Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của ngư dân vùng biển, đề tìm giải pháp ổn định đời sống và sản xuất cho bà con, các cấp chính quyền đã cùng vào cuộc. Hội Nông dân thị trấn Cửa Việt đã vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi nghề, tìm nghề mới phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Mô hình nuôi cá Vược lồng của hộ anh Nguyễn Văn Hoan
Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh nằm bên cửa biển, dọc theo bờ sông Thạch Hãn và sông Hiếu. Với lợi thế của địa phương, Hội Nông dân đã vận động thành lập Tổ hợp tác nuôi cá Vược lồng với 11 hộ tham gia, mỗi lồng cá từ 50 - 60m2, chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng/lồng với mật độ thả cá 6.000 con/lồng. Cá Vược là loài cá rộng muối, có tập tính di cư xuôi dòng, thường sống ở vùng ven bờ, cửa sông, sinh trưởng và phát triển ở điều kiện nhiệt độ 15 - 280C, độ mặn 0 – 35%0, độ sâu 5 - 20m, thức ăn ưa thích là cá tạp, tôm tép, cua còng... Sinh trưởng nhanh, từ cỡ cá giống thả 4 - 5 cm có thể đạt trọng lượng 1,5 - 3kg. Tính ra, từ khi thả giống đến khi thành phẩm xuất bán chỉ 8 - 10 tháng. Thời điểm hiện tại, cá Vược bán ra thị trường có giá thành khoảng 100.000 đồng/kg, vào mùa cao điểm lên tới 180.000 đồng/kg, ước tính mỗi lồng thu lãi trên 100 triệu đồng/lứa nuôi.
Từ một doanh nghiệp thu mua chế biến sứa, hộ nông dân sản xuất giỏi Nguyễn Thị Thiếc đã tận dụng khu nhà xưởng xây dựng mô hình trồng nấm rơm, nấm sò với quy mô 5.000 bịch, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Mô hình trồng nấm sò của gia đình bà Nguyễn Thị Thiếc
Ông Phan Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cửa Việt tâm sự: Người dân thị trấn đã bao đời nay bám biển, làm nghề biển, cho nên vận động hội viên nông dân chuyển đổi nghề cũng rất khó khăn, ban đầu chỉ mới xây dựng một vài mô hình chuyển đổi, sau này khi thấy được hiệu quả kinh tế Hội tiếp tục vận động hội viên nhân rộng.
Để việc chuyển đổi sinh kế cho hội viên nông dân mang lại hiệu quả bền vững, các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, giúp ngư dân vùng biển yên tâm phát triển sản xuất./.
Bài và ảnh: Duy Hữu