HĐND tỉnh thông qua nhiều chính sách đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các vùng, lĩnh vực cần ưu tiên

Thứ tư - 09/12/2020 20:26 151 0
Trong 3 ngày diễn ra kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm. Từ đó thống nhất thông qua nhiều chính sách về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhằm bố trí nguồn lực đầu tư thực hiện các dự án góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân từ miền núi đến đồng bằng, từ đô thị đến nông thôn một cách cân đối, hợp lý.
HĐND tỉnh thông qua nhiều chính sách đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các vùng, lĩnh vực cần ưu tiên

Trong 3 ngày diễn ra kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm. Từ đó thống nhất thông qua nhiều chính sách về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhằm bố trí nguồn lực đầu tư thực hiện các dự án góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân từ miền núi đến đồng bằng, từ đô thị đến nông thôn một cách cân đối, hợp lý.

Cung cấp đủ nước sạch cho địa bàn vùng đặc biệt khó khăn là vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm - Ảnh: L.T​

Hỗ trợ tiền mua nước ngọt và sạch cho cán bộ, công chức, viên chức địa bàn vùng đặc biệt khó khăn

Một trong những vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm và có nhiều thảo luận trong kỳ họp thứ 19 là vấn đề nước sạch cả ở khu vực đô thị lẫn nông thôn, đặc biệt là nước sinh hoạt cho người dân vùng ngập lụt. Theo đó, đại biểu HĐND tỉnh tham gia kỳ họp đề nghị tỉnh rà soát lại các chương trình cấp nước sạch trên địa bàn để tính toán, cân đối nguồn lực đầu tư, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của Nhân dân.

Giải trình vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng nước sạch là vấn đề vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính dài hạn. Để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập quy hoạch nguồn, mạng lưới cấp nước tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Trước mắt, tỉnh sẽ bố trí nguồn lực sửa chữa cấp bách những công trình cấp nước bị hư hỏng do thiên tai ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân nhiều địa phương, đồng thời xây dựng lộ trình đưa vào kế hoạch bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục thực hiện các dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn trong giai đoạn tới. Hằng năm, tỉnh ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống nước sạch vệ sinh nông thôn, đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, tỉnh đề xuất HĐND ưu tiên bố trí vốn đối ứng đối với dự án nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững, chống chịu biến đổi khí hậu ở Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025 để đủ điều kiện vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) để cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn quốc gia cho các xã còn thiếu nước sạch.

Liên quan đến vấn đề nước sạch, tại kỳ họp này HĐND tỉnh đã thảo luận, thông qua Nghị quyết Quy định thời gian, mức trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là vấn đề cần thiết nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ theo Nghị quyết số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 về chính sách đối với CBCCVC, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định vùng thiếu nước ngọt và sạch theo mùa trình HĐND cùng cấp quyết định thời gian hưởng và mức trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch cho phù hợp với tình hình cụ thể của những nơi thiếu nước ngọt và sạch tại địa phương”.

Lực lượng vũ trang giúp các trường học khắc phục hậu quả lũ lụt - Ảnh: L.T​

Trên thực tế, hằng năm địa bàn, thời gian thiếu nước ở các vùng trong tỉnh có thể thay đổi tùy vào điều kiện thời tiết cũng như tác động của nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của ngành chức năng đến thời điểm này, toàn tỉnh có 289 điểm với khoảng 2.660 người thiếu nước ngọt và sạch; thời gian thiếu nước giao động từ 6 - 10 tháng trong năm. Trong điều kiện tỉnh chưa ban hành mức giá mua 1 m3 nước ngọt và sạch đến nơi ở và nơi làm việc của CBCCVC, giá nước ngọt và sạch để tính chi phí nước ngọt và sạch trong tiền lương và việc xác định điểm thiếu nước chưa được quy định cụ thể, chỉ mang tính tương đối theo số liệu khảo sát do các địa phương cung cấp, để tạo điều kiện kịp thời chi phí mua nước ngọt và sạch cho CBCCVC đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh thống nhất quy định chung một mức hỗ trợ là 370 ngàn đồng/ người/tháng. Thời gian hỗ trợ 6 tháng/năm và kết thúc hỗ trợ khi đạt được một trong các tiêu chí sau: Thoát khỏi danh sách vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cấp thẩm quyền; vùng đã có nước sạch phủ đến. Để thực hiện chính sách chi trả, các địa phương cần xác định địa bàn thiếu nước, thời gian thực tế thiếu nước, khoảng cách vận chuyển nước ngọt và sạch đến nơi ở và nơi làm việc cũng như tình trạng sử dụng các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh theo thực tế.

Tính toán, cân nhắc kỹ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Về các dự án thu hồi đất; dự án chấp thuận chủ trương thu hồi đất và cho phép chuyển đổi mục đích sử đụng đất vào các mục đích khác để thực hiện các dự án trong năm 2021, kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh xem xét đề nghị của UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương thu hồi đất để thực hiện 10 dự án với tổng diện tích 237,75 ha trong đó, đất năng lượng 134,39 ha; đất tạm thời để thi công công trình 89,26 ha; giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị Nam Đông Hà 14,1 ha. Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có 2 dự án với diện tích 9,53 ha.

Về nội dung này, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh cho rằng, đối với các dự án điện gió thì thực tế các trang trại gió được lắp đặt sau khi các trại gió lân cận khác đã vận hành cần được thiết kế, bố trí turbine để không ảnh hưởng đến các trại gió đã vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Tính toán sự ảnh hưởng cần phải được thực hiện sao cho hao hụt gây ra bởi trại gió lắp mới cho trang trại gió đang hoạt động hoặc các trang trại gió được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định không quá 0,5%. Không thực hiện chủ trương thu hồi đất có rừng tự nhiên; thu hồi đất trong phạm vi thực hiện dự án hạn chế tối đa thu hồi đất lúa 2 vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đất rừng phòng hộ. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các cam kết với chính quyền cơ sở, chỉ đạo các địa phương rà soát quỹ đất để bố trí lại đất sản xuất, tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án; thực hiện trồng rừng thay thế, đảm bảo độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Đối với dự án Nhà máy điện gió Hoàng Hải và Nhà máy điện gió Tài Tâm, ở xã Húc, huyện Hướng Hóa có chồng lấn với diện tích đất đã cấp cho Công ty Cổ phần cao su Khe Sanh và đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông quản lý. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh rà soát thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 2 đơn vị trên trước khi giao đất cho nhà đầu tư mới. Rà soát các dự án đã được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích khác đã quá thời hạn 3 năm, đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất để tạo điều kiện cho Nhân dân sản xuất theo quy định.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện 3 dự án năng lượng tái tạo với diện tích 17 ha theo đề nghị của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, tính theo quy hoạch thì quy mô phát triển điện gió miền Tây Quảng Trị khoảng 4.000 MW. Trong tương lai, khi quy hoạch trên được trung ương phê duyệt và nhà đầu tư sẵn sàng thực hiện dự án thì bên cạnh tiềm năng, hiệu quả kinh tế mang lại, tỉnh cần khảo sát, đánh giá tác động môi trường trong tổng thể theo quy hoạch phát triển điện gió toàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch cũng cần tính toán, cân nhắc kỹ đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án và phải tuân thủ nguyên tắc: Không giao đất thực hiện dự án đối với đất rừng tự nhiên; hạn chế giao đất đối với đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất lúa 2 vụ đồng bào dân tộc thiểu số canh tác lâu năm. Cần yêu cầu chủ đầu tư trồng rừng thay thế sau khi chuyển đổi đất rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án năng lượng. Đảm bảo tỉ lệ độ che phủ rừng của tỉnh không được thấp hơn 49%.

