Tập trung xuống giống lúa vụ đông xuân

Thứ tư - 08/01/2025 22:51 33 0
Vụ đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thời điểm này, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân trong tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để vệ sinh đồng ruộng, làm đất, khẩn trương xuống giống lúa vụ đông xuân đảm bảo kịp thời vụ và nâng cao hiệu quả sản xuất.
z6211127694952 9e20d9bb3fc32ffa01b179b202e0cb2a

Huy động máy móc để đẩy nhanh tiến độ làm đất tại huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.A

Tuân thủ khung lịch thời vụ

Là một trong những hộ có diện tích trồng lúa khá lớn ở xã Hải Định, huyện Hải Lăng, những ngày này ông Phan Phóng ở Hợp tác xã (HTX) Trung Đơn đang huy động máy móc, nhân lực tập trung hoàn thành việc làm đất cho diện tích 3 ha của gia đình. Ông Phóng cho biết, để đảm bảo khung lịch thời vụ, ngay từ đầu tháng 12/2024 ông đã ra đồng tu sửa bờ ruộng, hợp đồng sẵn máy làm đất, chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, giống lúa. Hiện ông đã hoàn thành việc làm đất và bắt đầu xuống giống. Dự kiến sau khoảng 3 - 4 ngày nữa sẽ gieo cấy xong toàn bộ diện tích 3 ha của gia đình.

Khác với ông Phóng, thời điểm này ông Đặng Bá Nam ở HTX Thiện Đông đang đứng ngồi không yên vì đồng ruộng vẫn còn ngổn ngang. Ông Nam cho biết, do ảnh hưởng của mưa rét kéo dài làm cho đồng ruộng bị ngập sâu nên đến thời điểm này trong tổng số 5 ha lúa của gia đình chỉ mới có khoảng hơn 1,5 ha là đã làm đất xong, bắt đầu xuống giống trà đầu. Diện tích còn lại vẫn đang ngập sâu, trong khi theo lịch của HTX, ngày 7/1 mới bắt đầu bơm tiêu úng và nhanh nhất thì phải đến ngày 12/1 mới có thể xuống giống được.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định Bùi Như Lộc cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn xã xuống giống hơn 775 ha lúa với các giống lúa chủ lực là Khang Dân, HG244... Hiện tại nông dân đang xuống giống trà đầu từ ngày 5/1 - 8/1 với diện tích khoảng 400 ha, tập trung chủ yếu tại các HTX Trung Đơn, Phước Điền và Tiền Phong Đông.

Với diện tích còn lại khoảng 300 ha ở các HTX Thiện Đông và Thiện Tây đang bị ngập sâu, UBND xã đã chỉ đạo các HTX khẩn trương sử dụng 7 máy bơm điện công suất lớn để bơm tiêu úng. Chuẩn bị sẵn máy làm đất, các loại vật tư, giống lúa để sẵn sàng xuống giống ngay sau khi nước rút. “Nếu chạy hết công suất, cộng với một số máy bơm nhỏ của người dân thì dự kiến sau khoảng 3 - 5 ngày sẽ hoàn tất việc tiêu úng. Từ ngày 12/1 sẽ tiến hành gieo cấy đối với diện tích này đảm bảo theo đúng khung lịch thời vụ của huyện”, ông Lộc khẳng định.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẩm thông tin, vụ đông xuân năm nay toàn huyện dự kiến xuống giống hơn 6.700 ha lúa. Để đảm bảo vụ đông xuân thắng lợi, huyện Hải Lăng đã xây dựng lịch thời vụ xuống giống lúa từ 5/1 - 25/1. Tập trung cơ cấu giống ngắn ngày và cực ngắn, đạt tiêu chuẩn phẩm cấp; trong đó, bộ giống lúa chủ lực gồm: Khang Dân, An Sinh 1399, HN6, ĐD2, Hà Phát 3. Trên cơ sở đó đã chỉ đạo các địa phương vùng trũng như Hải Dương, Hải Định, Hải Phong... tập trung toàn bộ máy bơm điện công suất lớn để khẩn trương tiêu úng. Chủ động máy móc, nhân lực để làm đất, gieo cấy theo phương châm “nước rút đến đâu, làm đất, gieo cấy đến đó”.

