Được Hội Nông dân tuyên truyền về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh Lê Văn Lâm là hội viên nông dân tổ 3, chi Hội Thâm Khê xã Hải Khê, huyện Hải Lăng đã gương mẫu đi đầu trong việc học tập và làm theo Bác.
Rạp mộc của gia đình anh Lê Văn Lâm, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng
Sinh ra và lớn lên ở miền biển bãi ngang Hải Khê nghèo khó, cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, anh Lâm phải nghỉ học sớm theo cha lênh đênh trên biển giăng câu, kéo lưới để kiếm sống qua ngày. Năm 18 tuổi theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ rồi trở về quê sinh sống. Chứng kiến cảnh bà con trong thôn muốn mua những vật dụng gia đình bằng đồ gỗ phải gánh bộ qua hàng chục cây số đường cát nóng bỏng, anh quyết định học nghề mộc với ý nghĩ giúp cho bà con mua sắm vật dụng, sửa sang nhà cửa và đóng sữa ghe thuyền đỡ vất vả hơn. hơn 20 năm về trước, khi đó để đưa được gỗ về rạp là vô cùng gian nan nhưng bằng sự quyết tâm của mình anh đã vượt qua tất cả. Ban đầu chỉ những việc làm nhỏ lẽ như cái bàn, chiếc sạp nhưng với anh chất lượng và giá cả phải chăng là tiêu chuẩn được đặt lên hàng đầu. Tiếng lành đồn xa nên bà con nông dân đến đặt hàng ngày càng nhiều, rạp mộc ngày càng được mở rộng. Thanh niên đến học nghề ngày càng đông, có lúc lên đến hàng chục người. Anh coi các cháu như người ruột thịt, dạy nghề không thu phí, cùng ăn, ở với gia đình. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", vì đã một thời nghèo khó nên anh thấu hiểu điều đó. Đến nay xưởng mộc của anh đã thu hút 8 đến 10 lao động, lúc cao điểm có đến 15-20 lao động, lương mỗi tháng 4 đến 6 triệu đồng. Hàng của anh đã tiến dần lên thị trấn, thị xã và lan rộng ra tỉnh bạn. Hàng năm trừ chi phí, thu nhập của gia đình từ 200 đến 250 triệu đồng.
Không chỉ là kinh tế giỏi, anh còn là hội viên tham gia tích cực các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, tận tình giúp đỡ những người nghèo khổ trong thôn như thăm, tặng quà mỗi suất từ 3 đến 5 trăm nghìn đồng cho bà Trần Thị Con, bà Lê Thị Em già yếu neo đơn, ông Trương Sung nằm viện dài ngày. v.v..Một số gia đình còn khó khăn mua gỗ làm nhà, mua giường, bàn ghế anh cho nợ khoảng 150 triệu đồng nhiều năm không lấy lãi. Chợ thôn Thâm Khê quê anh bước đầu hình thành còn nhiều khó khăn, anh đã đóng hàng chục sạp dọn hàng cho các hộ tiểu thương để bà con có them điều kiện buôn bán, nâng cao thu nhập. Ủng hộ gần 10 triệu đồng đổ đường đất đỏ, đào mương thoát nước, kéo điện về tận ngõ xóm, móc 15 bóng đèn chiếu sáng để thắp sáng đường quê, ủng hộ kinh phí tổ chức giải bóng chuyền nông dân, quỹ khuyến học.v.v. Những năm trước đây khó khăn, thiếu thông tin, anh đã mua một bộ âm thanh loa máy, treo cao tại nhà phóng to chương trình phát thanh của đài phát thanh trung ương, tỉnh, huyện cho bà con trong thôn nghe. Đặc biệt là những thông tin dự báo thời tiết, tin bão để bà con chủ động và yên tâm ra biển đánh bắt thủy sản hoặc tránh bão, giảm nhẹ thiên tai. Bà con trong thôn đặt cho anh cái tên Lâm “điện, đường, loa, chợ”.
Gần đây, vào ngày 17/9/2013 trên đường đi từ xã Hải An về nhà, vợ chồng anh có nhặt được chiếc ví, trong đó có 5,3 triệu đồng và một chỉ vàng. Vì không có giấy tờ kèm theo nên không biết chiếc ví của ai. Không chần chừ vợ chồng anh liền tìm hỏi nhiều người và đã trả lại chiếc ví cho chị Trương Thị Lợi ở thôn Trung An. Nhận đủ số tiền, vàng bị mất, chị Lợi rất mừng và gửi lại một số tiền cám ơn nhưng anh không nhận và ra về với tấm lòng thanh thản, phấn khởi. Với những việc làm của anh đã góp phần trong xây dựng quê hương, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người hội viên nông dân. Vừa qua anh được Hội Nông dân huyện chọn tham dự Hội nghị tổng kết 03 năm biểu dương về gương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Tỉnh ủy tổ chức, anh vinh dự được Tỉnh ủy tặng Bằng khen./.
Bài và ảnh: Nguyễn Trí Ngọc