Cuộc sống còn khó khăn, bà con nông dân ở khu phố 3, phường 2 chỉ sản xuất theo kiểu tự cấp, tự túc nên rất ngại vay vốn và ít tham gia sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ thực tế đó, ông Hồ Đắc Huấn đã cùng cán bộ Hội Nông dân phường đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động bà con gia nhập tổ tiết kiệm và vay vốn để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng. Ông được cán bộ Hội tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tiết kiệm và vay vốn. Năm 2001, tổ vay vốn được thành lập mới chỉ có 8 thành viên, đến nay phát triển 59 thành viên, tổng dư nợ với Ngân hàng chính sách xã hội gần 3,7 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn vay giải quyết việc làm chiếm trên 70%. Với trách nhiệm cũng như cách thức bình xét cho vay vốn đảm bảo dân chủ, công bằng của tổ tiết kiệm và vay vốn do ông phụ trách nên có nhiều người đã tự nguyện xin tham gia sinh hoạt trong tổ ngày một tăng.
Mô hình mộc mỹ nghệ của anh Lê Ngọc Khanh hội viên nông dân KP3, phường 2, TX Quảng Trị
Là Tổ trưởng vay vốn ông thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ, gần gũi với người nghèo, giúp đỡ để họ được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông trăn trở, bàn bạc, góp ý với từng tổ viên làm thế nào để khi nhận vốn vay để vừa sinh lời, vừa hoàn trả được gốc, lãi đúng kỳ hạn và nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Ông thấy rất vui mừng khi có nhiều hộ ăn nên làm ra, thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Điều đáng kể là trong thời gian qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn và lãi tồn đọng, các nguồn vốn sử dụng đúng mục đích.
Để thực hiện được điều đó, ông đã vận động các thành viên chỉ vay đủ vốn để phục vụ đầu tư sản xuất. Trước khi làm hồ sơ cho hộ vay vốn, ông đi thực tế, kiểm tra trước, rồi mới đề xuất ngân hàng giải ngân đúng số vốn mà hộ vay cần, tránh sử dụng vốn vay sai mục đích. Hướng dẫn cụ thể giúp các thành viên lập hồ sơ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội được dễ dàng, nhanh chóng. Mỗi khi giúp bà con nhận được vốn vay để sản xuất, kinh doanh là ông thấy phấn khởi vì mình đã góp phần nhỏ bé cùng mọi người thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông là Tổ trưởng vay vốn thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ cũng như tham gia họp giao ban đều đặn với Ngân hàng Chính sách Xã hội và Hội Nông dân phường. Từ sự nhiệt tình và trách nhiệm của người tổ trưởng đã tạo được thói quen đến các tổ viên tham gia sinh hoạt tổ định kỳ đều đặn, tích cực gửi tiền tiết kiệm hàng tháng, làm cho người vay có ý thức tiết kiệm, tăng nguồn vốn tự có và có tiền trả nợ vay đến kỳ hạn.
Từ nguồn vốn vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh ngày một khấm khá. Điển hình như hộ gia đình ông Hoàng Tiến Sơn, nghề nghiệp vận chuyển vật liệu xây dựng. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội và có thêm nguồn vốn của gia đình ông đã mua sắm trang thiết bị, phương tiện vận chuyển để phục vụ cho công việc. Đến nay cơ sở của ông làm ăn rất hiệu quả cho thu nhập 150 - 160 triệu đồng/năm, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động, thu nhập 4 - 6 triệu đồng/tháng. Mô hình vận chuyển vật liệu xây dựng của ông Lê Quang Đạo cũng vậy, xuất phát làm ăn nhờ từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội đến nay đã gây dựng nên cơ sở làm ăn khá hiệu quả, thu nhập bình quân 150 - 170 triệu đồng/năm, mô hình không những giải quyết công ăn việc làm cho cả gia đình mà còn thu hút thêm 18 lao động không có nghề nghiệp, bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng/lao động.
Luôn tận tụy với công việc và rất tâm huyết với hội viên nông dân, vì vậy được hội viên, nông dân tin yêu và quý mến. Ông là một trong những tổ trưởng vay vốn nhiều năm liền được Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã tặng Giấy khen tổ vay vốn xuất sắc./.
Nguyễn Xuân Thạc