Vườn ổi của hội viên nông dân Văn Thiên Ái ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú
Nhìn từ bên ngoài vào, cả vườn ổi xum xuê, được tạo tán như cây cảnh, từng chùm ổi trĩu nặng quỵt cả cành cây, cả khu vườn được quy hoạch một cách bài bản theo từng vùng. Có được thành quả như ngày hôm nay đó là cả một quá trình dài tích lũy kinh nghiệm và bao lần trải qua thất bại. Ông tâm sự với chúng tôi: “Xưa gia đình mình đông con, vất vả phải làm đủ nghề để sinh sống, từ làm ruộng, nuôi lợn, nuôi gà, đi làm thuê khắp từ Nam ra Bắc, không có nghề nào là ông chưa từng làm. Sau khi các con khôn lớn trưởng thành, yên bề gia thất thì cũng là lúc sức khoẻ đã yếu. Trong một lần đi họp nông dân, được các đồng chí trong Hội Nông dân xã Hải Phú phổ biến các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các chủ trương của Đảng uỷ, UBND xã về chuyển đổi cây trồng vật nuôi, định hướng xây dựng vườn tạp thành vườn mẫu, tôi đã trăn trở bao đêm, muốn xây dựng một khu vườn mang màu sắc của người nông dân, phù hợp với sức khỏe và kinh tế gia đình hiện tại”.
Nói là làm, ông bắt đầu lên các trang mạng để tìm tài liệu, tham gia các lớp tập huấn kiến thức về cây trồng do Hội Nông dân xã tổ chức, đồng thời học hỏi trao đổi thêm những kiến thức mới ở những mô hình thành công để đúc rút thêm kinh nghiệm. Năm 2020, ông bắt đầu xây dựng vườn với diện tích khoảng 1.500m2, ông trồng hai loại cây chủ lực, khoảng 1.000m2 ông trồng ổi lê, diện tích còn lại ông trồng mai và xen kẽ là các cây ngắn ngày để cho thêm thu nhập, đồng thời hạn chế cỏ dại và cải tạo đất vườn.
Ông cho biết, ban đầu dự định trồng rất nhiều loại cây, nhưng với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Quảng Trị khắc nghiệt “nắng thì cháy da, mưa thì thấm đất”. Ông đã tìm tòi và phát hiện ra giống ổi lê là một giống ổi thích nghi với khí hậu, có thời gian sinh trưởng ngắn và cho thu hoạch sớm, năng suất chất lượng đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Những ngày đầu tiên khi bắt tay vào trồng ổi, ông cũng gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật,... Rồi có những lúc cây được trồng xuống lại không sinh trưởng, sâu bệnh…. lúc ấy tưởng chừng như mọi thứ đang thách thức lòng kiên nhẫn của người nông dân. Nhưng với tinh thần ý chí của một lão nông tri điền, ông lại vực dậy để bắt tay xây dựng vườn ổi như ông đã mơ ước là tạo ra những sản phẩm sạch để phục vụ người tiêu dùng.
Quyết tâm là vậy, vừa làm,vừa học hỏi, vừa đúc rút kinh nghiệm,ông đã chăm sóc vườn ổi của mình theo đúng khoa học kỹ thuật nên đến nay cây sinh trưởng và phát triền tốt. Sau 08 tháng cây bắt đầu cho thu hoạch lứa trái đầu tiên và sản lượng tăng dần qua các năm, giá bán bình quân mỗi kilogam khoảng 20.000 đồng. Một năm ông thu về khoảng 40 triệu đồng từ bán ổi và hoa màu các loại.
Tận dụng khoảng đất còn lại, ông trồng thêm 100 gốc mai, chủ yếu là mai ta. Ông cười và đùa rằng: “mai là những đứa con tinh thần, chăm nó tốt thì sau này nó báo đáp”. Nói đùa là vậy, nhưng nhìn vào những gốc mai duyên dáng, với đủ các loại hình hài được tạo ra thì chắc hẳn ông đã tốn không biết bao nhiêu công sức và tâm huyết, bởi cây mai là cây trồng dài ngày và có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi nhiều kỹ thuật và sự đam mê, hứa hẹn là một nguồn thu nhập cao cho gia đình ông trong tương lai.
Những nỗ lực không ngừng của hội viên Văn Thiên Ái trong phát triển kinh tế vườn đã được các cấp Hội ghi nhận. Giờ đây ông đã có thu nhập ổn định ở tuổi già, những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất được ông chia sẻ cho bà con Nhân dân cùng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân, tạo thu nhập ổn định trong sản xuất nông nghiệp. Được biết, mô hình cũng đã được UBND xã thẩm định và đề xuất lên cấp trên công nhận là mô hình vườn mẫu theo tiêu chí nông thôn mới.
Bước ra khỏi nhà ông, cầm trên tay những trái ổi thơm ngon, cùng với nụ cười phúc hậu trên khuôn mặt của ông đã để lại cho chúng tôi bao điều suy nghĩ. Từ gốc nhìn thành công của nông dân Văn Thiên Ái có thể thấy, làm nông nghiệp muốn thành công phải thực sự cần cù, có tâm huyết, đam mê và óc sáng tạo mới tạo nên những sản phẩm tốt, sạch và thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Kinh tế vườn đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ gia đình làm nông nghiệp, khởi nghiệp từ vườn không bao giờ là muộn./.
Văn Thị Thuý Vi