Từ năm 2006 đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) huyện Cam Lộ, Quảng Trị đã giúp nhiều nông hộ nguồn vốn phát triển sản xuất. Nhờ nguồn vốn này, nông dân Cam Lộ đã tạo được những mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Huế, thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, là một trong số những nông dân được vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND thuộc Hội Nông dân huyện Cam Lộ để nuôi dê và thỏ vào đầu năm 2015. Chỉ 2 năm sau đầu tư, đàn dê và thỏ của ông Huế đã lên đến hàng chục con và có sản phẩm xuất bán ra thị trường. Đặc biệt là mô hình nuôi dê, khoảng 4 tháng là có trọng lượng từ 20- 25kg/con. Dê thịt hiện có giá 125.000 đồng/kg, dê giống giá cao hơn 150.000 đồng/kg.
Từ cuối năm 2015 đến nay mô hình chăn nuôi này đã mang lại nguồn thu cho ông Huế khoảng 100 triệu đồng. Ông Huế cho biết: “Vùng Cùa có địa hình đồi núi rộng lớn, thảm thực vật phong phú nên nguồn thức ăn cho dê khá dồi dào. Kỹ thuật chăm sóc không khó, thị trường tiêu thụ dê giống, dê thịt đang ở mức cao... nên hiệu quả kinh tế thấy rõ. Biết vậy nhưng trước đây, gia đình tôi chỉ có mấy sào đất trồng hoa màu, kinh tế rất khó khăn nên chẳng đủ vốn để làm. Nay nhờ có Hội Nông dân hỗ trợ cho vay tiền từ nguồn Quỹ HTND, không chỉ lãi suất thấp, thủ tục đơn giản mà không cần thế chấp tài sản nên gia đình tôi mới làm được chuồng trại, mua dê về nuôi để nhân giống. Nhờ vậy, gia đình có thêm nguồn thu nhập thoát cảnh khó khăn đeo đẳng hàng chục năm qua”.
Để giúp cho hội viên có vốn phát triển sản xuất, đến nay Quỹ HTND trên địa bàn huyện Cam Lộ đã giải ngân cho nông dân vay trên 2 tỉ đồng. Trong đó Quỹ HTND Trung ương và tỉnh 1,76 tỉ đồng, thực hiện 6 dự án với 70 hộ vay vốn để đầu tư cải tạo, phát triển đàn bò; xây dựng trang trại chăn nuôi lợn và cải tạo vườn tiêu... Quỹ HTND huyện đã giải ngân trên 307 triệu đồng, giúp hàng chục hội viên vay luân chuyển đầu tư các mô hình điểm như: chăn nuôi lợn, bò nhốt, dê, thỏ; cải tạo vườn tạp…
Mô hình chăn nuôi dê từ nguồn vốn Quỹ HTND của ông Nguyễn Văn Huế, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ
Đáng lưu ý là từ việc cho vay nhỏ lẻ chỉ khoảng 10 đến 20 triệu đồng/hộ đến nay mức cho vay đã tăng lên 50 triệu đồng/hộ, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của hội viên nông dân. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, cùng với việc đánh giá đúng thực tế nhu cầu vốn, khả năng sản xuất, kinh doanh hiệu quả của các dự án, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất đã triển khai hiệu quả trong tổ chức hội và cộng đồng. Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo và chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật đến hộ nông dân vay vốn.
Để phong trào phát triển có chiều sâu và bền vững, Hội Nông dân huyện đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào chuyển từ hình thức tuyên truyền, vận động sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân sản xuất- kinh doanh, phát triển sản xuất. Các cấp hội đã làm tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân. Đến nay Hội Nông dân huyện đã tổ chức khoảng 70 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò thâm canh, chăn nuôi lợn, thỏ, nhím, gà thả vườn, nuôi cá; tập huấn về kỹ thuật làm giống lúa, trồng ớt, trồng lạc, tiêu, cao su, trồng nấm, trồng rừng...
Hướng dẫn cho nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: Trồng ngô đông ở thị trấn Cam Lộ; trồng đậu xanh vụ hè - thu ở Cam Hiếu, mô hình lúa - cá, mô hình nuôi nhím, nuôi lợn rừng, nuôi chim bồ câu, nuôi thỏ; mô hình trồng nấm, trồng cỏ nuôi bò, trồng lạc phủ nilon; mô hình làm phân hữu cơ vi sinh và các mô hình lồng ghép khác...
Đến nay, nhiều mô hình đã được nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Ông Lê Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ cho biết, những năm qua các dự án, mô hình đầu tư từ nguồn vốn Quỹ HTND ở huyện Cam Lộ đó đều mang hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông hộ xóa đói, giảm nghèo. Nguồn vốn từ Quỹ HTND được các cấp Hội Nông dân trong huyện quản lý tương đối chặt chẽ, không thất thoát và luôn có sự tăng trưởng. Nguồn vốn này tập trung hỗ trợ cho hội viên nông dân khó khăn, có nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh, nhất là các mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô hộ gia đình.
Đây là những mô hình điểm để nông dân học tập, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nguồn quỹ cũng tạo điều kiện để hội tập hợp, gắn kết hội viên phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau tham gia phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, gắn với việc xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Baoquangtri.vn