Hiện nay, chất thải rắn (CTR) nông thôn đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm, phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Thực tế cho thấy, công tác thu gom và xử lý CTR còn manh mún, lạc hậu, thô sơ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường.
Cán bộ hội viên nông dân các xã thuộc huyện Hải Lăng ra quân diệt cây mai dương |
Đối với CTR từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) thì việc thu gom còn rất hạn chế. Đây là nguồn CTR thuộc danh mục độc hại cần thu gom, xử lý đúng quy định, nhưng hiện nay tại các địa phương, sau khi sử dụng, người nông dân tiện thể vứt ngay tại bờ ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường họp còn vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt. Đối với CTR từ các hoạt động làng nghề, Quảng Trị hiện có 60 làng nghề, đa số các làng nghề không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Mặc dù công tác thu gom, vận chuyển rác được chính quyền các địa phương quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa triệt để. Vẫn còn rất nhiều làng nghề xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm không khí, đất, nước, tác động xấu đến cảnh quan.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại nhiều địa phương, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã được chú trọng và có những chuyển biến tích cực. Một số nơi, hệ thống cấp nước sạch được đầu tư và đưa vào sử dụng; cảnh quan khu vực nông thôn được cải tạo, nâng cấp; có nhiều mô hình hay trong bảo vệ môi trường nông thôn… Bên cạnh đó, công tác BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở chăn nuôi, cụm công nghiệp và làng nghề được tăng cường kiểm tra, quản lý.
Đóng góp không nhỏ vào những thành quả đó, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh đã mở 30 lớp tập huấn cho 1.500 hội viên nông dân, ngoài ra các cấp Hội Nông dân còn phối hợp các sở, ngành mở 295 lớp tập huấn ngắn ngày để chuyển giao KHKT tiến bộ cho 8.750 nông dân như tập huấn quy trình chăn nuôi, trồng trọt, những kinh nghiệm hay trong quá trình sản xuất, ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong sản xuất và bảo vệ môi trường... Đã cung cấp hơn 30.000 lít EM cho hội viên nông dân trong toàn tỉnh để xử lý môi trường và ủ thức ăn trong chăn nuôi, hàng ngàn cân phân vi lượng LUVINA XXI, chỉ đạo hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn sinh học. Phối hợp xây dựng 7 dự án ứng dụng khoa học công nghệ tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, xử lý môi trường, trồng trọt trong đó có 1 dự án ứng dụng chế phẩm EM vào xử lý chất thải làng nghề làm bún truyền thống tại thôn Cẩm Thạch, xã Cam An, Cam Lộ; 1 dự án xử lý nước thải làng nghề làm bún tại Linh Chiểu, Triệu Sơn, Triệu Phong; 1 dự án nuôi tôm thương phẩm ứng dụng chế phẩm EM vào xử lý nguồn nước nuôi tôm tại phường Đông Giang, TP. Đông Hà; 1 dự án nuôi gà an toàn sinh học bằng đệm lót sinh học ở xã Hải Trường, Hải Lăng. Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ phân vi lượng LUVINA XXI hướng dẫn xây dựng dự án sản xuất lúa chất lượng an toàn sinh học cho 10 mô hình ở 4 huyện (Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh) và TP. Đông Hà. Phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) và Trung ương Hội Nông dân xây dựng 148 hầm khí biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ compist cho 148 hộ nông dân tại huyện Vĩnh Linh.
Ngoài ra Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp nhân rộng các dự án thành công, từ đó xây dựng được nhiều mô hình như: Ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong xử lý ao nuôi trồng thủy sản ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi lợn thương phẩm, nuôi cá nước ngọt sử dụng chế phẩm sinh học BIOWISH tại xã Triệu Lăng (Triệu Phong), xã Cam Thanh (Cam Lộ); xã Gio Quang (Gio Linh); mô hình sản xuất rau an toàn bằng phân bón vi sinh Nông Xanh tại phường Đông Thanh, TP. Đông Hà. Trong đó nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng /năm như mô hình kinh tế tổng hợp của hộ ông Trần Văn Cảm ở xã Cam Thành, Cam Lộ, hộ ông Bùi Văn Tính ở xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, mô hình sản xuất phân vi sinh từ rơm rạ, phế thải giúp nông dân tận dụng triệt để nguồn chất thải ra trong nghề trồng nấm, tạo nguồn phân hữu cơ dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng, tăng năng suất, bảo vệ đất đai, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cơ sở phối hợp phát động sâu rộng phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Qua đó, từng bước nâng cao tinh thần tự giác của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không xả rác bừa bãi và thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; thường xuyên vệ sinh nơi làm việc, sản xuất, kinh doanh; vệ sinh đường phố, khơi thông cống rãnh, dòng chảy trên địa bàn. Phối hợp với UBND các huyện tổ chức phát động diệt cây mai dương; vận động nông dân “sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn”. Đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phát huy hiệu quả hoạt động của trên 1.000 mô hình nông dân bảo vệ môi trường, như: “Tổ nông dân tự thu gom rác thải”, “Đoạn đường tự quản do nông dân đảm nhận”, Hợp tác xã Bảo vệ môi trường tại Gio Quang, Gio Linh; ngày thứ 7, chủ nhật xanh… Hội Nông dân tỉnh phát động các cấp hội triển khai xây dựng các mô hình thu gom rác thải từ thuốc BVTV, hiện 100% xã đã xây dựng bể thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng do Hội Nông dân đảm nhận. Mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình, tiết kiệm điện, nước để hạn chế khí thải, nước thải ra môi trường đang được hội viên, nông dân các địa phương triển khai tích cực...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Ngọc Lương đánh giá, vấn đề môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM và Hội Nông dân các cấp đã đảm nhận hoàn thành tốt tiêu chí này. Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh ký kết liên tịch với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình thu gom và xử lý rác thải. Từ công tác phối hợp này, các cấp Hội Nông dân đã triển khai “mỗi xã mỗi mô hình” và duy trì được 141 mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường. Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường”.
Trần Thúy