Nuôi dê nhốt, thanh niên lãi 300 triệu đồng mỗi năm

Thứ năm - 17/02/2022 21:12 105 0
Ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, mô hình nuôi dê nhốt của anh Nguyễn Văn Chương là điểm sáng phát triển kinh tế. Nhờ nuôi con vật kêu be be này, mỗi năm thanh niên sinh năm 1996 lãi 300 triệu đồng, có tiền tậu ô tô.
Nuôi dê nhốt, thanh niên lãi 300 triệu đồng mỗi năm

Ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, mô hình nuôi dê nhốt của anh Nguyễn Văn Chương là điểm sáng phát triển kinh tế. Nhờ nuôi con vật kêu be be này, mỗi năm thanh niên sinh năm 1996 lãi 300 triệu đồng, có tiền tậu ô tô.




Ông Trần Văn Bến - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị (ngoài cùng bên phải) đánh giá cao anh Nguyễn Văn Chương, chủ trại dê ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đã dám nghĩ, dám làm, nuôi dê nhốt để làm giàu. Ảnh: Ngọc Vũ.

Khởi nghiệp nuôi dê nhốt

Những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, chúng tôi theo chân Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị Trần Văn Bến; bà Nguyễn Thị Hường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; anh Trần Vũ Minh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ và ông Nguyễn Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Chính thăm trại dê nhốt của thanh niên 1996 Nguyễn Văn Chương (trú thôn Mai Lộc 2, Cam Chính).

Đoàn chúng tôi đến một lúc thì anh Chương trở về trên chiếc ô tô bán tải màu đen. “Xe em mới mua nên chăm hơi kỹ, vừa đi thay nhớt về. Mời các anh vào thăm trại dê của em” – Chương vừa nói vừa nở nụ cười thân thiện.

Trại dê của anh Chương được xây dựng kiên cố, có mái che, thoáng, 2 dãy chuồng nuôi 200 con dê bố mẹ và dê thịt được bố trí 2 bên, giữa là lối đi.

Anh Chương chia sẻ, trước đây làm thợ đụng, ai thuê việc gì thì làm đó, thu nhập thấp.

Không cam phận nghèo, năm 2013, cùng với số tiền tích góp, anh Chương nhờ bố mẹ vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân về nuôi dê. Có tiền, anh Chương tự kiếm nguyên vật liệu làm chuồng trại, thả 9 con dê giống. Theo anh Chương, dê ăn tạp, sinh đẻ tốt, giá thịt lại cao. Sau 2 năm, anh Chương đã bán ra thị trường hơn 30 con dê, thu 60 triệu đồng. Thành công bước đầu cùng sự quan tâm của Hội Nông dân các cấp là động lực để anh Chương mở rộng quy mô.

Đến nay, anh Chương luôn nuôi thường xuyên 200 con dê sinh sản và dê thịt. Mỗi năm anh Chương bán ra thị trường khoảng 4 tấn dê thịt, lãi bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thay vì chuồng trại đơn sơ bằng gỗ như lúc mới khởi nghiệp, cuối năm 2020, anh Chương xây chuồng trại kiên cố bằng sắt thép, bê tông…

Để hỗ trợ người nuôi dê, đầu năm 2021, Hội Nông dân xã Cam Chính và Hội Nông dân xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã thành lập 2 Tổ hợp tác nuôi dê với tổng số 55 thành viên. Các thành viên tham gia theo hình thức tự nguyện, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật chăm sóc dê, phòng, trị các loại bệnh thông thường; trao đổi nguồn dê giống; xây dựng thương hiệu, đầu ra sản phẩm… Cùng với việc thành lập Tổ hợp tác, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho mỗi thành viên vay 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, mua thêm con giống mở rộng chăn nuôi.

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Với thành tích kể trên, đương nhiên anh Chương trở thành tâm điểm của mọi ánh nhìn bằng sự nể phục.

Anh Nguyễn Văn Phụng (SN 1990, trú xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, hơn 1 năm nay đang học hỏi kinh nghiệm nuôi dê nhốt của anh Chương. “Chương tuy còn trẻ nhưng rất giỏi, đáng để mọi người học tập, noi theo” – anh Phụng nói.

Theo anh Chương, dê vốn là loài ăn tạp nên rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các loại rau, lá cây và phụ phẩm như chuối cây, cám bắp, thân và lá bắp… Ngoài thành phần chính là thức ăn xanh, anh Chương còn cho dê ăn thức ăn công nghiệp để dê nhanh lớn. Phân dê dùng để ủ cây góp phần tạo ra nguồn thức ăn dồi dào.

Chuồng dê cần thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Sàn nuôi dê cách mặt đất ít nhất 1 mét để đảm bảo sạch sẽ.

Dê ít bệnh tật nhưng không vì thế mà chủ quan. Cần thường xuyên quan sát dê, nhất là vào buổi sáng để sớm phát hiện bệnh, nếu chậm sẽ khó cứu chữa.

“Có trường hợp buổi sáng thấy dê biểu hiện bệnh nhưng chủ quan không cứu chữa, đến chiều dê đã chết. Vì vậy, người nuôi cần chú ý khi phát hiện dê có biểu hiện bệnh thì phải tách đàn, điều trị ngay” – anh Chương chia sẻ.

Thời gian tới, anh Chương muốn đầu tư mở rộng trại nuôi dê lên 1.000 con, nhưng trở ngại lớn nhất là chưa có quỹ đất để trồng cỏ nuôi dê. Vì vậy, anh Chương rất mong hội nông dân các cấp, chính quyền địa phương giúp đỡ thêm về vốn, cho thuê đất với diện tích khoảng 3-4ha.

Ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đánh giá cao mô hình nuôi dê nhốt của anh Nguyễn Văn Chương; đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân huyện, xã có hướng hỗ trợ thêm để anh Chương mở rộng chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của 2 Tổ hợp tác nuôi dê nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Theo ông Bến, tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, hay câu chuyện “Bó đũa” không những răn dạy tinh thần đoàn kết trong gia đình, dân tộc… mà còn có triết lý trong sản xuất, phát triển kinh tế. Vì vậy, khi sản xuất, Hội Nông dân các cấp luôn khuyến khích các hộ nuôi, trồng liên doanh, liên kết, thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã… để cùng nhau phát triển vững mạnh./.

Ngọc Vũ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập120
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm113
  • Hôm nay11,814
  • Tháng hiện tại323,012
  • Tổng lượt truy cập2,201,390
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây