An toàn thực phẩm đang là vấn đề quan trọng mà người tiêu dùng quan tâm. Nhiều năm qua trên địa bàn phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã triển khai mô hình tập trung trồng rau an toàn. Mặc dù mô hình sản xuất này có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng tìm kiếm đầu ra vững chắc, bảo vệ thương hiệu rau an toàn vẫn còn là một khó khăn lớn đối với những người nông dân.
Cánh đồng rau an toàn mẫu lớn ở Đông Thanh, Đông Hà
Tại chợ trung tâm thành phố Đông Hà, những sạp rau lớn chủ yếu bày bán các loại rau củ được nhập về từ Hà Nội, Đà Lạt. Những sạp hàng bán lẻ nhỏ hơn thì nguồn hàng lại càng khó xác định, có số được nhập lại từ các lái buôn, số khác từ các hộ trồng rau nhỏ lẻ trên địa bàn và một số ít được mua về từ làng trồng rau an toàn Đông Thanh. Với sự đa dạng về nguồn gốc, chủng loại này người tiêu dùng liệu có thể lựa chọn được sản phẩm rau củ thực sự an toàn?
Đa phần người tiêu dùng dựa vào nhận định chủ quan của mình để lựa chọn các sản phẩm rau củ tại chợ. Chị Trương Thị Minh ở phường 1, Đông Hà chia sẻ: “Tôi rất tự tin vào cách lựa chọn rau của mình. Giờ thực phẩm an toàn thực sự rất khó xác định cho nên tôi thường chọn những loại rau không cần quá non, có già có non thế là yên tâm nhất”.
Với sự đa dạng và phong phú các loại rau củ tại chợ, lựa chọn thế nào cho vệ sinh, an toàn thực sự là rất khó cho người tiêu dùng. Đôi khi, chỉ trông chờ vào sự trung thực của người bán, chứ chỉ dựa vào nhận định chủ quan của người tiêu dùng thì có khi “tiền mất tật mang”. Cách chợ trung tâm thành phố Đông Hà không xa, tại phường Đông Thanh từ nhiều năm nay, bà con nông dân trên những cánh đồng mẫu lớn đã sản xuất được hàng nghìn tấn rau an toàn. Song những người trồng rau sạch vẫn chấp nhận buôn thúng bán bưng tại chợ, để hàng sạch chung một gian với hàng không sạch, giá cả tương đương nhau.
Năm 2007, UBND thành phố Đông Hà quyết định quy hoạch 24 ha đất đủ tiêu chuẩn trồng rau an toàn thuộc phường Đông Thanh và phường 2 vào mô hình trồng rau an toàn VietGap. 24 ha đất được quy hoạch này mỗi năm sẽ cho sản xuất 6-8 vụ rau và có thể đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân. Quy trình trồng rau an toàn VietGap yêu cầu người trồng phải đầu tư công sức, kỹ thuật đầy đủ từ khâu làm đất, ươm giống, chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Thế nhưng, người nông dân trồng rau vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm rau quả thu hoạch được chỉ có chưa đến 30% được nhập vào hệ thống các siêu thị, trường học bán trú trên địa bàn thành phố.
Ông Hồ Tất Tăng, một hộ trồng rau an toàn ở khu phố 8, phường Đông Thanh cho biết: “Hàng năm, những hộ trồng rau trên địa bàn đều được học thêm rất nhiều kỹ thuật trồng rau an toàn từ các khóa tập huấn. Sản phẩm làm ra đều phải được kiểm tra chất lượng, nếu hộ nào làm không đủ tiêu chuẩn thì bị thu lại bằng chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn ngay. Thế nhưng, sản phẩm chúng tôi làm ra gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Bởi vì phụ thuộc vào các lái buôn. Có năm, trồng ra nhiều, không tiêu thụ hết, bà con lại phải nhổ bỏ đi”.
Đồng hành với người nông dân trồng rau từ những ngày đầu, ông Phạm Văn Tường, Giám đốc HTX Đông Thanh, Đông Hà trao đổi thêm: “Việc tiêu thụ sản phẩm của bà con gặp nhiều khó khăn, HTX thì không đủ khả năng để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm mà doanh nghiệp thì cũng chưa mặn mà lắm. Mặt khác, giá rau an toàn cũng không chênh lệch so với những sản phẩm rau khác trên thị trường. Người trồng rau sạch mong giá cả chí ít cũng phải xứng đáng với vật tư và công sức bỏ ra của họ. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì bà con cũng giảm dần sự gắn bó với rau an toàn”.
Mặc dù lãnh đạo thành phố Đông Hà đã có nhiều quyết sách kịp thời để hỗ trợ người dân về cơ sở hạ tầng, nhưng những cánh đồng rau xanh này liệu có thể duy trì được bao lâu khi mà vấn đề đầu ra còn lắm gian nan?. Ông Lê Chí Hồng, Phó Trưởng Phòng kinh tế thành phố Đông Hà nhận định: “Đầu ra cho rau an toàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong những năm tới chúng tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách, tạo dựng thương hiệu rau an toàn cho người nông dân, liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tạo nguồn tiêu thụ bền vững cho họ”.
Khi mà mối nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang xảy ra hàng ngày thì rau an toàn cần có thương hiệu để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng và cũng là cách tốt nhất để đảm bảo nguồn thu cho những người nông dân.
Baoquangtri.vn