“Đối với 5 nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh (HĐND) về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, trong thời gian tới, đề nghị HĐND tỉnh xem xét bổ sung, điều chỉnh 2 nghị quyết, ban hành nghị quyết mới thay thế 3 nghị quyết đã ban hành trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm phát huy hiệu quả việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong tình hình mới”, đó là đề nghị của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện các nghị quyết của HĐND về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức vào sáng nay 3/6/2021. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang dự hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBDN tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị HĐND tỉnh bổ sung, điều chỉnh vàban hành các nghị quyết phù hợp với phát triển nông nghiệp của tỉnh hiện nay- Ảnh: T.T |
Bổ sung, điều chỉnh và ban hành các nghị quyết phù hợp trong giai đoạn mới là cần thiết
Trên cơ sở các ý kiến tham gia phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã thống nhất hai chính sách mà UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh bổ sung, điều chỉnh theo hướng có chọn lọc, phù hợp áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 là Nghị quyết 03/2017/NQHĐND ngày 23/5/2017 về Chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 về Kiện toàn mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020. Trong đó đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển 5 cây trồng, 3 con nuôi tạo sản phẩm chủ lực tăng lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030.
Đề xuất ban hành nghị quyết mới thay thế 3 nghị quyết gồm: Nghị quyết 30/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 về Xây dựng nông thôn mới (NTM) đến năm 2020; Nghị quyết 27/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 về Chương trình kiên cố hóa kênh mương tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 03/2018/NQ- HĐND ngày 18/7/2018 về Định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2020.
Theo đó, việc xây dựng nghị quyết mới giai đoạn 2021 - 2025 căn cứ vào Chương trình MTQG xây dựng NTM cho giai đoạn mới của Chính phủ. Trong đó, cần ưu tiên tập trung nguồn lực cho xã, huyện đạt chuẩn NTM và xây dựng thôn, bản NTM tại các xã đặc biệt khó khăn nhằm phấn đấu đến năm 2025 có 75% số xã đạt chuẩn, có 3 huyện đạt chuẩn và 50% số thôn trong phạm vi đề án được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ban hành các chính sách sát đúng để ngành nông nghiệp khẳng định vai trò “bệ đỡ” cho nền kinh tế
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiến hành tổ chức rà soát khối lượng kênh mương còn lại để đưa vào thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, lập đề án mới, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025. Hiện nay, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 34/2020/NQ-HĐND ngày 23/7/2020 cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND đến hết năm 2021. Mặt khác, việc xây dựng nghị quyết mới phụ thuộc vào quyết định phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của Chính phủ (dự kiến quý III/2021). Vì vậy, cần tiếp tục đánh giá hiệu quả và tác động của chính sách giai đoạn 2018 - 2020 để tham mưu xây dựng chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 có hiệu quả, sát với tình hình thực tế của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Quang cho rằng các chính sách của HĐND tỉnh ban hành hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua, góp phần hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển, khẳng định vai trò “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, UBND tỉnh nghiên cứu ưu tiên hỗ trợ phát triển cây dược liệu, trồng rừng gỗ lớn, định hướng phát triển đàn lợn theo hướng tăng về hình thức chăn nuôi trang trại, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…
Qua 5 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã góp phần quan trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, huy động lồng ghép nhiều nguồn lực trong xây dựng NTM, hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, nhất là thủy lợi nội đồng. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đào tạo nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông viên, thú y cơ sở... Thông qua đó đã nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn, góp phần hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM.
Trong quá trình thực hiện các nghị quyết còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là việc xác định định mức hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, định mức hỗ trợ đối với các nội dung xây dựng NTM vẫn còn nhiều điểm chưa sát với thực tế, chưa phù hợp, nguồn ngân sách bố trí chưa đáp ứng được nhu cầu đề ra. Một số nội dung hỗ trợ chưa có tính dự báo, dự tính nên lỗi thời, không phù hợp với tình hình thực tiễn. Quy mô hỗ trợ nhỏ, dàn trải, không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Ngoài ra, việc huy động, lồng ghép nguồn lực của các địa phương, sở, ngành chưa hiệu quả, chưa tạo được nguồn lực lớn để thực hiện các chính sách…
Việc điều chỉnh, bổ sung và ban hành nghị quyết mới thay thế các nghị quyết không còn phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.
Thanh Trúc (baoquangtri.vn)