Bám sát Nghị quyết của Huyện ủy và các Đề án UBND huyện về phát triển kinh tế, hưởng ứng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" do Trung ương Hội phát động, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã xây dựng Nghị quyết, các chuyên đề và chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua sản xuất, tích cực vận động nông dân phát huy lợi thế đất đai, chuyển đổi sản xuất, đa dạng cây trồng, vật nuôi. Hội tổ chức và phối hợp với các ngành chức năng triển khai xây dựng các mô hình về chăn nuôi, trồng trọt, thành lập các CLB khuyến nông, CLB hồ tiêu, các tổ hợp tác...Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển khá toàn diện, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo hướng đa dạng, bền vững và nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
Đ/c Nguyễn Xuân Hoài, Chủ tịch Hội ND Cam Lộ trao Giấy khen cho các hộ nông dân sản xuất giỏi
Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân nhằm đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phù hợp, chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, sản xuất những loại hàng hóa có giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ký kết, hội thảo, tập huấn chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, xây dựng các mô hình trình diễn có hiệu quả để hội viên nông dân học tập và nhân rộng. Với phương châm vận động đi đôi với dịch vụ hỗ trợ nông dân, Hội phối hợp với NHNN& PTNT huyện đã thành lập được 33 tổ với 963 hộ vay dự nợ trên 39 tỷ đồng; ký uỷ thác với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho hàng ngàn hộ hội viên nông dân nghèo vay với số vốn dư nợ đến nay trên 56 tỷ đồng; xây dựng Qũy hỗ trợ nông dân 223 triệu đồng, cho hàng chục hội viên vay luân chuyển đầu tư các mô hình sản xuất để nhân rộng; tìm các biện pháp giúp đỡ, tư vấn hội viên xây dựng các dự án, tìm các nguồn vốn vay hỗ trợ đầu tư cho các mô hình; triển khai các lớp dạy nghề, tập huấn KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản đến tận hộ nông dân...
Trong những năm qua, trên địa bàn huyện, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, các mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại được hình thành và phát triển mạnh. Từ chỗ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẽ, chủ yếu phục vụ cho thị trường trong huyện thì những năm gần đây nông dân Cam Lộ đã đi vào sản xuất hàng hóa với nhiều chủng loại, tăng về số lượng cũng như chất lượng đang được thị trường chấp nhận với nhiều bạn hàng trong tỉnh, trong nước và người nước ngoài biết đến. Cây hồ tiêu phát triển mạnh ở Cam Chính, Cam Nghĩa tạo nên thương hiệu "Tiêu Cùa" nổi tiếng mang lại thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng cho nhiều hộ nông dân. Mô hình trang trại trồng cao su với biệt danh là "Vàng trắng" đang làm đổi đời cho hàng ngàn hộ nông dân. Những vùng sản xuất cao su tập trung chuyên canh đã được hình thành, thay thế dần những cây trồng kém hiệu quả. Nhiều hộ đã trồng trên 3 ha, nguồn lợi mang về mỗi năm hàng trăm triệu đồng làm cho đời sống gia đình ngày càng khá giả. Nhiều mô hình nuôi lợn trang trại từ 1000 đến 1500 con theo phương thức liên kết 4 nhà, đầu vào đầu ra ổn định đang được hình thành và phát triển ở xã Cam Thanh, Cam Thành, Thị Trấn Cam Lộ. Mô hình trồng chè vằng nấu cao của Hội Nông dân Xã Cam Nghĩa với sản phẩm mang thương hiệu "Chè Vằng Cam Nghĩa" đang được người tiêu dùng nhiều nơi trong nước biết đến. Mô hình trồng dâu nấu rượu ở Chi hội Nông dân thôn Tân Phú xã Cam Thành với thương hiệu đăng ký "Rượu Dâu Tân Phú" hàng năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn lít rượu dâu có chất lượng. Mô hình liên kết trồng nấm linh chi, nấm mộc nhĩ với hơn 120 hộ ở 8 xã, thị trấn, hàng năm xuất bán hàng trăm tấn nấm cho thị trường trong và nước ngoài. Mô hình trồng lạc phủ nilon đã được nông dân áp dụng trên diện rộng đem lại năng suất cao từ 28 đến 30tạ/ha. Mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung đã được nhiều nơi đến đặt hàng. Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất rau sạch, nuôi lợn siêu nạc, nuôi cá, xử lý môi trường đã được nông dân ứng dụng rộng rải. Mô hình trồng cỏ nuôi bò "nhốt", nuôi nhím, nuôi thỏ, nuôi ba ba…đã giải quyết cho hàng trăm lao động có việc làm và tăng thêm nguồn thu nhập. Việc ứng dụng chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, cây lạc, cây hồ tiêu đã mang về cho người nông dân những nguồn lợi không nhỏ…
Tổng kết 5 năm phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" trên địa bàn huyện Cam Lộ có nhiều tín hiệu đáng mừng. Nếu như năm 2008 toàn huyện có 725 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp thì đến cuối năm 2013 là 1628 hộ, tăng 903 hộ. Ngược lại tỷ lệ hộ nghèo từ 21,7% năm 2007 xuống còn 8,4 % cuối năm 2013. Hoạt động của Hội trong vận động nông dân chuyển đổi sản xuất, đa dạng cây trồng, vật nuôi đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của huyện nhà./.
Bài và ảnh: Lê Văn Tuấn