Theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015 chúng ta sẽ đào tạo nghề cho 4,7 triệu nông dân nhưng theo con số tổng hợp hiện có thì chỉ có thể đào tạo nghề cho 1.026.000 nông dân. Như vậy là không đạt mục tiêu đề ra.
Sở KHCN Hà Tĩnh tổ chức lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu cho bà con nông dân.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thông tin như vậy về kết quả đào tạo nghề cho nông dân. Một nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền sáng 19/11 tại Quốc hội.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Cuối năm 2012, Bộ mới được giao trực tiếp chỉ đạo việc đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân. Theo kế hoạch năm 2011 - 2015 sẽ đào tạo nghề cho 4,7 triệu nông dân nhưng theo con số tổng hợp hiện có thì chỉ có thể đào tạo được cho 1.026.000 nông dân. Như vậy là không đạt mục tiêu đề ra.
Ở đây có nhiều nguyên nhân, trong đó có chương trình mới khởi động và vừa làm vừa xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo giáo viên, xây dựng chương trình ... Mặt khác bà con nông dân đăng ký học nghề nông cũng có mức độ.
Rõ ràng số lượng cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn phải đảm bảo chất lượng đào tạo nghề. Năm 2013, chúng ta đã đào tạo nghề cho 203.119 nông dân, có 188.768 người đã học xong và có 166.520 người làm việc cũ hoặc có việc làm mới. Khi làm việc cũ thì có năng suất cao hơn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Đào tạo nghề cho nông dân là thực hiện tại đồng ruộng, trên tàu cá, không phải chỉ chủ yếu tại nhà trường. Đào tạo cho ngư dân đánh bắt cá ngừ thì rõ ràng không thể ngồi ở nhà trường để giảng giải mà phải đi cùng ngư dân xuống tàu ra biển.
Thời gian tới, tiếp tục điều chỉnh cách tổ chức đào tạo nghề cũng như chính sách về đào tạo nông dân. Chính sách hỗ trợ cho đào tạo ngư dân đánh bắt cá ngừ khác hẳn với hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, trồng rau công nghệ cao, không thể áp dụng chung một chính sách được.
Gắn phát triển SX ở mỗi địa phương với Chương trình xây dựng NTM. Trong xây dựng NTM, chúng ta yêu cầu các xã đều có quy hoạch SX và lựa chọn mỗi xã có 1, 2, 3 loại cây, con chính.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ là như thế, trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho nông dân. Nòng cốt là thủy sản thì đó là đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng, các nông dân làm những dịch vụ kỹ thuật ở nông thôn.
Sau đó là đào tạo chủ trang trại, nông dân làm những nghề có yêu cầu kỹ thuật cao như trồng trọt công nghệ cao, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, cơ khí. Nông dân tham gia xây dựng những cánh đồng lớn, liên kết và các vùng chuyên canh.
Theo NNVN