Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội Nông dân huyện, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, hội viên nông dân xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã nỗ lực “Đổi mới hoạt động, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh toàn diện; nâng cao vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế”, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh thăm vùng trồng cây nguyên liệu cà gai leo của hội viên nông dân Trần Văn Ái ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Ảnh: NN
Cùng đi với anh Nguyễn Anh Hai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Nghĩa, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Trần Văn Ái, hiện ở thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương ở vùng Cùa, Cam Lộ. Anh Ái cho biết, địa phương anh sinh sống nằm về phía Tây Nam huyện Cam Lộ, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu mát lành quanh năm và đất ba dan màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có các loại cây dược liệu quý giá, có tác dụng hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho con người. Anh Ái sinh ra trong một gia đình đông anh em, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất nên từ tấm bé đã có sẵn đức tính tự lập, cần cù, không ngại khó khăn, vất vả, hăng hái lao động, sản xuất để cải thiện đời sống gia đình. Khi mới lập gia đình, ra riêng, vợ chồng anh đã trăn trở bàn bạc, tìm hướng làm ăn mới để lập thân, lập nghiệp. Quyết định gắn bó, làm giàu từ nguồn cây dược liệu sẵn có ở địa phương, vợ chồng anh vay ngân hàng 80 triệu đồng và vay mượn thêm tiền của bạn bè, người thân mua sắm dụng cụ, xây dựng cơ sở nấu cao dược liệu các loại, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong vùng.
Trong quá trình sản xuất cao dược liệu chè vằng, gia đình anh Ái đã tìm tòi học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến thêm một số cao dược liệu khác mà nhu cầu thị trường đang cần, đó là cao hà thủ ô, cao lạc tiên… Công việc làm ăn thuận lợi, đầu năm 2016, gia đình anh có điều kiện đầu tư thêm máy móc, mở rộng cơ sở sản xuất, nhà xưởng, thuê thêm nhân lực ở địa phương để từng bước phát triển nghề nấu cao dược liệu. Đến nay cơ sở nấu cao dược liệu của gia đình anh đã mở rộng trên 300 m2 , có kho chứa hàng, máy chế biến, đóng gói, giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình trong làng nghề, năm 2017, gia đình anh Ái thành lập Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy và từng được trao giải Khuyến khích- Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh cho sản phẩm cao chè vằng, giải Ba- Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh cho sản phẩm tinh bột nghệ (năm 2016); Top 100 sao vàng thương hiệu Việt Nam (năm 2019)...
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Nghĩa Nguyễn Anh Hai cho biết, ở địa phương, tấm gương vượt khó, vươn lên làm ăn giỏi như gia đình anh Trần Văn Ái là động lực để nông dân trong xã phấn đấu làm theo. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiến trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với việc thực hiện cuộc vận xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Cán bộ, hội viên nông dân trong xã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển khá toàn diện, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa đa dạng, bền vững, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Đối với cây lúa, vụ lúa đông xuân gieo cấy được 117,2 ha đạt 100% KH, năng suất 55,2 tạ/ha. Vụ hè thu gieo cấy 55/65 ha. Cây sắn trồng được 105/80 ha, năng suất 20 tấn/ha, sản lượng: 2.100 tấn. Rau các loại 10 ha, năng suất 80 tạ/ha, sản lượng 80 tấn. Cây hồ tiêu 155 ha, trong đó cây tiêu kinh doanh 110 ha, năng suất bình quân: 15,4 tạ/ha, sản lượng 170 tấn. Cây cao su 910,2 ha, trồng mới thêm được 40 ha. Cao su kinh doanh 780,2 ha, năng suất mủ 1,3 tấn/ha, sản lượng 1.014 tấn. Cây chè vằng có 27,2 ha, năng suất bình quân 10 tấn/ha, sản lượng 272 tấn, trồng mới đạt khoảng 3 ha. Cây sâm Bố Chính đã thu hoạch được 0,5 ha, năng suất bình quân đạt 8 tạ/ha. Cây nghệ thu hoạch 30 ha, năng suất 60tạ/ha, sản lượng 180 tấn. Mô hình trồng cam, bưởi đang bước vào chu kỳ chăm sóc năm thứ 2. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đã nâng cấp 2 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao (hồ tiêu Cùa và cao chè vằng của Công ty TNHH cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy), công nhận 1 sản phẩm OCOP mới (Gà Cùa Phương Gia Trang).
