Hình ảnh minh họa - Ảnh: S.T
Ở giai đoạn này, HĐND tỉnh ban hành các chính sách địa phương để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm: chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh; chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc Chương trình bố trí, ổn định dân cư các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; chính sách hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng; quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước.
Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; quy định mức hỗ trợ cho công tác khuyến nông và thú y.
Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, vốn đối ứng ngân sách địa phương và cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình; quy định nội dung, mức hỗ trợ trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kết quả thực hiện một số chính sách như sau: Về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp chủ lực quy mô lớn, tập trung, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, có liên kết; đạt các chứng nhận quản lý chất lượng góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Đến nay, có hơn 1.784 ha cây trồng có liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, trong đó có 346 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và canh tác tự nhiên; 502 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và 94 ha lúa theo hướng VietGap; 160 ha lúa sản xuất ATTP; 680 ha sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm; hơn 50 ha cây ăn quả đặc sản; hơn 300 ha hồ tiêu, cà phê, dược liệu; chăn nuôi quy mô lớn có 23 trang trại và 70 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao liên kết với doanh nghiệp, sản lượng chăn nuôi hằng năm đều tăng trên 15%.
Nhiều sản phẩm đã được chuẩn hóa và xây dựng thương hiệu; được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế như: gạo hữu cơ, hồ tiêu hữu cơ, cà phê chè Khe Sanh, cao dược liệu, gỗ trồng rừng đạt chứng chỉ trồng rừng bền vững FSC, PEFC; thúc đẩy chế biến sâu, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến; có nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được chứng nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP, trong đó có 43 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm đề nghị đánh giá, công nhận hạng 5 sao, 95 sản phẩm 3 sao, tăng 48 sản phẩm so với cuối năm 2021.
Thực hiện chính sách cho công tác khuyến nông đã tuyển dụng đội ngũ khuyến nông viên cấp xã, đến nay đã có 115 người đang hoạt động. Lực lượng khuyến nông viên thể hiện được vai trò, chức năng trong tư vấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; hỗ trợ tư vấn thị trường và liên kết chuỗi giá trị; tổ chức sản xuất theo lịch thời vụ, đề xuất các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng và giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng biến đổi khí hậu nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và giá trị trên đơn vị diện tích.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025: trong 2 năm 2022-2023 đã kêu gọi được nhiều doanh nghiệp, HTX có nhu cầu thiết lập 9 chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng chủ lực như cà phê, lúa chất lượng cao, hữu cơ, cây ăn quả.
Các địa phương đã thiết lập các chuỗi liên kết như dược liệu (Cam Lộ), chăn nuôi (Vĩnh Linh) và gần 100 dự án phát triển sản xuất cộng đồng đang được triển khai, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị bền vững và thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ quy mô hộ sang sản xuất theo tổ nhóm cộng đồng, liên kết hợp tác, chia sẻ lợi ích với nhau; thúc đẩy tổ chức sản xuất ở khu vực miền núi nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới.
Với những tác động từ các chính sách của các nghị quyết mang lại, đã góp phần giúp ngành nông nghiệp đạt được những kết quả tích cực, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2023 đạt 3,23% (mục tiêu Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đối với lĩnh vực nông nghiệp từ 2,5-3%); đến 30/5/2024 đã có 75/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 74,3%, tiệm cận với mục tiêu của nghị quyết: tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 là 75%.
Hiện nay, quy định của pháp luật liên quan đến việc thực hiện các chính sách do HĐND tỉnh ban hành để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có thay đổi như: Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thông tư 03/2024/TT-BLĐTBXH ngày 8/4/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Mặt khác, các chính sách HĐND tỉnh ban hành để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng cần nghiên cứu chuyển tiếp lên giai đoạn cao hơn, từ chính sách hỗ trợ phát triển thành chính sách khuyến khích phát triển.
Lê Thiện