Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với ngành nông nghiệp tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 diễn ra sáng nay 29/12. Tại điểm cầu Quảng Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì hội nghị ở điểm cầu Quảng Trị- Ảnh: T.T |
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả tích cực mà ngành nông nghiệp gặt hái được trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành. Đó là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng; vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác.
Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu… còn hạn chế, ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu, chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới. Công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường…
Trong năm 2022, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo, đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả. Đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào 1 - 2 thị trường nhất định.
Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển…
Báo cáo của ngành nông nghiệp cho biết, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt mức cao kỷ lục, trên 48,6 tỉ USD; có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su)… Giá trị gia tăng toàn ngành ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệ trên 3,18%, lâm nghiệp trên 3,85%, thủy sản trên 1,85%; tỉ lệ che phủ rừng 42,02%; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%...
Nhiều chỉ tiêu phát triển của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra như sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.
Năm 2022, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,9 - 3,0%, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 49 tỉ USD; tỉ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.
Baoquangtri.vn