Nông dân ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường

Thứ tư - 24/12/2014 21:04 101 0
Sau 10 năm hướng dẫn, hỗ trợ hội viên ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường, Hội Nông dân tỉnh đã góp phần chuyển đổi nhận thức, phương thức làm nông của nông dân, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư thâm canh tăng năng suất, áp dụng kỹ thuật mới tạo bước đột phá trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn ông NGUYỄN NGỌC LƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về vấn đề trên.

Sau 10 năm hướng dẫn, hỗ trợ hội viên ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường, Hội Nông dân tỉnh đã góp phần chuyển đổi nhận thức, phương thức làm nông của nông dân, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư thâm canh tăng năng suất, áp dụng kỹ thuật mới tạo bước đột phá trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn ông NGUYỄN NGỌC LƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về vấn đề trên.


- Thưa ông! Thông qua các mô hình trình diễn 10 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường cho nông dân rất hiệu quả. Đề nghị ông cho biết rõ hơn những kết quả đạt được?

- Sau khi Nghị quyết 179-NQ/HND, ngày 23/8/2004 của Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh về ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, chúng tôi xây dựng từng loại mô hình trình diễn phù hợp để nông dân học tập và làm theo.

Trên lĩnh vực trồng trọt, ngoài hướng dẫn nông dân khảo nghiệm các giống cây trồng chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, chúng tôi còn cung ứng các nguồn phân vi lượng như: Luvina XXI; Bồ đề 688 đồng thời hướng dẫn các công thức kết hợp các loại phân hữu cơ và sử dụng chế phẩm E.M ủ phân hữu cơ vi sinh để sản xuất rau, lạc, lúa, nấm, cao su, hồ tiêu… Điển hình đối với cây lúa, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ cung ứng 680 kg phân vi lượng Luvina XXI để làm điểm thâm canh lúa tại các xã Hải Xuân (Hải Lăng); Triệu Hòa, Triệu Thượng (Triệu Phong); Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh); Gio Quang, Gio Mỹ (Gio Linh); Cam Thanh, Cam An, Cam Hiếu (Cam Lộ)… Bên cạnh những mô hình trồng lúa, hội đã xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi giống cây trồng như: ngô lai bioseed, sắn KM94, KM 140, giống keo lai bằng phương pháp giâm hom, các giống hoa nuôi cây mô tế bào…, đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm E.M ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác thải và phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng ở các huyện Hướng Hóa, Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh xây dựng các mô hình điểm như: sử dụng 20 tấn phân vi sinh tự ủ để chăm bón 20 ha lạc cao sản ở xã miền núi Ba Tầng (Hướng Hóa) và 15 ha mô hình trồng lạc phủ nilon ở xã Cam Tuyền (Cam Lộ); Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh phối hợp với Công ty Cổ phần thương mại Tuấn Thành chuyển giao 3.000 lít chế phẩm sinh học E.M để nông dân trồng và chăm sóc 150 ha cao su, hồ tiêu… Kết quả các sản phẩm cây trồng sử dụng phân hữu cơ sinh học tăng 15% năng suất so với cách bón phân hóa học truyền thống. Để cải thiện chất lượng cây trồng, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học tăng cường việc dùng phân hữu cơ sinh học kết hợp chế phẩm E.M, Hội đã xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn tại các xã Triệu Đông, Triệu Trung (Triệu Phong), Gio Phong (Gio Linh); các phường Đông Giang, Đông Thanh (thành phố Đông Hà).

Trong chăn nuôi, ngoài thực hiện các chương trình nạc hóa đàn lợn, cải tạo đàn bò, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nông dân trên địa bàn tỉnh còn được hướng dẫn nhiều biện pháp xử lý môi trường chăn nuôi như: xây dựng hầm khí sinh học biogas trong chăn nuôi lợn; xử lý chất thải chăn nuôi trâu, bò bằng chế phẩm E.M; ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, lợn; sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong quy trình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và sản xuất tôm giống. Sau khi xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, cá theo quy trình công nghệ sinh học ở khu vực hồ Hoàng Hôn, phường 4 (thành phố Đông Hà), 12 hộ gia đình ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa) đã tham quan, học tập và đầu tư xây dựng chuồng trại, ao nuôi với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ nuôi trên 50 con/lứa, thả hàng vạn cá trê lai, chép lai, rô đơn tính và sử dụng 1.000 lít chế phẩm E.M/năm. Hội Nông dân các huyện Cam Lộ, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân xây dựng 342 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi gà, lợn. Trong nuôi trồng thủy sản, hội viên nông dân các xã Triệu Phước, Triệu Độ (Triệu Phong), Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh), phường Đông Giang (thành phố Đông Hà) áp dụng công nghệ sinh học vào quy trình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không còn dư lượng thuốc kháng sinh trong tôm thành phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu nuôi tôm an toàn sinh học, đưa lại hiệu quả kinh tế cao.



Gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản sử dụng công nghệ sinh học của nông dân

Qua 10 năm ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp các đơn vị, địa phương trong tỉnh cung ứng cho nông dân 65.900 lít chế phẩm E.M; 2 tấn phân Luvina XXI; 3.000 lít phân Bồ đề 688; 180 tấn phân hữu cơ vi sinh… Việc ứng dụng công nghệ sinh học ngày càng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng nền tảng để phát triển ngành nông nghiệp Quảng Trị theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới. Tuy vậy, việc đưa công nghệ sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường đến với nông dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ sinh học còn bất cập, đội ngũ khoa học kỹ thuật thiếu, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn hẹp nên các mô hình điểm có hiệu quả chưa được đánh giá, khẳng định nhân rộng kịp thời. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như việc bố trí kinh phí nhằm khuyến khích thúc đẩy việc phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

- Ứng dụng và phát huy những thành tựu của công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp và bảo vệ môi trường ở nông thôn là nhu cầu thiết yếu để hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Vậy thời gian tới Hội Nông dân có giải pháp gì để tiếp tục phát triển chương trình này, thưa ông?

- Trên cơ sơ quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh, thời gian tới Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh vận động nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm ứng dụng công nghệ sinh học hiệu quả. Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo hội cơ sở xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế hàng hóa gắn với củng cố xây dựng quan hệ sản xuất mới, hướng dẫn hội viên áp dụng quy trình công nghệ mới để sản xuất hàng hóa đồng thời tổ chức tập huấn cho hội viên nông dân ngay sau khi giải ngân nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân theo phương châm “vận động đi đôi với hỗ trợ”.

Để đảm bảo cung ứng cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề an toàn ngay từ khâu sản xuất phải được đặt ra và phối hợp giải quyết đồng bộ ở từng địa phương. Vì vậy các cấp hội cần phối hợp với các ngành chức năng địa phương phát triển mạng lưới vệ tinh là các hợp tác xã, tổ hợp tác với nông hộ trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp để sản xuất; xây dựng liên kết vùng trong sản xuất cây, con để phát triển công nghệ sinh học phù hợp những giống cây con thích ứng với nhu cầu thị trường. Ở các vùng nông thôn, ngoài việc vận động, hướng dẫn nông dân dùng chế phẩm sinh học để xử lý rác thải, môi trường chăn nuôi cần hướng nông dân sử dụng các loại thực vật thủy sinh như các loại bèo, rong… vào sản xuất để hấp thu chất bẩn, giảm ô nhiễm môi trường nước.

-Xin cảm ơn ông!

Lâm Thanh (baoquangtri.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay12,734
  • Tháng hiện tại149,695
  • Tổng lượt truy cập2,579,969
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây