“Dân ta xin nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”
Tư tưởng biện chứng này có mối quan hệ đến việc xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, tập hợp và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Trong khi mâu thuẫn dân tộc nổi lên gay gắt, vấn đề giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, thì phương pháp luận mà Hồ Chí Minh luôn quán xuyến là phát huy những yếu tố tương đồng, khai thác cái giống nhau để loại bỏ cái khác nhau, tìm ra điểm chung của toàn dân tộc thay vì sự loại trừ lẫn nhau giữa các nhân tố cấu thành cộng đồng dân tộc. ở đây, vấn đề kết hợp các mặt đối lập của phép biện chứng được Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo trong đường lối cũng như trong phương pháp, trong chiến lược cũng như trong sách lược cách mạng. Lênin chỉ rõ: “Khái niệm “kết hợp” có nghĩa là có sự khác nhau mà chúng ta cần phải kết hợp với nhau. Khái niệm “kết hợp” có nghĩa là phải biết vận dụng các biện pháp của chính quyền nhà nước để bảo vệ những lợi ích vật chất và tinh thần của giai cấp vô sản đã hoàn toàn hợp lại để cho nó khỏi bị chính quyền nhà nước đó xâm phạm”.(1)
ở đây vấn đề kết hợp các mặt đối lập được đề lên thành một nguyên tắc lý luận về sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, đồng thời khi vận dụng vào thực tế, lại giúp ta nhận rõ một sự kết hợp như vậy trong chiến lược cũng như trong sách lược, trong chính trị cũng như trong kinh tế. Chính trên ý nghĩa ấy mà Lênin đã chỉ rõ: “Dù sao chúng ta cũng đã học được ít nhiều chủ nghĩa Mác, đã học được rằng làm thế nào và khi nào có thể và cần phải kết hợp các mặt đối lập, và điều chủ yếu là trong thời gian ba năm rưỡi của cuộc cách mạng của chúng ta, chúng ta thực tế đã nhiều lần kết hợp các mặt đối lập”(2).
Hồ Chí Minh chính là nhà chính trị rất thành thạo trong việc làm thế nào và khi nào có thể và cần phải kết hợp các mặt đối lập. Khi mà thực dân Pháp rồi đến phát xít Nhật xâm chiếm nước ta, mâu thuẫn dân tộc bao trùm lên xã hội Việt Nam; khi mà quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, Hồ Chí Minh kêu gọi “phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”(3). Đáng lẽ phải nêu cao chữ “đồng” đối với các giai cấp, các tầng lớp, các tôn giáo thì Quốc tế cộng sản lại đề cao khẩu hiệu “Giai cấp chống giai cấp”, đặt mục tiêu đấu tranh lật đổ giai cấp phong kiến, tư bản, phú nông trong khi vấn đề giải phóng dân tộc nổi lên hàng đầu. Với bản lĩnh phi thường và trí tuệ sáng suốt, trong văn kiện thành lập Đảng tháng 2-1930, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đảng lôi kéo tiểu tư sản, tri thức và trung nông về phái giai cấp vô sản, Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư bản bậc trung”(4). Rõ ràng, Hồ Chí Minh luôn đặt trung tâm sự chú ý của mình vào việc phát hiện ra sự đồng nhất, sự nhất trí, sự tương đồng giữa các tầng lớp, các giai cấp xã hội nhằm làm cho họ ngày càng xích lại gần nhau để đấu tranh vì quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy. Lúc này sự tương đồng lớn nhất của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam là giải phóng dân tộc. Chính sự tương đồng lớn nhất đó là cơ sở khách quan để các giai cấp, các tầng lớp khác nhau cố kết, quy tụ lại thành khối đại đoàn kết dân tộc. Biết phát huy sự tương đồng, tạo ra sự kết hợp các mặt đối lập là phép biện chứng cách mạng, là bản lĩnh chính trị đặc biệt, là nghệ thuật ứng xử tuyệt vời của Hồ Chí Minh trong mỗi bước ngoặt lịch sử.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong lúc thù trong giặc ngoài đang rình rập thôn tính nước ta, đất nước đang ở trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh và Đảng ta phải chèo chống con thuyền cách mạng lướt qua sóng to gió lớn, Người đã thực hiện một loạt kết hợp các mặt đối lập, để đưa con thuyền đến bến bờ vinh quang. Chiến lược sáng suốt lúc này là làm sao củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng đang còn trong “trứng nước”. Tư duy chiến lược của Hồ Chí Minh là quy tụ cho được lực lượng toàn dân “không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp – Nhật xâm chiếm nước ta. Sự liên minh tất cả lực lượng của các giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo các dân tộc kháng Nhật, đó là công việc cốt yếu của Đảng ta”(5). Nhiều nhân vật nổi tiếng được Hồ Chí Minh sáng lập đã thu hút một số nhà tư sản lớn, một số chức sắc cao trong tôn giáo như Linh mục Phạm Bá Trực, Thượng tọa Thích Mật Thế, và đại biểu quan lại cao cấp của chế độ cũ như Bảo Đại, Bùi Bằng Đoàn, v.v…
