Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Thiện Nhân cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ đông xuân huyện Triệu Phong bố trí lúa trổ tập trung từ ngày 10- 20/4, rải vụ 2- 3 trà; vụ hè thu gieo cấy đảm bảo đúng kế hoạch nên tiến độ thu hoạch trước 30/8/2024 tránh được mưa lũ vào cuối vụ.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương gặt đến đâu, xử lý, vệ sinh đồng ruộng, làm đất, gieo cấy đến đó, đồng thời bố trí giống lúa chủ lực có năng suất, chất lượng như HN6, Hà Phát 3, HG12 và một số giống đã qua khảo nghiệm 2- 3 vụ như TBR97, HG244, Bắc Thịnh cho năng suất trên 67 tạ/ha, khả năng chống đổ tốt, ít nhiễm sâu bệnh đưa vào sản xuất. Đồng thời chỉ đạo ban, ngành chuyên môn hướng dẫn các địa phương ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như phun thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, công cụ gieo sạ hàng, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm Tricoderma phân hủy gốc rạ; duy trì và phát triển diện tích cây lương thực như sắn, khoai, ngô, lạc và hoa màu các loại để tăng nguồn thu nhập cho người dân.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, huyện Triệu Phong phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, hàng hóa, có sự liên kết với doanh nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi của huyện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ đó, hiện nay trên địa bàn huyện có 59 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại, trong đó 46 trang trại quy mô nhỏ, 13 trang trại quy mô vừa. Nhiều doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu đầu tư chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn tại các xã vùng gò đồi. Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện đạt 53.850 con, đàn gia cầm đạt 1,06 triệu con, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, toàn huyện hiện có hơn 1.039 ha đất rừng tự nhiên, 13.981 ha đất rừng trồng. Diện tích rừng trồng phát triển tốt, năm 2024 phát triển thêm 90,49 ha rừng FSC ở xã Triệu Ái, 60,43 ha rừng FSC ở xã Triệu Thượng; diện tích rừng khai thác đạt 2.100 ha, sản lượng gỗđạt 250.000m3.
Việc khai thác, chế biến thủy, hải sản trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 668 ha, sản lượng đạt 2.039 tấn, trong đó tôm 1.300 tấn, còn lại là cá nước ngọt. Sản lượng khai thác thủy, hải sản ước đạt hơn 4.022 tấn, tăng 497 tấn so với năm 2023, đạt 113,5% kế hoạch, trong đó khai thác hải sản 3.692 tấn, thủy sản hơn 330 tấn. Giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp năm 2024 đạt 1.418,5 tỉ đồng, tăng 5,9% so với năm 2023, đạt 101,4% kế hoạch.
Triển khai đồng bộ các giải pháp trong năm 2025
Ông Trần Thiện Nhân chia sẻ, năm 2025, huyện Triệu Phong xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, theo đó phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, gắn phát triển nông nghiệp với công nghệ chế biến, dịch vụ, xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với phát triển nông thôn mới. Năm 2025 phấn đấu đạt giá trị sản lượng nông- lâm- ngư 1.486 tỉ đồng, trong đó nông nghiệp 1.091 tỉ đồng, ngư nghiệp 232 tỉ đồng, còn lại là lâm nghiệp.
Để đạt được kết quả đó, UBND huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi theo hướng cơ cấu giống lúa ngắn ngày, năng suất, trong đó lúa chất lượng cao chiếm hơn 80% tổng diện tích, nâng năng suất lúa bình đạt quân 62 tạ/ha/năm. Nhiều giống lúa sẽ được đưa vào sản xuất đại trà gồm HN6, HC95, Hà Phát 3, HG12, đồng thời bố trí các giống lúa đã qua khảo nghiệm như TBR97, ADI28 vào sản xuất. Đẩy mạnh triển khai xây dựng cánh đồng lớn kết hợp ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống quản lý cây trồng (IPHM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu.
Huyện Triệu Phong tiếp tục duy trì đàn trâu, phát triển chăn nuôi bò theo hướng thâm canh, kết hợp trồng cỏ, trồng ngô sinh khối tạo nguồn thức ăn, đồng thời thúc đẩy phát triển mô hình nuôi bò chuyên thịt thâm canh từ tinh bò ngoại như BBB, Droughmaster, Charolais cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo quy hoạch của huyện; phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụsản phẩm cósựtham gia đầu tư, kết nối thịtrường của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổhợp tác tại các xã vùng gò đồi, địa phương có quỹ đất phù hợp.
Đối với chăn nuôi lợn, áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi liên kết, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng có hiệu quả nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương để duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức hữu cơ, canh tác tự nhiên. Đối với chăn nuôi gia cầm, phát triển mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, chăn nuôi nông hộ tổ chức theo hướng an toàn sinh học, hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng từng loại dịch bệnh theo quy định, đồng thời kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch phát sinh nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra
Trên lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, huyện Triệu Phong tiếp tục triển khai thực hiện dự án nuôi tôm công nghệ cao nhiều giai đoạn, áp dụng quy trình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, men vi sinh, hạn chế sử dụng kháng sinh cũng như phát triển nuôi các loài cá nước mặn, lợ có giá trị kinh tế cao gồm cá mú, cá bớp, cá dìa, cá kình, cá chim tại vùng nuôi bãi ngang ven biển, ven sông, áp dụng phương thức nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Khuyến khích người dân nuôi kết hợp cá và tôm hoặc cua tại các vùng nuôi tôm ven sông thường xuyên bị dịch bệnh, hiệu quả thấp.
Đối với thủy sản nước ngọt, phát triển đa dạng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá leo, tôm càng xanh, đồng thời đẩy mạnh hình thức nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích hồ nước lớn, sông suối, hỗ trợ đầu tư để phát triển hình thức nuôi lồng trên sông, hồ nước lớn. Đối với khai thác, huyện Triệu Phong tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy định của trung ương, địa phương về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa theo quy định của nhà nước.
Bên cạnh đó, khuyến khích ngư dân tăng cường ra khơi bám biển, nâng cấp cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ vươn ra ngư trường xa bờ cũng như du nhập nghề mới phù hợp với ngư trường, đa dạng hoá nghề khai thác nhằm tăng thời gian đánh bắt trong năm, tăng năng suất, sản lượng và hải sản xuất khẩu. Khai thác gắn với bảo vệ môi trường, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, nghiêm cấm sử dụng phương tiện khai thác mang tính huỷ diệt. Quan tâm công tác khuyến công, đào tạo nghề, phát triển công nghiệp chế biến thuỷ sản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, đồng thời ưu tiên đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm, kích thích phát triển sản xuất.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng sát với tình hình cũng như phát triển mạnh mô hình trồng cây gỗ lớn, rừng chuyển hóa, mở rộng diện tích rừng đăng ký FSC, VFCS và hỗ trợ kinh phí, khuyến khích những nơi có điều kiện chuyển đổi đất rừng sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, giám sát việc khai thác rừng trồng theo quy định, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng./.
Baoquangtri.vn
Tác giả: Biên tập viên