Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm rất thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu. Cùng với phân bón hóa học, thuốc BVTV là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực cho loài người.
Quảng Trị nằm ở phía nam của Bắc Trung Bộ, trọn vẹn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, là vùng chuyển tiếp giữa hai 2 miền khí hậu. Miền khí hậu phía bắc có mùa đông lạnh và phía nam nóng ẩm quanh năm. Khí hậu biến động mạnh, thời tiết diễn biến thất thường, vì vậy trong sản xuất và đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn. Với hơn 70% dân số hoạt động trong nông nghiệp, hàng năm đã sản xuất ra hàng trăm ngàn tấn lương thực thực phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, cùng với đó cũng đã sử dụng một lượng thuốc BVTV nhất định góp phần hạn chế sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, ngăn chặn và dập tắt các đợt dịch bệnh trên phạm vi lớn, bảo đảm được năng suất cây trồng, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, những năm gần đây việc sử dụng thuốc BVTV trong thâm canh sản xuất có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn chủng loại đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, nước, không khí, chất lượng nông sản và sức khoẻ con người.
Thuốc BVTV là một loại vật tư kỹ thuật quan trọng góp phần hạn chế dịch hại, bảo vệ cây trồng, giữ vững và nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, do các loại thuốc BVTV thường là các chất hoá học có độc tính cao nên mặt trái của thuốc BVTV là rất độc hại với sức khoẻ cộng đồng và là một đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường sinh thái nếu không được quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng cách. Dư lượng thuốc BVTV quá giới hạn cho phép trong nông sản, thực phẩm là mối đe dọa đối với sức khoẻ con người. Chỉ tính riêng trong năm 2009 trong cả nước đã có4.515 người bị nhiễm độc thuốc BVTV với 138 trường hợp tử vong.
Vì vậy, giải quyết hài hoà giữa việc sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ sản xuất nông nghiệp với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường là một đòi hỏi và thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật.
1. Sử dụng thuốc BVTV và nguyên nhân gây ô nhiễm:
Trong sản xuất nông nghiệp các loại thuốc BVTV đã được sử dụng từ nhiều năm. Trước năm 1990, thuốc BVTV do Nhà nước độc quyền kinh doanh theo cơ chế bao cấp. Từ năm 1990 đến nay việc cung ứng và xuất nhập khẩu thuốc BVTV không chỉ do các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện mà còn có các doanh nghiệp tư nhân và cá thể cùng tham gia. Thuốc BVTV được kinh doanh, lưu thông tự do trên thị trường đã được thực hiện rộng rãi từ những năm 1990 1991. Tuy nhiên thời kỳ đó, do tình hình phát sinh, phát triển của sâu hại, dịch bệnh còn ít nên số lượng và chủng loại thuốc BVTV chưa nhiều. Ngày đó do thiếu thông tin và chủng loại thuốc BVTV còn nghèo nàn nên người nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc BVTV có độc tính cao, tồn lưu lâu trong môi trường. Ngày nay người ta đã thay dần bằng các loại thuốc BVTV thế hệ mới có độc tính thấp, các chế phẩm sinh học ít tồn lưu trong môi trường
- Những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, do thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn, xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh hại mới, lạ. Vì vậy số lượng và chủng loại thuốc BVTV sử dụng cũng tăng lên. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nếu như trước năm 1985, khối lượng TBVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 9.000 tấn thì từ năm 1991 đến nay lượng thuốc sử dụng biến động từ 25-38 ngàn tấn.
- Do tập quán canh tác và diện tích trồng lúa lớn nên các vùng đồng bằng nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn so với các vùng miền núi. Việc tăng liều lượng thuốc, tăng số lần phun thuốc, dùng thuốc BVTV không theo hướng dẫn, lạm dụng thuốc BVTV đã dẫn đến hậu quả gây ra hiện tượng kháng thuốc, làm thuốc mất hiệu lực, để lại tồn dư thuốc BVTV quá mức cho phép trong nông sản, thực phẩm. Đó cũng là nguyên nhân của tình trạng ngộ độc thực phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, hàng hoá trên thị trường thế giới.
- Ngoài ra, việc không tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc, tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi sau sử dụng khá phổ biến. Thói quen rửa bình bơm và dụng cụ pha chế thuốc BVTV không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, gây ngộ độc cho động vật thuỷ sinh cũng cần được cảnh báo và khắc phục.
- Sử dụng thuốc nằm trong danh mục cấm và có tính bền vững với môi trường làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng người dân địa phương và các vùng lân cận.
2. Giải pháp hạn chế ô nhiễm do sử dụng thuốc BVTV:
Sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ một nền sản xuất nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường. Vì vậy, nhiệm vụ phòng chống ô nhiễm và suy thoái môi trường do sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV phải được coi là mục tiêu quan trọng, hàng đầu. Để đảm bảo sử dụng thuốc BVTV có hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Nhà nước cần có chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho các chương trình sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, vi sinh vào công tác phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật. Chọn lọc các loại thuốc, dạng thuốc BVTV an toàn, phân giải nhanh trong môi trường. Nghiên cứu tìm ra giống kháng sâu bệnh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.
- Về kỹ thuật:
+ Đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt. Mở các lớp tập huấn áp dụng chương trình: ba giảm, ba tăng, 4 đúng trong phun thuốc, IPM (Integted Pest Managemaent). Tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến những tác hại do ô nhiễm thuốc BVTV gây ra trong sản xuất để góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
+ Khuyến cáo nông dân sử dụng các thuốc sinh học không gây ô nhiễm môi trường, ít ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
+ Nâng cao hiểu biết của người nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và có hiệu quả từ đó giảm lượng thuốc BVTV sử dụng. Chú trọng việc thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.
+ Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch không dùng phân bón hoá học và thuốc BVTV nhằm nâng cao chất lượng nông sản phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
+ Nên sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết: Cần thường xuyên kiểm tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng để quyết định có cần dùng thuốc hay không. Không nên phun thuốc định kỳ nhiều lần mà không dựa vào tình hình dịch hại. Điều này gây nên sự lãng phí và cũng là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng kháng thuốc của dịch hại.
+ Gieo trồng các giống cây kháng sâu bệnh, bảo đảm yêu cầu phân bón và nước thích hợp, tận dụng các biện pháp thủ công (bắt tay, bẫy bã). Bảo vệ thiên địch khi dùng thuốc.
+ áp dụng kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và nồng độ. Sử dụng luân phiên thuốc với mục đích ngăn ngừa sự hình thành tính chống thuốc của dịch hại, giữ được hiệu quả lâu dài của thuốc.
Để đạt được năng suất, chất lượng cao, sản phẩm an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường, giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất do sử dụng thuốc BVTV trong điều kiện áp lực dịch hại cây trồng ngày càng phức tạp thì cần có sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía. Việc quản lý dịch hại phải tổng hợp bằng nhiều biện pháp, trong đó sử dụng thuốc BVTV chiếm vị trí đặc biệt. Vì vậy, hiểu biết đúng, sử dụng thuốc an toàn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.
Trung tâm KNVN