Tại huyện Vĩnh Linh, theo kế hoạch, trong vụ đông xuân này toàn huyện sẽ xuống giống khoảng 4.000 ha lúa và 3.100 ha hoa màu các loại. Địa phương đã bố trí lịch thời vụ gieo trồng cho các loại cây trồng. Trong đó, cây lúa bắt đầu xuống giống từ ngày 5/1 - 20/1. Cơ cấu giống lúa chủ lực gồm HN6, Bắc Thơm 7, DT80, HG12; bổ sung các giống gồm Hà Phát 3, Đài Thơm 8, ĐD2, Bắc Thịnh, Hương Bình, ST25, TBR279, ADI 28, ADI 168, Hana 7, Thiên Ưu 8, VNR20.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Diệp Hồng Cương cho biết, trên cơ sở dự báo thời tiết vụ đông xuân sẽ có những diễn biến phức tạp, có thể xảy ra rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa, huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động nông dân tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; diệt chuột, cây mai dương.

Vận hành đồng bộ các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cống ngăn mặn hợp lý để tiêu thoát nước nhanh chóng, hiệu quả; theo thực tế của từng vùng để bố trí các trạm bơm dã chiến tiêu úng ở những vùng trũng, thấp cục bộ; tổ chức làm đất, gieo sạ đảm bảo tiến độ theo lịch thời vụ đã ban hành.

Chủ động ứng phó với thời tiết bất thuận

Ông Diệp Hồng Cương thông tin, trước dự báo thời tiết bất thuận có thể xảy ra, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phương án tiêu úng, căn cứ tình hình thời tiết và điều kiện thực tế để bố trí lịch gieo cấy phù hợp, tránh gieo cấy các ngày rét đậm, rét hại, ngập úng. Tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật như sử dụng công cụ sạ hàng, thiết bị bay không người lái để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Chuẩn bị máy bơm để tiêu úng đối với những diện tích thường bị ngập úng vào đầu vụ. Chuẩn bị mạ dự phòng để dặm lại kịp thời khi gặp thời tiết bất thuận.

Sẵn sàng nguồn giống ngắn ngày dự phòng trong trường hợp ngập úng rét đậm, rét hại kéo dài, gieo muộn. Chỉ đạo Xí nghiệp Thủy nông Vĩnh Linh kiểm tra chặt chẽ các cống ngăn mặn, theo dõi thường xuyên mực nước triều để điều tiết, vận hành phù hợp, vừa đảm bảo tiêu thoát nước, vừa không để mặn xâm nhập vào nội đồng; vận hành, điều tiết nước hợp lý từ các công trình thủy lợi để phục vụ làm đất, gieo sạ cho các vùng cao, vùng thiếu nước; điều tiết, quản lý chặt chẽ các tuyến kênh, cống tưới đối với những vùng thấp, trũng để tránh tình trạng thừa nước, gia tăng ngập úng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh dự kiến gieo cấy khoảng 26.000 ha lúa. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân sản xuất theo đúng khung lịch thời vụ, xuống giống tập trung từ ngày 5/1 - 20/1. Lựa chọn giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn về phẩm cấp để đưa vào sản xuất.

Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để điều chỉnh lịch gieo lúa hợp lý, tránh các đợt rét đậm, rét hại. Hướng dẫn nông dân tuyệt đối không xuống giống lúa trong những ngày mưa rét, nhiệt độ dưới 16 độ C. Tăng cường sử dụng các phương tiện để đấu úng kịp thời, nhất là những diện tích đã gieo bị ngập úng để giảm thiểu thiệt hại; thoát nước nhanh các diện tích chưa gieo bị ngập úng để gieo cấy đảm bảo thời vụ.

Chủ động nguồn giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và cực ngắn để gieo lại những diện tích lúa bị chết do mưa rét. Tùy theo tình hình sinh trưởng cây lúa để điều chỉnh mực nước trên ruộng phù hợp, đặc biệt lưu ý không để ruộng khô nước trong những ngày rét đậm, rét hại.

“Ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ tình hình sản xuất và diễn biến của thời tiết, phối hợp với các địa phương điều tiết nguồn nước tưới, tiêu hợp lý, đặc biệt là đấu úng kịp thời khi ngập úng xảy ra. Tăng cường cán bộ về cơ sở hướng dẫn nông dân lịch gieo sạ, các biện pháp chống úng, chống rét, sâu bệnh trên các loại cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra”, bà Phương cho biết thêm.

Lê An

Tác giả: Biên tập viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm54
  • Hôm nay10,505
  • Tháng hiện tại257,254
  • Tổng lượt truy cập2,687,528
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây