Xác định vai trò quan trọng của khoa học kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Vì vậy, những năm qua Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với các ban ngành chức năng đẩy mạnh việc chuyển giao KHKT cho hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: Tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao KHKT, hội thảo đầu bờ về thực hiện các chương trình dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bình quân hàng năm các cấp Hội đã tổ chức khoảng 25 lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 1.500 lượt hội viên, nông dân. Đồng thời xây dựng, hướng dẫn thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Hội viên nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi cá chình lồng tại xã Phong Bình, huyện Gio Linh
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp, tổ chức thực hiện các dự án và đề tài khoa học với mong muốn giúp cho hội viên nông dân tiếp cận và ứng dụng KHKT vào sản xuất theo hướng bền vững và nhân rộng cho hội viên học tập làm theo như: Năm 2015 - 2016, Hội Nông dân tỉnh xây dựng và triển khai đề tài khoa học: “Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi Gà ri lai vàng rơm an toàn sinh học tại Quảng Trị” từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ thực hiện 02 hộ chăn nuôi ở huyện Vĩnh Linh. Mô hình đã được nhân rộng ở một số địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2016-2017, xây dựng và chuyển giao mô hình bếp đun cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị, nhằm đảm bảo môi trường, tiết kiệm nguyên liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019 - 2020, xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi cá chình lồng tại xã Phong Bình, huyện Gio Linh.
Qua đó đã đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng KHKT cụ thể vào sản xuất, thống nhất phương án sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu chi phí dịch vụ đầu vào; mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng hàng hóa, giúp nông dân tiếp cận với thị trường dễ dàng hơn. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN đã chọn lựa và chuyển giao được sự hưởng ứng tích cực từ phía các hộ nông, ngư dân cũng như cộng đồng. Điển hình như mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất thanh long ruột đỏ tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh với quy mô 2,5 ha cho 13 hộ hội viên tham gia, đến nay cây đã cho thu hoạch, nang cao thu nhập cho người dân được Sở Nông nghiệp & PTNT chọn để xây dựng vườn nhân giống cho địa phương; mô hình trồng sắn dây theo hướng hữu cơ tại xã Cam Chính (Cam Lộ) quy mô 3ha; mô hình lúa hữu cơ tại xã Gio Mỹ (Gio Linh) quy mô 13 ha; mô hình nuôi tôm hai giai đoạn tại Triệu Lăng, Triệu Vân (Triệu phong)... Thành công của các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đang từng bước giúp thay đổi tư duy của người nông dân, dần hướng sang phương thức canh tác nông nghiệp sạch, bền vững và theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi đời sống nông dân và diện mạo nông thôn.
Từ những sáng kiến, sáng tạo, và những mô hình đã triển khai có hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã hướng dẫn hội viên áp dụng xây dựng hơn 345 mô hình kinh tế tập thể với hơn 707 hộ tham gia, trong đó: 156 mô hình trồng trọt, 119 mô hình chăn nuôi, 43 mô hình kinh doanh dịch vụ và 27 mô hình thủy sản. Bên cạnh đó Hội Nông dân các cấp tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, Hội xây dựng được 05 nhãn hiệu được bảo hộ: Chuối Hướng Hóa, Bún Cẩm Thạch (Thanh An) Cam Lộ, Xà lách Xoong Gio An, Bún Thượng Trạch (Triệu Sơn)... Việc tham gia các chuỗi liên kết đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế cho nông sản tại địa phương.
Từ việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất đã xuất hiện nhiều Nhà khoa học của Nhà nông được Trung ương Hội Nông dân tôn vinh hàng năm: Năm 2018, ông Văn Đức Quynh thôn Long Hưng xã Hải Phú (Hải Lăng) với các sáng chế máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; năm 2019 ông Phạm Xuân Đỉnh phường Đông Lễ, TP Đông Hà với sáng kiến: Lên líp, bón phân và mật độ thích hợp trồng rừng, keo lưỡi liềm trên cát nội đồng vùng Bắc Trung Bộ; năm 2020 ông Đào Ngọc Hoàng phường Đông Lương, TP Đông Hà với sáng kiến: Sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong xử lý thức ăn thô xanh dùng chăn nuôi bò nhằm tận dụng phế phụ phẩm ngành trồng trọt và góp phần chuyển đổi sinh kế cho người dân chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Có thể khẳng định rằng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng mô hình phát triển kinh tế liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, tăng thu nhập nâng cao đời sống của nông dân. Từ đó, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất, góp phần xây dựng
nông thôn hiện đại, văn minh.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp cận và ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả và bền vững có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao hơn ./.
Lê Văn Mẫn