Vụ Đông Xuân 2016-2017, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo xây dựng mô hình đầu tiên sản xuất lúa chất lượng cao HC 95 đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại HTX Nông nghiệp Phú Lễ, thành phố Đông Hà. Thực tế cho thấy, mô hình đã mang lại hiệu ích về nhiều mặt, không chỉ tạo thói quen cho nông dân áp dụng các biện pháp canh tác lúa theo hướng an toàn mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đặc biệt tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Cánh đồng lúa chất lượng cao ở HTX Phú Lễ
Đưa chúng tôi ra thăm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao HC 95 đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Hà Thanh Chung, Giám đốc HTX Phú Lễ, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà cho hay: Sau khi được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chọn làm điểm đầu tiên xây dựng mô hình này, HTX đã phối hợp với các ngành chức năng khảo sát thực tế và chọn cánh đồng có diện tích 5 ha đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành của Nhà nước về các mối nguy cơ gây ô nhiễm hóa học, sinh học, vật lý để thực hiện. Trên cơ sở đó cùng với Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật của tỉnh mở các lớp tập huấn cho 32 hộ tham gia về kỹ thuật làm đất, ngâm, ủ, xử lý hạt giống, gieo sạ hàng, chăm sóc, tỉa dặm, bón thúc, quản lý nước và hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trong các khâu, đặc biệt sử dụng giống đạt tiêu chuẩn, hạn chế dùng phân bón hóa học, tăng cường các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, đặc biệt áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn ruộng đại trà gần 5tạ/ha. Điều đáng nói hơn là chi phí đầu tư thấp hơn và lợi nhuận kinh tế mang lại cao hơn ruộng đại trà khoảng 4,5 triệu đồng/ha, đặc biệt nhờ áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình sản xuất an toàn đã tạo ra sản phẩm gạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bán được giá, nên nông dân rất phấn khởi.
Hiện nay, với mức sống ngày càng cao của người tiêu dùng thì nhu cầu về chất lượng lúa gạo cũng tăng lên, không chỉ đáp ứng về mặt dinh dưỡng mà còn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thấy rõ điều này, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Trị đã chỉ đạo đầu tư, đẩy mạnh sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao, đặc biệt là gạo bản địa HC 95, tuy nhiên chưa tạo ra được những vùng sản xuất theo hướng an toàn và có thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Chính vì vậy, việc xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao HC 95, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở HTX Đông Lễ, thành phố Đông Hà là hướng đi đúng, tạo ra sản phẩm an toàn. Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết: Đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sản xuất lúa đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dần hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thủ công sang hướng sản xuất tập trung. Đồng thời sẽ liên kết đồng bộ các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Do vậy, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này thông qua việc chuyển giao quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm trên các giống lúa chất lượng cao đến với người nông dân, đặc biệt ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Quảng Trị. Thực tế cho thấy, để có được những vùng lúa chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trước hết phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về an toàn thực phẩm, tạo thói quen áp dụng các phương thức canh tác theo hướng an toàn. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng và chuyển giao cho các HTX và bà con nông dân về quy trình sản xuất, phương thức canh tác, chăm sóc, sử dụng giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cho sản phẩm không có dư lượng vượt mức cho phép về thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và các sinh vật có hại cũng như không nhiễm các tác nhân vật lý và cơ giới, hạt gạo có hình thức, mẫu mã đẹp và hương vị ngon lành. Mặt khác, các ngành chức năng cần hỗ trợ, giúp đỡ các HTX và bà con nông dân trong việc liên kết, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Bài và ảnh: Bá Thuần