“Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả tại thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh) đã liên kết các hộ nhỏ lẻ để sản xuất với quy mô lớn hơn, hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả địa phương”, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Quan Đỗ Xuân Đức cho biết.
Các thành viên HTX cây ăn quả thị trấn Bến Quan kiểm tra chất lượng vụ cam đầu tiên - Ảnh: T.L |
Được thành lập từ năm 2018 với 11 thành viên, HTX trồng cây ăn quả Bến Quan có 8,7 ha diện tích trồng cây ăn quả, chủ yếu là cam. Chia sẻ thêm với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Quan Đỗ Xuân Đức cho hay: “Nông dân trên địa bàn thị trấn Bến Quan từ trước đến nay chủ yếu trồng chuyên canh cây cao su, hồ tiêu. Những năm gần đây, trước tình trạng cao su rớt giá và chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ thực tế đó, đã có nhiều hộ chuyển đổi những diện tích cây cao su cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng một số loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhận thấy mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế khá cao tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, hội đã tạo điều kiện cho các hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác, sau đó về áp dụng trên địa bàn. Nhận thấy cam là một loại cây trồng hoàn toàn mới đối với nông dân Bến Quan nên nếu trồng nhỏ lẻ tại các hộ sẽ gặp nhiều khó khăn, do vậy được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX trồng cây ăn quả Bến Quan được thành lập nhằm liên kết các hộ sản xuất cam nhỏ lẻ. Sau 2 năm trồng và chăm sóc, đến nay toàn bộ diện tích cam của HTX đang phát triển rất tốt, cho lứa quả bói đầu tiên, các thành viên rất phấn khởi”.
Là người tiên phong chuyển đổi 1,5 ha cao su kém hiệu quả sang trồng cam, ông Lê Văn Minh, ở Khóm 4, thị trấn Bến Quan rất vui khi vườn cam đang phát triển tốt, hứa hẹn những vụ cam bội thu. Dẫn chúng tôi men theo sườn đồi, giới thiệu tỉ mẩn từ khâu chọn giống đến quy trình chăm sóc từng gốc cam, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê, sáng tạo trong lao động của lão nông ngoài 60 tuổi này. “Từ lâu, nông dân chúng tôi chỉ biết trồng và chăm sóc cây cao su, do vậy khi chuyển sang cây cam xem như học lại từ đầu. Từ những chuyến tham quan học hỏi các mô hình trồng cam hiệu quả do địa phương tổ chức, giống cây mới này dường như dần “ngấm” vào suy nghĩ, từng ngày thôi thúc tôi quyết tâm chuyển đổi trên toàn bộ diện tích cây cao su kém hiệu quả. Ban đầu cũng lắm khó khăn nhưng được sự hỗ trợ của HTX, Hội Nông dân, sự động viên của chính quyền địa phương, tôi vừa đầu tư cải tạo vừa rút kinh nghiệm, chăm sóc đúng kỹ thuật để cây phát triển tốt. Để chủ động nguồn nước tưới cho vườn cam, tôi đã đầu tư thêm hệ thống nước tưới tự động trị giá 120 triệu đồng. Hiện tại, toàn bộ 750 cây cam đã cho hoa và quả bói, khoảng năm thứ 4 vườn sẽ cho thu hoạch đại trà”. Một thành viên khác của HTX là ông Nguyễn Văn Thiết cũng rất phấn khởi vì vườn cam với hơn 400 gốc đang phát triển tốt. Ông Thiết chia sẻ: “Niềm vui của chúng tôi khi tham gia HTX là nhận được sự sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm của các thành viên khác từ khâu trồng, chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh. Bởi vậy vườn cam của các thành viên đều phát triển đồng đều, tin tưởng đến lúc có sản phẩm, sự liên kết giữa các thành viên cùng với sự hỗ trợ của HTX sẽ giúp chúng tôi tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, tránh được tình trạng được mùa, mất giá”.
Theo dự kiến, bước vào năm thứ 3 tính từ thời điểm trồng, toàn bộ diện tích cam của HTX sẽ bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng ban đầu khoảng 4 tấn/ha và sau đó sản lượng cam sẽ tăng dần qua các năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm của HTX, hiện tại địa phương đang vận động người dân tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất cam sạch, phát triển vườn cam theo hướng nâng cao chất lượng, tạo dấu ấn sản phẩm trên thị trường bằng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. “Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu cho cam Bến Quan và cũng chọn cam là sản phẩm OCOP của địa phương. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, sản phẩm cam Bến Quan sẽ được thị trường đón nhận”, ông Đỗ Xuân Đức khẳng định.
Đến thăm HTX trồng cây ăn quả Bến Quan, điều dễ nhận thấy chính là niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của các thành viên HTX. Để nâng cao thu nhập, nhiều hộ còn kết hợp trồng xen các loại giống cây ngắn ngày giữa các luống cam hoặc nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm như bò nhốt chuồng, gà, dê… HTX trồng cây ăn quả là một mô hình mới, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống tại Bến Quan. Sau khi thu hoạch, HTX sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cam trên địa bàn. Từng bước hướng đến mục tiêu tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm với quy trình nghiêm ngặt từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là nền tảng giúp HTX tạo niềm tin để tiếp tục chinh phục thị trường.
Bên cạnh những kết quả ban đầu đạt được, điều mà nhiều nông dân ở đây băn khoăn nhất chính là đầu ra cho sản phẩm và nguồn vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất. “Chúng tôi không ngại khó để học tập và phát triển những cây trồng mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, song hiện tại tôi mong muốn được các cấp quan tâm tạo điều kiện để đầu ra sản phẩm thuận lợi. Mặt khác, với nguồn vốn đầu tư ban đầu cho các mô hình kinh tế mới khá lớn nên các hội viên nông dân Bến Quan cũng mong được cấp trên tạo điều kiện để tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, tạo động lực để các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô sản xuất”, ông Lê Văn Minh cho biết.
baoquangtri.vn