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều tổ chức và đảng phái chính trị phản động chống phá cách mạng quyết liệt. Nổi bật nhất là các đảng Việt Quốc, Việt Cách dựa thế của Tưởng Giới Thạch chống Việt Minh, chống Đảng Cộng sản, hòng lật đổ Chính phủ cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Cùng một lúc Anh, Mỹ, Pháp, Tưởng lăm le, rình rập muốn nuốt chửng nước Cộng hòa non trẻ. Hồ Chí Minh áp dụng sách lược thỏa hiệp và nhân nhượng với Tưởng để loại trừ một trong số kẻ địch nguy hiểm nhất. Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập ngày 1-1-1946, và cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã lập nên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội Khóa I đã dành cho Việt Quốc, Việt Cách 70 ghế đại biểu không qua bầu cử. Ngày 2-3-1946, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Quốc hội đã chấp nhận thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, trong đó, Nguyễn Hải Thần (Việt Cách) giữ chức Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế - Cứu tế và Lao động; đảm nhiệm cố vấn tối cao là Vĩnh Thụy (Bảo Đại), Vũ Hồng Khanh (Việt Quốc) giữ chức Phó Chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội. Nhìn lại cơ cấu Hội đồng Chính phủ lâm thời, những chức vụ quan trọng đều do hai đảng Việt Quốc và Việt Cách nắm giữ. Điều đó cho thấy sách lược thỏa hiệp của Hồ Chí Minh thật là cao tay, thật là sáng suốt, ít nhất tạm thời cũng giữ được hòa khí, làm dịu đi âm mưu phá phách, chống đối của bọn chân tay Tưởng Giới Thạch.
Đối với bọn thực dân Pháp, kẻ thù cụ thể trước mắt, Hồ Chí Minh cũng vận dụng phép biện chứng kết hợp các mặt đối lập. Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 là một trường hợp điển hình về sự kết hợp đó. Trong tình hình mà ta và Pháp tìm thấy điểm chung là cần hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng, lùi một bước để rồi lại tiến công mạnh hơn, do đó hai bên có nhu cầu phải ký Hiệp định 6-3-1946. ở đây, Hồ Chí Minh phân biệt rõ trong những trường hợp nào cần phải kết hợp các mặt đối lập, và trong trường hợp nào không thể kết hợp được. Đối với Người, điều đó tùy thuộc ở điều kiện khách quan, chứ không tùy thuộc ở nguyện vọng chủ quan muốn hay không muốn kết hợp. Và ngay trong những trường hợp không thể tránh được sự kết hợp các mặt đối lập, thì về phương diện chỉ đạo chiến lược và sách lược, Hồ Chí Minh phân tích tỉ mỉ hoàn cảnh đặc thù cũng như những điều kiện cụ thể của mỗi một sự kết hợp, hay của từng loại kết hợp đối với kẻ thù dân tộc và ý thức một cách đầy đủ rằng đó chỉ là một sự kết hợp tạm thời, để rồi chọn một lối đi khác, và bằng con đường có thể là quanh co, ngoắt ngoéo, đưa cách mạng chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, hoàn thành mục tiêu chiến lược cơ bản.
Về việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 cũng đã xảy ra những tranh cãi gay gắt. Đã có ý kiến của bọn Việt Cách, Việt Quốc cho rằng Hồ Chí Minh là “kẻ bán nước”. Người đã phải thanh minh: “Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”(6). Để thuyết phục Quốc hội và Hội đồng Chính phủ lâm thời, Người đưa ra nhận định có ý nghĩa phương pháp luận: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ, phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(7).
Và bằng lời lẽ khẩn thiết, chân tình tự đáy lòng, Người nói: “Trong giờ phút nghiêm trọng một mất một còn, quốc gia dân tộc phải đứng trên hết mọi sự. Nếu quyền lợi dân tộc không còn, quyền lợi và sự nghiệp của cá nhân liệu có giữ được an toàn không?” Người còn tiếp tục: “Trước nguy cơ dân tộc, là dân tộc mất nước, phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến tính mạng cũng không tiếc. Hơn nữa, còn phải làm thế nào cho tất cả các tầng lớp nhân dân đều chung đúc tâm trí và lợi ích của dân tộc mà phấn đấu”(8). Những lời thuyết phục đầy tâm huyết của Người đã thuyết phục được Quốc hội và Hội đồng Chính phủ chấp nhận việc Người đã ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và đã nhận được sự nhất trí cao. Nghiêm Kế Tố - người thuộc Đảng Việt Quốc, một trong số 70 đại biểu Quốc hội không qua bầu cử - đã nhận xét: “Mọi phản ứng, mọi bất mãn của các lực lượng đối lập đều bị dẹp sau khi Hồ Chí Minh đã thực hiện các chủ trương sách lược nhân nhượng, hòa giải. Đang từ tư tưởng phản đối hoàn toàn, các đảng phái đối lập bỗng nhiên chịu nửa phần trách nhiệm về việc ký với người Pháp... chính trị khôn khéo của Việt Minh thật là vô bờ bến khiến cho đang phản đối chuyển sang đồng tình”(9).
Trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn phân biệt lúc nào thì không thể kết hợp các mặt đối lập, biết suy xét kịp thời, quyết đoán mau lẹ những vấn đề mà trong đó biểu hiện ra sự kết hợp không thể dung thứ được, sự kết hợp mà hiện thân của nó là chủ nghĩa cơ hội nguy hại. Nhưng, ngay trong những trường hợp không tránh được sự kết hợp các mặt đối lập, thì Hồ Chí Minh bao giờ cũng trung thành với lời dặn của Lênin rằng, phải biết xuyên qua mọi sự kết hợp ấy mà “giữ lấy thái độ trung thành với những nguyên tắc của mình, với giai cấp của mình, với nhiệm vụ cách mạng của mình, với sự nghiệp của mình là chuẩn bị cuộc cách mạng và giáo dục quần chúng để đi đến cách mạng thành công”(10). Phép biện chứng chỉ rõ kết hợp các mặt đối lập mà không xa rời nguyên tắc, vẫn giữ được bản lĩnh và thanh danh chính trị của mình, đó là một sự kết hợp đúng đắn, có nguyên tắc, một sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong chiến lược và sách lược, trong phương pháp và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng.
Không chỉ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội... Hồ Chí Minh chủ trương kết hợp các mặt đối lập, mà trong quan hệ xã hội giữa người và người, kể cả những kẻ lầm đường lạc lối, Người quan tâm đến chữ “đồng” tìm ra cái chung, cái đồng nhất để chân thành hợp tác, cố kết họ lại vì lợi ích đại cục. Đức độ và nhân cách cao cả của Người thể hiện qua dòng tư tưởng lớn sau đây: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”(11). Đây quyết không phải là một sách lược “khôn khéo” nói cho dễ nghe, mà chính là tư tưởng lớn ở tầm chiến lược của Hồ Chí Minh được thể hiện suốt cả quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cho đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt là đối với các tôn giáo, Người luôn tìm thấy sự đồng nhất, sự tương đồng giữa mục tiêu, lý tưởng của cách mạng Việt Nam với những niềm tin, khát vọng chính đáng của tôn giáo. Người không bao giờ để cho sự đối đầu giữa hai hệ tư tưởng ấy phát triển, ảnh hưởng đến đại cục, đến sự nghiệp chung. Nhận xét về lý thuyết của các tôn giáo, bao giờ Người cũng nhìn từ hai mặt trái và mặt phải của họ, không thiên lệch, cực đoan một mặt nào. Khi nói về Khổng Tử, Người viết: “Khổng Tử đã viết Kinh Xuân Thu để chỉ trích “những thần dân nổi loạn” và “những đứa con hư hỏng”, nhưng ông không viết gì để lên án những tội ác của “những người cha tai ác” và “những hoàng tử thiển cận”. Nói tóm lại, ông rõ ràng là người phát ngôn bênh vực những người bóc lột chống lại những người bị áp bức”(12). Nhưng tại sao học thuyết của Khổng Tử lại được lưu truyền ở các thời đại phong kiến cho đến ngày nay, Hồ Chí Minh cho rằng: "Những ông vua tôn sùng Khổng Tử không phải chỉ vì ông không phải là người cách mạng, mà còn là vì ông tiến hành một cuộc tuyên truyền mạnh mẽ có lợi cho họ. Họ khai thác Khổng Tử như bọn đế quốc đang khai thác Kitô giáo”(13).
Trong khi vạch rõ mặt trái của học thuyết Khổng Tử, Hồ Chí Minh lưu ý chúng ta về tính tương đồng giữa lý tưởng tôn giáo lớn, chân chính với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Tìm ra tính chung, tính đồng nhất của hai mặt đối lập ấy, Người thấy rằng cả hai đều nhằm mục tiêu giải phóng con người, đều muốn xóa bỏ tình trạng áp bức, bóc lột, bất công; mọi người được sống trong hòa bình, thịnh vượng của một thế giới đại đồng. Những luận điểm sau đây của Người đã được phát biểu từ lâu, cho thấy Người đã vận dụng thành thạo và uyển chuyển phép biện chứng vào việc kết hợp các mặt đối lập như thế nào. Người nói:
“Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân
Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả.
Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng.
Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.
Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết.
Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(14).
Dám đưa ra những luận điểm mà thời ấy người ta đang e dè, đố kỵ với các tôn giáo, thời mà quan điểm “giai cấp chống giai cấp” đang thịnh hành, thì rõ ràng bản lĩnh và trí tuệ Hồ Chí Minh thật đáng để cho người ta khâm phục. Khi đã nắm vững phép biện chứng, tìm ra điểm chung, sự đồng nhất thì việc kết hợp các mặt đối lập là một tất yếu khách quan, là chân lý chứ không phải là sai lầm. Tìm thấy sự tương đồng, nhận rõ tính đồng nhất giữa mục tiêu của cách mạng với mục tiêu của tôn giáo, Hồ Chí Minh bao giờ cũng đề cao chữ “đồng”, chứ không khoét sâu mặt đối lập. Đối với Chúa Giêsu, Người nói: “Cả đời người chỉ lo cứu thế độ dân, hy sinh cho tự do bình đẳng”(15); hoặc: “Từ ngày Ngài giáng sinh đã gần 2000 năm, nhưng tình thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tủa ra đã khắp, thấm vào đã sâu”(16). Đối với Thích Ca, Người nhấn mạnh: “Đức phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma”(17).
Tôn giáo và Tổ quốc, tôn giáo và độc lập dân tộc thống nhất với nhau. Đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc là nguyện vọng, thiết tha của mọi người dân, trong đó có tín đồ các tôn giáo. Chính trên ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã nói: “Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”. Người còn nói: đồng bào ta “lương cũng như giáo, đoàn kết kháng chiến, ủng hộ chính sách ruộng đất, tức là làm đúng lời dạy của Chúa Giêsu, tức là thật thà tôn kính Chúa Giêsu”. Cơ sở để đoàn kết lương - giáo, theo Người chính là đấu tranh cho mục tiêu độc lập dân tộc, đó là điểm đồng nhất giữa lương - giáo, cũng là tiền đề kết hợp các mặt đối lập. Để đánh tan sự chia rẽ dân tộc, chia rẽ lương - giáo của bọn thực dân, phong kiến, Người nhấn mạnh: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết”(18). Năm 1954, khi đất nước tạm chia làm hai miền, cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, Hồ Chí Minh nhận thấy khả năng kết hợp các mặt đối lập có nhiều tính tương đồng giữa mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam với lý tưởng của Chúa ngay trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Do vậy, trong thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh ngày 25-2-1956, Người viết: “Nhân dịp lễ Giáng sinh này, tôi mong các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương để... mau thống nhất nước nhà, cho Bắc Nam sum họp như lời cầu nguyện của Chúa Kirixitô “Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau””(19).
Với trí tuệ Minh triết, tài năng hiếm thấy, đức độ cao cả, nhân cách tuyệt vời, Hồ Chí Minh thật sự đã thu hút được sự mến mộ, tôn vinh của đồng bào các tôn giáo. Người đã được các tín đồ Phật giáo Việt Nam tôn vinh như một Bồ Tát sống. Thượng tọa Thích Thanh Từ và Ni sư Thích Nữ Như Ngọc đã viết: “Những tư tưởng, đạo đức, tác phong và việc làm của Bác Hồ hoàn toàn phù hợp với giáo lý của Đạo Phật, Bác Hồ không những là vị anh hùng giải phóng dân tộc, là nhà văn hóa lớn mà Bác Hồ còn là hiện thân của Đạo Phật và là một Bồ Tát hóa thân”(20).
Một giáo sư người Đức - Wifried Lulei của Trường đại học Humboldt - đã viết: “ở đây tôi thấy lý do chính là sự định hướng trọn đời của ông cho độc lập, dân chủ, hòa bình và thống nhất. Sự định hướng đó không bao giờ là sách lược tạm thời mà là sự biểu hiện của một tư tưởng nhân văn sâu sắc. Đó là lý do giải thích vì sao đối với ông là sự chung lưng đấu cật với mọi người từ đáy lòng yêu thiết tha quê hương mình, không giành riêng hay thiên vị sắc tộc, gạt sang bên những gì họ đã vấp phải trong quá khứ”(21).
Nhờ nắm được cái cốt, cái hồn của phép biện chứng, Hồ chí Minh đã phát hiện được điểm chung, tương đồng và do đó đã giải quyết thành công vấn đề kết hợp các mặt đối lập trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Khoa học và nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Người thể hiện ở khả năng và tài nghệ tập hợp quần chúng lại thành những tổ chức cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ, những tổ chức hoạt động tích cực, tự giác, với nhận thức rõ ràng về mục đích chiến đấu của mình, và được giáo dục theo tinh thần Không có gì quý hơn độc lập tự do.
GS. Trần Nhâm, theo văn hóa Nghệ An