Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Nông dân. Để thực hiện nhiệm vụ trên, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân Quảng Trị thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân được vay vốn từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình.
Nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn cho hội viên nông dân vay để đầu tư sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã ký nghị quyết liên tịch với các ngân hàng giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Tính đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã xây dựng được 725 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 23.496 thành viên tham gia chương trình cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh ủy thác, dư nợ trên 704 tỉ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng 271 Tổ vay vốn với 9.780 thành viên, dư nợ trên 429,3 tỉ đồng. Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân dư nợ 15,95 tỉ đồng, giúp xây dựng 369 lượt dựán cho trên 3.690 hộ hội viên vay vốn. Từ các nguồn vốn trên, hàng ngàn hội viên nông dân đã đầu tư thâm canh thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mở mang ngành nghề, trong đó tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên nông dân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, phát triển ngành nghề ở nông thôn.
Mô hình trồng nấm của ông Lê Đức Hùng, hội viên Hội Nông dân xã Gio Sơn tạo thêm việc làm cho nhiều nông dân khác
Cùng với việc đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ vốn vay cho nông dân, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình điểm, hội thảo đầu bờ…, qua đó khích lệ nông dân sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không những thế, các tổ vay vốn còn là địa chỉ tin cậy để bà con nông dân chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và hỗ trợ nhau trong tiêu thụ nông sản. Các hội viên vay vốn qua tổ tiết kiệm vay vốn còn được hỗ trợ, chuyển giao các kiến thức khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, mở mang ngành nghề để nâng cao đời sống. Tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nông dân đã đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển gia trại, trang trại đem lại giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình trang trại, gia trại do nông dân làm chủ đã được nhân ra diện rộng như mô hình lúa - cá - chăn nuôi, trang trại tổng hợp, trang trại vườn đồi kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, ươm giống cây lâm nghiệp, trồng nấm...Nhiều trang trại có thu nhập đạt từ 100-500 triệu đồng. Không những làm giàu cho gia đình, các hộ còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Được coi là người tiên phong trên địa bàn xã Gio Sơn, huyện Gio Linh về mô hình trồng nấm thương phẩm, đến nay ông Lê Đức Hùng, ở thôn Phú Ốc đã sở hữu một cơ ngơi khang trang với thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Nghề trồng nấm đến với ông Hùng khi tình cờ xem ti vi thấy hướng dẫn cách chế biến mùn cưa từ gỗ cao su để làm nấm. Sau đó ông vào tìm hiểu mô hình làm nấm tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Sau khi nắm được kỹ thuật làm nấm một cách bài bản, ông Hùng xây dựng dự án trồng nấm chế biến tại hộ gia đình và được Hội Nông dân huyện Gio Linh thẩm định dự án, giới thiệu vào Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh xin hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm. Dự án trồng nấm của ông Hùng may mắn được đơn vị này hỗ trợ kinh phí làm lò hấp thủ công. Hội Nông dân xã Gio Sơn cũng tạo điều kiện tín chấp cho ông Hùng vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng nhiều giống nấm khác nhau như nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm và cả giống nấm linh chi có giá trị kinh tế cao. Ông Hùng cho biết, mỗi năm trại nấm của ông sản xuất khoảng 20.000 bịch nấm thành phẩm các loại, ngoài ra còn cung cấp hơn 10.000 bịch phôi giống cho những người có nhu cầu làm nấm ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong. Sản phẩm nấm của gia đình ông Hùng hiện đã có mặt ở hầu khắp các thị trường trong tỉnh như Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Hiện cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông Hùng giải quyết công việc theo thời vụ cho khoảng 4-5 lao động. Mỗi năm, trừ chi phí các loại, nghề trồng nấm mang lại cho gia đình ông khoản lãi ròng hơn 200 triệu đồng.
Từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân, không riêng gì ông Hùng mà trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến. Hiện Quảng Trị có 21.855 hộ hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương 212 hộ, cấp tỉnh 782 hộ, cấp huyện 3.679 hộ và cấp cơ sở là 17.275 hộ. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tiếp tục phối hợp với các ngân hàng CSXH, Nông nghiệp và PTNT tạo nguồn vốn cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các cấp hội tiếp tục chủ động xây dựng, phát triển và quản lý có hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Vận động cán bộ, hội viên nông dân phát triển các ngành nghề truyền thống, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã…, qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân./.
baoquangtri.vn