, tôi mở rộng diện tích để trồng loại cây này tăng thêm thu nhập”. Cây đậu đen xanh lòng là một trong những loại cây trồng cạn trên cát, cho năng suất và giá trị kinh tế cao trong những năm gần đây tại xã Triệu Vân. Mỗi năm toàn xã trồng 60 ha, mỗi héc ta cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết, trước tình hình khó khăn của ngư trong việc đánh bắt hải sản, vụ hè thu này, xã Triệu Vân xác định đây là một trong những loại cây chủ lực để giúp nhân dân phát triển sản xuất. Trên cơ sở điều kiện thực tế, xã Triệu Vân đang triển khai các biện pháp để chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân một cách phù hợp. Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp được coi là vấn đề then chốt. Ngoài cây lúa, địa phương chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn trên cát, có chất lượng cao như đậu đen xanh lòng, mướp đắng, dưa leo, ném... Kết hợp hình thức trồng thuần, luân canh, xen canh gối vụ thích hợp để tăng hệ số sử dụng đất và giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, trên cơ sở đất đã được quy hoạch, xã Triệu Vân vận động nhân dân mở mang thêm các cơ sở chăn nuôi trang trại, gia trại, xây dựng ao nuôi cá nước ngọt, phát triển trồng cỏ để nuôi bò.
Chị Nguyễn Thị Gấm ở thôn 7, xã Triệu Vân cho biết thêm: “Trước đây gia đình sống bằng nghề biển, chồng đi biển đánh bắt còn tôi đi bán cá. Giờ đây biển thất thu, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn hơn 50 triệu đồng để mở trang trại chăn nuôi lợn, phát triển kinh tế, nuôi con ăn học”.
Trao đổi với chúng tôi về những nỗ lực của địa phương trong việc tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững, ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết thêm: “Sự kiện cá chết bất thường đã khiến cho một bộ phận lao động làm nghề cá và hậu cần nghề cá gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nhiệm vụ cấp bách trước mắt của chính quyền xã là tìm giải pháp chuyển một bộ phận lao động nghề cá và hậu cần nghề cá sang trồng trọt, chăn nuôi và một số ngành nghề khác để tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân. Nhưng để thực hiện những vấn đề này, bà con ở đây cũng gặp phải những khó khăn nhất định, đặc biệt là về nguồn vốn. Trong thời gian tới đề nghị các cấp, các ngành tăng cường công tác tập huấn để người dân nắm bắt KHKT về cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Có thể nói những tác động của hiện tượng cá chết bất thường trong thời gian qua vẫn đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sản xuất của ngư dân vùng biển. Do vậy, việc đồng hành, hỗ trợ sinh kế bền vững, ổn định cuộc sống cho ngư dân là trách nhiệm của chính quyền các cấp và các ngành chức năng.
baoquangtri.vn