Đến thời điểm hiện nay, theo khảo sát nguồn nước ở các hồ lớn như Triệu Thượng 1, 2, hồ Ái Tử và hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn đảm bảo nước tưới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân Triệu Phong. Tuy nhiên, theo dự báo của các cơ quan khí tượng thuỷ văn Trung ương và địa phương, hiện tượng El Nino xuất hiện sớm trong năm 2015 nên lượng mưa năm nay ở Quảng Trị sẽ thiếu hụt so với nhiều năm từ 25 - 35%.
Nông dân xã Triệu Long nạo vét kênh mương nội đồng để chống hạn |
Trước nguy cơ hạn hán kéo dài tác động xấu đến tình hình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, ngay đầu năm 2015, UBND huyện Triệu Phong đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương trong huyện chủ động phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đảm bảo nguồn nước tưới và an ninh lương thực cho người dân.
Theo đó, các địa phương, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nhất là các địa phương thường xảy ra tình trạng khô hạn, nằm cuối kênh tưới của hệ thống Nam Thạch Hãn như Triệu Độ, Triệu Đại, Triệu Phước, Triệu Giang, Triệu Thượng... chủ động điều tiết nước tưới cho cây trồng, tập trung cho diện tích trồng lúa theo đúng quy trình. Các xã vùng gò đồi chủ động bố trí, chuyển đổi cây trồng cạn ở những vùng đất cao, khó tưới. Sau khi hoàn thành việc thu hoạch lúa vụ đông xuân, nông dân tiếp tục đắp đập, be bờ giữ nước; duy tu bảo dưỡng hệ thống trạm bơm điện, bơm dầu và hệ thống kênh mương nội đồng.
Đối với Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn, ngay từ đầu vụ đã tổ chức hội nghị khách hàng để thông tin công tác phòng, chống hạn vụ đông xuân 2014- 2015. Xí nghiệp đã thống nhất với các HTX tưới tiết kiệm, chống hao hụt, hạn chế nước về các kênh tiêu, tập trung be bờ, khơi thông dòng chảy, kịp thời bơm khi có hạn. Các địa phương chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp, thích ứng với chịu hạn cao, ít tốn nguồn nước tưới. Huyện đang thực hiện kế hoạch chuyển một diện tích khá lớn đất lúa sang cây trồng trên cạn, trong đó khuyến khích mở rộng sản xuất sang trồng cây ngô, đậu xanh trên đất màu trong vụ đông xuân là100 ha; diện tích chuyển đổi trong vụ hè thu là 500 ha và tiếp tục khuyến khích mở rộng sản xuất đậu xanh trên đất màu trong vụ hè thu là 500 ha.
Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phòng, chống hạn năm 2015 huyện Triệu Phong và tỉnh sẽ tính toán trích khoảng 1,2 tỷ đồng, chiếm 70% kinh phí để hỗ trợ giống cho người dân. Bên cạnh công tác chuyển đổi giống cây trồng, huyện đã chuẩn bị sẵn 44 trạm bơm điện với công suất 22 KW, hàng chục trạm bơm dầu và hàng trăm máy bơm điện gia đình, nhằm tăng cường bơm nước từ hệ thống kênh, hồ tưới cho lúa khi hạn hán xảy ra. Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn cũng đã lên phương án cụ thể trong việc điều tiết nước và sẵn sàng chống hạn khi xảy ra. Các hồ chứa trên địa bàn huyện có kế hoạch điều tiết tiết kiệm nước ngay từ đầu năm 2015 để dự trữ nước cho vụ hè thu.
Để công tác chống hạn cho sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất, huyện Triệu Phong đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông Nghiệp & PTNT, Chi cục Thuỷ lợi & PCLB tỉnh xem xét giải quyết hỗ trợ tiền điện, nạo vét các trục tiêu, ao hồ và chính sách nhằm hỗ trợ giá giống ngô, đậu xanh để động viên nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa khô hạn.
Bên cạnh đó, UBND huyện yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về hạn hán để người dân chủ động nắm bắt lịch thời vụ và phương án chống hạn trong sản xuất. Các thôn, HTX phối hợp với ngành thủy nông trong vùng khẩn trương rà soát lại diện tích các vùng sản xuất lúa có nguy cơ thiếu nước, đồng thời chủ động huy động mọi nguồn lực hỗ trợ quá trình chuyển đổi cây trồng. Quy hoạch vùng sản xuất chuyển đổi cây trồng ngay từ đầu năm để chủ động việc bố trí giống cây trồng, kinh phí hỗ trợ sản xuất; đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nói chung và các cây trồng chuyển đổi nói riêng giúp nông dân sản xuất có hiệu quả…
baoquangtri.vn