Tháng 6/2020, sau khi đổi tên từ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Trị sang tên gọi mới là Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Trị, tổ chức bộ máy của trung tâm được kiện toàn gồm 5 người. Trong đó, 1 giám đốc trung tâm là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh kiêm nhiệm, 1 phó giám đốc trung tâm là trưởng ban kinh tế - xã hội, 3 viên chức biên chế tại trung tâm, kế toán, thủ quỹ cơ quan tỉnh hội kiêm nhiệm.
Nông dân tỉnh Quảng Trị hỗ trợ tiêu thụ hành tím cho nông dân tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: N.N |
Những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân trên các lĩnh vực, đó là cung cấp các loại máy nông nghiệp; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề, tư vấn, xuất khẩu lao động; xây dựng mô hình kinh tế; tổ chức hội thảo, hội nghị để kết nối nâng cao các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân…
Trung tâm đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tuyên truyền, vận động nông dân đưa máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chuyển giao 15 chiếc máy nông nghiệp các loại, trị giá hơn 4,7 tỉ đồng được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Chi nhánh Công ty TNHH Hợp tác lao động và thương mại Thái Bình tại Quảng Trị tổ chức 18 buổi hội thảo tư vấn về việc làm và xuất khẩu lao động cho 240 hội viên, con em hội viên nông dân. Tiến hành xây dựng các mô hình “nuôi - trồng” tại trung tâm và ở các cấp hội trong tỉnh, hỗ trợ 15.000 con giống gà cho nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi gà ở các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Vĩnh Giang (Vĩnh Linh) với 15 hộ tham gia. Phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình bảo vệ môi trường tại xã Triệu Long (Triệu Phong) với 55 hố bi đựng bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng với 100 hội viên nông dân tham gia. Phối hợp tổ chức cho gần 1.000 cán bộ, hội viên nông dân tập huấn các chương trình mục tiêu về an toàn giao thông, vệ sinh, an toàn thực phẩm… Các cấp hội phối hợp với Liên minh HTX, các phòng nông nghiệp hướng dẫn thành lập mới 40 mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác và hợp tác xã. Phối hợp với Trường Cán bộ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 70 cán bộ hội cấp tỉnh và cấp huyện. Tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho 104 học viên về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt. Hội Nông dân cấp huyện, cơ sở hội phối hợp đào tạo nghề cho 2.865 học viên, trong đó 2.464 học viên có việc làm sau đào tạo nghề, đạt tỉ lệ 86%.
Đặc biệt, với tinh thần “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Cùng nhau vượt qua đại dịch”, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với các cấp hội kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với hơn 10 tấn hành tím của nông dân tỉnh Sóc Trăng và tiêu thụ 8 tấn vải thiều của nông dân tỉnh Bắc Giang. Các cấp hội tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch trong tình hình mới.
Về phương hướng hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Trần Văn Bến cho biết: Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, phát huy sự tham gia của các cấp hội và hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng các mô hình kinh tế mới gắn với phát triển các cây, con chủ lực của tỉnh. Tăng cường hoạt động hỗ trợ nông dân về khoa họ c- kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Tập trung xây dựng các mô hình kinh tế mới ở trung tâm theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, nhằm tạo hướng đi mới, phát huy hiệu quả chức năng của trung tâm theo hướng hỗ trợ, dịch vụ. Phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ nông dân trong liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản. Tổ chức hội thảo, hội chợ, gian hàng trưng bày, tạo môi trường thuận lợi để nông dân trao đổi, quảng bá các nông sản, thực phẩm sạch, tiêu biểu của địa phương, nâng cao giá trị hàng hóa.
Ngọc Nhân