Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là đào tạo nghề ngắn hạn; Tư vấn giới thiệu việc làm và tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Khai giảng lớp chăn nuôi thú y tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ
Được sự quan tâm tạo điều kiện của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các cấp, các ngành liên quan, năm 2014 Trung tâm đã mở 11 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 359 học viên tham gia, trong đó có 7 lớp nghề nông nghiệp là kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, gà, vịt; Chăn nuôi thú y; Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu, ném và 4 lớp nghề phi nông nghiệp là kỹ thuật xây dựng và may công nghiệp. Phối hợp với Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam mở 01 lớp Trung cấp nghề Thú y K2B tại Trung tâm với 40 học viên tham gia, tiếp tục duy trì lớp Trung cấp Thú y K1A tại Hải Lăng với 54 học viên.
Với phương châm ưu tiên các xã hiện đang triển khai cho vay vốn từ Quỹ HTND và đang là mô hình điểm xây dựng NTM của tỉnh, dạy nghề cho nông dân là phải dạy theo nhu cầu, phù hợp với điều kiện sản xuất của các hộ gia đình, của địa phương, phải "cầm tay chỉ việc", học đi đôi với hành, người nông dân vừa học vừa thực hành ngay tại địa phương của mình, xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân tham quan học hỏi nên hầu hết các học viên khi hoàn thành khóa học nghề đều thạo việc. Hiệu quả của phương pháp giảng dạy này được nông dân nhận thấy ở những năm trước và họ mong muốn có những lớp nghề khác được dạy theo hình thức này. Học nghề tại chỗ, hướng dẫn thực hành tại chỗ là hướng đi phù hợp với nông dân trong việc truyền đạt kiến thức đang được Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh áp dụng. Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho nông dân tại địa phương là rất cần thiết, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở hai tiêu chí: tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và tăng thu nhập từ sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Hoạt động hỗ trợ nông dân cũng được Trung tâm tích cực chỉ đạo thực hiện. Để gắn giải quyết việc làm sau học nghề, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị, thành Hội tạo mọi điều kiện hướng dẫn hội viên nông dân tham gia học nghề, tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình hợp tác sản xuất thông qua các Chi hội nghề, tổ hợp tác. Cùng với các hoạt động hỗ trợ nông dân, Trung tâm đã tham gia các sàn giao dịch, xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm, tư vấn giải quyết việc làm để tuyển dụng lao động. Tổ chức lớp tập huấn về Luật Hợp tác xã, Nghị định 151 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác và 03 lớp tập huấn về việc sử dụng và khai thác mạng cho 180 cán bộ, hội viên nông dân ở cơ sở…
Phối hợp với Công ty Cổ phần May và TM Gio Linh tổ chức dạy nghề may gắn với giải quyết việc làm cho gần 70 lao động. Tìm hiểu thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp có uy tín tư vấn, giới thiệu cho hội viên nông dân và con em nông dân đi lao động tại nước ngoài; hướng dẫn, giúp đỡ người lao động về các thủ tục pháp lý, dạy ngoại ngữ, đào tạo định hướng, hỗ trợ vay vốn…Trong năm, đã tư vấn cho 250 lao động, trong đó có 4 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, 6 lao động đang học tiếng ở Hà Nội.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đã phối hợp với Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh hỗ trợ cho hội viên nông dân vay vốn sau học nghề. Ngoài nguồn vốn trên 800 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội, hầu hết nông dân sau học nghề đều được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền trên 9 tỷ đồng thông qua các tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết, các nhóm hộ để thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề. Đã có nhiều mô hình được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao thông qua quy trình khép kín: dạy nghề, hướng dẫn xây dựng mô hình, cho vay vốn.
Hoạt động dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội. Nông dân phấn khởi tham gia các phong trào thi đua ở cơ sở, tích cực xây dựng Hội vững mạnh, gắn dạy nghề với hỗ trợ xây dựng mô hình để Trung tâm ngày càng làm tốt hơn vai trò là người bạn đồng hành của nông dân góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Nguyên Hạnh