Giới chuyên gia cảnh báo dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi chủng virus Covid 19 mới sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh này. Đặc biệt là ngành nông nghiệp khi hiện nay có tới 70% kim ngạch nông sản thô xuất khẩu của Việt Nam là thị trường Trung Quốc.
Nhiều mặt hàng nông sản ứ đọng do dịch Covid 19
Nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm mạnh như hồ tiêu, hoa quả, cá tra, chè, cao su.
Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mì, cao su, đậu tương và chăn nuôi có giá trị nhập khẩu tăng, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Giá cà phê đang sụt giảm nghiêm trọng, đến ngày 28/3 đã rớt khỏi mốc 30.000 đồng/kg, đang giao dịch ở mức 29.700 – 29.800 đồng/kg, thấp hơn mức giá thành 32.000 - 33.000 đồng/kg. Giá thấp nên nông dân hạn chế bán ra, doanh nghiệp thiếu nguồn cung cà phê cho xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 3/2020, ước xuất khẩu cà phê đạt 154.396 tấn, với 260,975 triệu USD. Cộng dồn 3 tháng ước đạt 473.785 tấn, với kim ngạch 801,62 triệu USD, so với cùng kỳ 2019 giảm 53,40% về lượng và giảm 9,42% về giá trị.
Hồi đầu tuần sau 3 phiên tăng liên tiếp và trụ ở mức trên 30.000 đồng/kg, tuy nhiên, đến cuối tuần qua giá cá phê đã rớt khỏi mốc 30.000 đồng/kg. Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 28/3, giá cà phê tại Tây Nguyên giảm gần 1.000 đồng/kg, đẩy giá xuống còn 29.700 – 29.800 đồng/kg. Nguyên nhân là do giá cà phê Robusta trên sàn London giảm cực sâu.
Cụ thể, giá cà phê Robusta tại Lâm Đồng (Bảo Lộc) ở mức 30.600 đồng/kg, tại Di Linh 29.500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk (Cư M'gar, Ea H'leo, Buôn Hồ) có giá 29.700 - 30.000 đồng/kg. Tại Đắk Nông, Gia Lai dao động từ 29.700 – 28.800 đồng/kg. tại TP.HCM cà phê loại R1 giá 31.300 đồng/kg.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, dịch bệnh ảnh hưởng đến thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc bởi Trung Quốc là thị trường khổng lồ tiêu thụ nông sản Việt Nam. Ảnh hưởng này còn kéo dài do diễn biến dịch bệnh chưa biết đến bao giờ dừng.
Trước nguy cơ này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các ngành hàng, đơn vị tổng rà soát khối lượng các nhóm hàng nông sản XK sang Trung Quốc, đề ra kịch bản từng tháng một và căn cứ diễn biến tình hình của từng giai đoạn để có phương án ứng phó. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thương mại, tập trung đẩy mạnh tiêu thụ trong nước nếu không XK được do dịch bệnh.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp chế biến nông sản cần liên kết chặt chẽ với các vùng nhiên liệu để thu mua chế biến, giảm bớt khối lượng XK thô, XK tươi. Các ngành hàng logistic kiểm tra các kho bãi dự trữ đông lạnh để có thể đưa một số sản phẩm vào ướp đông lạnh, kéo dài thời gian phân phối thương mại.
Hàng hoá nông sản tràn ngập ngoài chợ nhưng rất ít người mua
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng các thị trường khác, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường./.
Hoinongdan.org.vn