Nhiều trăn trở đối với ngành giáo dục

Theo Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân, thực trạng hiện nay cơ sở vật chất của ngành giáo dục ở miền núi còn rất thiếu thốn. Tình trạng thiếu phòng học bộ môn, phòng thiết bị, phòng làm việc hiệu bộ, phòng học đa năng, thư viện, phòng y tế trường học cũng như nhà công vụ cho giáo viên… đang khiến cho công tác giáo dục ở miền núi gặp nhiều khó khăn. Thực tế từ năm 2008 đến nay, trong chương trình kiên cố hóa trường học, việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên tạm dừng để dành kinh phí xây dựng phòng học, trong lúc đó hầu như các đơn vị trường học đóng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn như các xã A Vao, Tà Long, Ba Nang của huyện Đakrông đều thiếu hoặc chưa có nhà công vụ, giáo viên phải mượn, sử dụng phòng học tạm hoặc phòng học để ở. Nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định đời sống, yên tâm công tác, cống hiến tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn huyện miền núi, đề nghị HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết thông qua đề án xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nghị quyết, chương trình về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các huyện miền núi, biên giới, đảm bảo đáp ứng các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung cho rằng, ngành giáo dục đang thực hiện 4 đề án gồm: Xóa phòng học tạm, phòng học mượn giai đoạn 2019 - 2021; Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú đến năm 2025; Phát triển trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đến năm 2025 tầm nhìn 2030; Cải tạo nhà vệ sinh và cung cấp nước trong trường học giai đoạn 2020 - 2025. Trên thực tế, nhu cầu xây dựng nhà ở cho giáo viên thực sự cần thiết, tuy nhiên trong điều kiện nguồn lực tỉnh hạn hẹp và phải đảm bảo cân đối hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực. Vì vậy, ngành giáo dục cần rà soát, tính toán lại các đề án để xem đề án nào chưa thật sự cấp bách thì xem xét rút lại để đưa những đề án mới mang tính cấp thiết hơn vào thực hiện.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo được tiếp nhận, quản lý, triển khai thực hiện một số chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung các chương trình, dự án góp phần kiên cố hóa, cao tầng hóa trường lớp cũng như đầu tư trang thiết bị dạy học, tuy nhiên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh trường lớp, một trong những nhu cầu cấp thiết của ngành hiện nay là nhà công vụ cho giáo viên, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngành giáo dục khảo sát cần xây dựng 533 nhà công vụ cho giáo viên các điểm trường trên địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Đề nghị UBND tỉnh thống nhất bố trí một phần kinh phí từ ngân sách, phần còn lại có thể kêu gọi nguồn lực xã hội hóa.

Theo Nghị quyết số 34/2018/NQ - HĐND của HĐND tỉnh về Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn giai đoạn 2019 - 2021, Quảng Trị sẽ thực hiện đầu tư xây dựng 390 phòng học với tổng mức đầu tư trên 195 tỉ đồng trong đó ngân sách trung ương trên 85,2 tỉ đồng, ngân sách tỉnh gần 77 tỉ đồng, ngân sách huyện trên 27,4 tỉ đồng còn lại là nguồn vốn xã hội hóa. Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh đã đầu tư xóa 118/390 phòng học tạm, phòng học mượn, đạt 30,2% kế hoạch với tổng kinh phí ngân sách tỉnh và nguồn vốn lồng ghép của các địa phương cơ sở trên 82 tỉ đồng, trong đó đã hoàn thành 100% vốn ngân sách tỉnh với số vốn đã bố trí gần 77 tỉ đồng theo đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn. Tuy nhiên, nguồn vốn trung ương để thực hiện đề án vẫn chưa được bố trí mà chuyển qua đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vì vậy chỉ tiêu xóa phòng học tạm, phòng học mượn theo Nghị quyết 34/2018/NQHĐND của HĐND tỉnh khó đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đợt mưa bão, lũ lụt trong thời gian qua đã làm nhiều trường học hư hại, xuống cấp nghiêm trọng làm tăng quy mô và số lượng phòng học cần đầu tư sửa chữa, xây dựng.

Vì vậy, tại kỳ họp này HĐND tỉnh đồng ý thông qua Nghị quyết Xóa phòng học tạm, phòng học mượn và cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương trong giai đoạn 2021- 2025 để xây dựng trường lớp đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Phát triển các trường PTDT nội trú, bán trú phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp của ngành giáo dục và đào tạo, nhằm huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi đến lớp. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện của học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Theo đó, quy mô đầu tư thực hiện nghị quyết gồm: 96 phòng học các cấp; 8 phòng chức năng; 20 phòng ở ký túc xá; 18 phòng học bộ môn, phòng học thực hành tại 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa, Đakrông. Tổng kinh phí thực hiện 85 tỉ đồng.

baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập201
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm179
  • Hôm nay16,658
  • Tháng hiện tại309,077
  • Tổng lượt truy cập2,187,455
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây