Tỉnh ta có trên 70% số dân sống ở vùng nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn là sản xuất truyền thống, sử dụng máy móc, cơ khí hoá và công nghệ mới vẫn còn hạn chế, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Nông dân là lực lượng đông đảo, là những người trực tiếp lao động, với đức tính cần cù, thông minh sáng tạo đã tìm ra các giải pháp kỹ thuật, cách làm mới, chế tạo thiết bị mới nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm bớt sức lao động chân tay, khai thác có hiệu quả lợi thế tiềm năng đất đai, dồn điền đổi thửa, bảo vệ môi trường, xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới.
nông dân gio linh cải tiến máy gặt liên hợp
Xác định rõ vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, từ đó Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh việc quán triệt, học tập Nghị quyết và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của nông dân, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, lao động sáng tạo, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Những năm qua Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật ,Sở Khoa học công nghệ, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng các mô hình, thành lập các tổ hợp tác, tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông, nhà nông đua tài để đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất, tìm ra các giải pháp công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ V năm 2013, nông dân tham gia 12 giải pháp, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý tưởng mới, cách làm hay vẫn chưa đăng ký dự thi, nhưng đã được triển khai có hiệu quả.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nông dân đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật thâm canh mới, sử dụng giống mới với mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng và đảm bảo phát triển bền vững. Anh Hồ Văn Sáu đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác cây cà phê Catimor bền vững trên đất dốc xã Hướng Phùng, bằng cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón qua lá cho cây cà phê trong những tháng mùa khô 2-3 lần/năm đã nâng cao năng suất và sản lượng. Anh Tạ Văn Tư ở Vĩnh Nam tìm ra giải pháp trồng xen cây cà phê chè trên diện tích cây cao su , giải quyết bài toán sử dụng có hiệu quả diện tích đất đai, khi cây cao su rụng lá là lúc cây cà phê trổ hoa, khi cây cao su bị bão gảy đổ thì có cây cà phê thay thế, đã tăng hiệu quả sử dụng đất lên 30%. Anh Ngô Văn Châu ở Hải Lệ là người nông dân đầu tiên đưa giống sắn KM 140 về trồng trên đất Quảng Trị, với những ưu thế vượt trội, năng suất đạt trên 40 tấn/ ha, có khả năng kháng bệnh tốt, đây là giống sắn được Bộ NN&PTNT công nhận..,. nhiều nông dân xây dựng mô hình trồng rau an toàn, trồng hoa cúc, hoa ly trong nhà lưới áp dụng kỹ thuật canh tác sinh học, sử dụng phân xanh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh, hạn chế sử dụng các loại phân hóa học nhờ vậy đã tạo cho đất tơi xốp, nhiều vi sinh vật có lợi phát triển cải tạo môi trường đất, giúp cây phát triển tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản Anh Hoàng Thìn ở Đông Giang, sử dụng chế phẩm sinh học E.M để xử lý nước nuôi, thay thế các hoá chất diệt khuẩn, dùng chiết xuất nước tỏi để phòng bệnh cho tôm, sản lượng đạt 4-5 tấn/ha, thu lãi trên 100 triệu đồng /ha đây là giải pháp nuôi tôm bền vững.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nông thôn, nông dân thôn Linh Chiểu xã Triệu Sơn đã tìm ra phương pháp xử lý nước thải làng nghề làm bún, bằng hệ thống các hầm chứa lên men yếm khí dưới tác dụng của các loài vi sinh vật, đã làm hạn chế mùi hôi, ao tù, nước đọng tồn tại trong một thời gian dài, thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững, tạo việc làm ổn định. Nhóm nông dân Hoàng Hồng Sơn, Nguyễn Viết Sinh, Hồ Văn Bảo ở xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh có sáng kiến làm cho người dân trong làng tự giác thi đua với các xóm khác làm cho làng mình xanh- sạch- đẹp, bằng cách đưa ra các tiêu chí chấm điểm rõ ràng của công việc chỉnh trang nông thôn mới, như xóm nào giải tỏa mặt bằng nhanh, đúng quy định chấm 10 điểm, xóm nào thực hiện bê tông hoá giao thông nông thôn đúng quy định 10 điểm, xóm nào thu gom rác thải tốt 10 điểm, xóm nào cắt tỉa bờ rào, bờ dậu gọn gàng, cải tạo vườn tạp tốt 10 điểm…. và tất cả các tiêu chí đều được chấm điểm, Hội đồng giám khảo là những cán bộ thôn, trưởng xóm và các đoàn thể, cuối năm có tổng kết biểu dương, khen thưởng. Sau hơn 2 năm xây dựng bộ mặt nông thôn xã Vĩnh Thạch đã có nhiều thay đổi, xã đạt 15 tiêu chí nông thôn mới .
Trong công tác quy hoạch đồng ruộng hai nông dân Trần Văn Kính và Trần Văn Nhân ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng có giải pháp sáng tạo trong công tác “ Dồn điền đổi thửa” tạo điều kiện cho nông dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng, sử dụng cơ giới hoá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để làm được việc này trước hết phải thực hiện tốt dân chủ, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phân công cán bộ có năng lực … các tác giả đề xuất với UBND xã lấy đất 5% bù cho quy hoạch đường giao thông, thuỷ lợi, xây dựng hệ số “K” của đất, được nông dân đồng ý, trên cơ sở đó quy đổi thành diện tích. Xã Hải Thượng áp dụng dồn từ 12.140 thửa xuống còn 3.782 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,5 thửa, xã đã quy hoạch các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng trồng rau màu, vùng nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Nông dân xã Cam An, Cam Lộ có những cách làm vận động nông dân tự nguyện quy hoạch mồ mả ở xứ đồng ruộng về địa điểm quy hoạch nghĩa địa chung của làng đã có thêm diện tích để canh tác.
Bên cạnh những giải pháp áp dụng vào sản xuất, đời sống, bảo vệ môi trường, nhiều nông dân đã chế tạo, cải tiến máy móc, công cụ lao động, tạo ra năng suất gấp hàng chục lần so với lao động thủ công. Nông dân Trương Văn Chung ở xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh đã sáng chế máy cắt, băm chuối. Ở nông thôn nông dân dùng thân cây chuối để bổ sung thức ăn thô xanh cho gia súc, gia cầm và làm thức ăn cho cá, nhưng muốn dùng được thì phải cắt và băm nhỏ mất nhiều thời gian. Chiếc máy của Anh Chung cắt băm một cây chuối chỉ mất một phút, rất dễ sử dụng, giá thành hợp lý. Máy đánh vẩy cá, máy cắt lát gừng của tác giả Văn Đức Quynh cũng có rất nhiều ưu điểm sáng tạo.
Có thể thấy rằng các giải pháp đều xuất phát từ thực tiễn, bước đầu đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, dân trí và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên những sáng tạo kỹ thuật của nông dân vẫn còn nhỏ lẻ, hạn chế, thiếu kinh phí, thiếu tổ chức để nhân ra diện rộng.
Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đồng hành với nông đân trong sáng tạo kỷ thuật, công nghệ mới. đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, triển khai các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vận động nông dân sáng tạo kỹ thuật, tìm giải pháp mới, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Vận động nông dân tham gia cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông do tỉnh và Trung ương tổ chức, phát động phong trào lao động sáng tạo trong nông dân để thúc đầy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân triển khai những ý tưởng, giải pháp vào sản xuất để phát huy khả năng sáng tạo to lớn của nông dân, giúp các tác giả đăng ký bản quyền sáng chế, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tôn vinh các nhà sáng tạo làm đầu mối liên kết " 4 nhà" trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, đưa các giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích ứng với điều kiện địa phương vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nâng cao trình độ công nghệ và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, bền vững, bảo vệ môi trường nông thôn; Tăng cường hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức KH&CN, tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, phổ biến kỹ thuật cho nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng công nhệ mới để nông dân học tập, làm theo .
Nguyễn Đán, Hội ND tỉnh Quảng Trị