Quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Dựa vào lợi thế tự nhiên của địa phương, anh Phan Ngọc Vũ ở thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đã mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng để quy hoạch vùng nguyên liệu trồng 50 ha cây Tràm và xây dựng xưởng chưng cất tinh dầu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vùng trồng tràm nguyên liệu của Anh Vũ (người mặc áo trắng) hiện có 50ha
Dẫn chúng tôi tham quan diện tích trồng cây tràm 5 gân của gia đình, anh Vũ cho biết: Trước đây người dân xã Vĩnh Thủy đã từng canh tác rất lớn diện tích cây tràm gió. Tuy nhiên, diện tích này đã dần dần bị thu hẹp do người dân khai thác quá mức để bán cho các cơ sở sản xuất tinh dầu. Riêng gia đình anh, cũng có rất nhiều diện tích đất đồi trồng tràm gió bị bỏ hoang sau khi khai thác.
Để phát huy hiệu quả quỹ đất của gia đình, anh Vũ bắt đầu quá trình tìm hiểu các loại giống cây trồng có khả năng canh tác trên vùng đất này nhằm đưa vào sản xuất. Qua nghiên cứu, nhận thấy cây tràm 5 gân rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, chính vì vậy, cuối năm 2019, anh đã tìm đến xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế để mua cây giống về trồng thử trên diện tích khoảng 1 ha.
Anh Vũ chia sẻ: “Tràm 5 gân sống thích hợp ở mọi biên độ sinh thái, sống khỏe ở trên các loại đất thịt, cát, đồi, ẩm, vùng ngập nước và cả trên những vùng đất đồi khô hạn, khí hậu khắc nghiệt. Đối với đặc điểm của vùng gò đồi xã Vĩnh Thủy thì rất phù hợp. Kỹ thuật trồng cũng đơn giản, chỉ cần đào hố, bón lót bằng phân chuồng và phân NPK, sau đó trồng cây giống xuống, phủ bạt để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Mật độ trồng từ 10.000 - 15.000 cây/ha. Đặc biệt về lợi ích kinh tế, so với giống tràm gió thì tràm 5 gân cho hương thơm nồng, hàm lượng tinh dầu cũng cao hơn. Tuổi thọ của cây tràm 5 gân lên đến 25 - 30 năm. Quá trình trồng thử nghiệm, thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, đến cuối năm 2021, anh Vũ quyết định đầu tư gần 4 tỉ đồng bao gồm cây giống, phân bón, trải bạt, nhân công… để mở rộng diện tích trồng cây tràm 5 gân gần 12 ha. Sau gần 2 năm chăm sóc, toàn bộ diện tích tràm này phát triển tốt, cho thu hoạch với sản lượng cao, ước tính đạt 40 tấn/ha. “Cây tràm càng lớn cành lá lại càng nhiều. Chu kỳ khai thác ngắn lại nên sản lượng sẽ tăng lên. Đến năm thứ 2 cây tràm 5 gân sẽ cho thu hoạch 2 lần/năm. Đến năm thứ 3 sẽ tăng lên 3 lần/năm với năng suất có thể lên đến 60 tấn/ha/năm”.
Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, trong khi nhu cầu sử dụng tinh dầu tràm của người dân khá lớn, đầu năm 2023, anh Vũ tiếp tục đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng xưởng, mua lò chiết xuất để chế biến tinh dầu. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở chế biến tinh dầu của anh chưng cất được 450 lít dầu tràm. Thời gian thu hoạch tràm và chế biến tinh dầu khoảng từ tháng 4 đến tháng 11. Với giá bán 2 triệu đồng/lít đem lại cho anh nguồn thu 900 triệu đồng/tháng.
Vùng trồng tràm nguyên liệu của anh Vũ hiện có tổng diện tích 50ha. Trong đó, có 35 ha trồng giống tràm 5 gân; 15 ha trồng cây tràm gió. Trong khi diện tích cây tràm gió trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nói riêng và toàn tỉnh nói chung đang ngày càng thu hẹp, để có nguyên liệu sản xuất tinh dầu tràm, các lò chưng cất phải tìm ra các địa phương lân cận mua về, thì đây, chính là vùng nguyên liệu dồi dào, chủ động trong chế biến cũng như tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Hiện sản phẩm tinh dầu tràm của Công ty Cổ phần dược liệu Bắc Hiền Lương do anh Vũ làm chủ đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự kiến trong thời gian tới, anh sẽ đầu tư thêm 2 lò chiết xuất tinh dầu phục vụ cho sản xuất. Theo tính toán của anh Vũ, với tổng cộng công suất các lò chiết xuất, Công ty có thể thu được 40 - 60 lít tinh dầu/ngày. Anh Vũ cũng cho biết thêm: Hiện tại, anh đang thu mua tràm nguyên liệu cho bà con với giá từ 3000 - 4000 đồng/kg. Cách làm này vừa đảm bảo nguyên liệu cho quá trình sản xuất, vừa tạo điều kiện cho bà con trong vùng không mất thời gian, chi phí khi đi nhập nguyên liệu ở các nơi.
Quy hoạch vùng trồng nguyên liệu gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật để chế biến, tiêu thụ sản phẩm như mô hình kinh tế của anh Phan Ngọc Vũ là hướng đi mới nhưng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ phát huy được lợi thế điều kiện tự nhiên, mà còn tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Hiện chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để gia tăng thu nhập trên đơn vị canh tác; thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đồng thời tăng cường công tác hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu hàng hóa... Qua đó bảo đảm cho nông dân yên tâm sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững và hiện đại./.
Mỹ Hằng