Chăn nuôi phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại vật nuôi, nhiều mô hình chăn nuôi được duy trì và phát triển có hiệu quả như: Chăn nuôi bò lai, thỏ, dê, gà… Đã hình thành 3 trang trại chăn nuôi khép kín. Ngành nghề thương mại - dịch vụ có sự phát triển mạnh như sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, thực phẩm, cơ khí, dịch vụ vận tải... đã góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương và tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu của người dân, tăng thu nhập cho hội viên.
Đặc biệt những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã được Hội Nông dân xã Cam Nghĩa chú trọng phát động. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chăn nuôi lợn kết hợp máy xay tinh bột sắn; ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi; mô hình nuôi thỏ, dê nhốt, chim trĩ; gà Cùa; mô hình trồng tiêu tập trung; mô hình trồng, chế biến cây dược liệu chè vằng có 12 hộ tham gia, nuôi bò lai sinh sản… là những mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2020, số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong xã đã tăng lên 314 hộ, chiếm 29,1% tổng số hộ nông dân. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đều có mức thu nhập đã trừ chi phí đạt từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/ năm. Với tinh thần “tương thân tương ái”, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm tại chỗ, giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nông dân nghèo gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp tổ chức 25 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 875 lượt hội viên nông dân; hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như trồng cỏ nuôi bò, dê nhốt, nuôi gà thả vườn, trồng tiêu, sắn dây, dứa phủ nilon, chè vằng, trồng nghệ... Qua đó nhiều mô hình đã được nhân rộng và đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn xã. Các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về thông tin cũng được hội chú trọng, với các hình thức như: Tuyên truyền miệng, qua các buổi hội nghị, sinh hoạt chi, tổ hội, các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên đề, kết hợp với cung cấp các bản tin nông dân về kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; đầu tư sản xuất, kinh doanh gắn với cải tiến kỹ thuật, tạo thương hiệu. Phối hợp với UBND xã tham mưu đề xuất xây dựng thương hiệu các sản phẩm của nông dân như: Tiêu, chè, gà Cùa, các loại dược liệu, tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây... Tham gia hội chợ triển lãm các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện, tỉnh, tạo điều kiện cho hội viên nông dân tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, qua đó giúp nông dân tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, giúp các sản vật có chất lượng của địa phương đi xa hơn, góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, có trên 80% hội viên, nông dân tham gia đề án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Hàng trăm nông dân tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công; hiến 5 ha đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp, tài sản, công trình, cây cối… trị giá hàng trăm triệu đồng để góp phần làm các công trình hạ tầng nông thôn như đường giao thông, nhà văn hóa, đường nội đồng… Điển hình như Chi hội Nông dân thôn Quật Xá, Hoàn Cát, Thượng Nghĩa, Định Sơn, Cu Hoan, Nghĩa Phong, Phương An 1, 2, Cam Lộ Phường, Bảng Sơn… Phấn đấu đến cuối năm 2021 toàn xã được công nhận 4 thôn đạt chuẩn mức độ I nông thôn mới.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Nghĩa Nguyễn Anh Hai cho biết thêm, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Cam Nghĩa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian tới, Hội Nông dân xã đẩy mạnh tập huấn khoa học kỹ thuật cho 220 lượt hội viên, nông dân/năm. Hằng năm tăng từ 2-3% số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phấn đấu đến cuối năm 2023 hộ nghèo là hội viên nông dân giảm còn 1-2 hộ, không còn hội viên cận nghèo. Vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp các hộ nghèo về kỹ thuật, vốn, vật tư và kinh nghiệm sản xuất. Hằng năm, phối hợp tổ chức phân loại, làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp cụ thể hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Vận động 100% hội viên tham gia đóng góp để xây dựng và bảo vệ các công trình hạ tầng nông thôn; góp phần giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục chung sức, đồng lòng để cùng địa phương xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu./.
Đan Tâm (baoquangtri.vn)