Triệu Phong là một trong những vùng lúa trọng điểm của tỉnh Quảng Trị với diện tích gieo cấy hàng năm gần 12 ngàn ha. Những năm qua, song song với sự phát triển nền kinh tế nông nghiệp vững chắc, việc xây dựng các cánh đồng lúa chất lượng cao cũng đạt nhiều thành quả rõ rệt. Nhân tố quyết định những thành quả này là nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề nguồn giống. Nhờ vậy, năng suất cũng như chất luợng của các vùng chuyên canh lúa không ngừng được tăng lên, từ bình quân 25 – 30tạ/ha đến nay đạt trên 60tạ/ha.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại huyện Triệu Phong
Đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn huyện hiện nay đã được cải thiện nhiều so với trước. Do vậy, sản xuất lương thực không chỉ đảm bảo số lượng mà chất lượng gạo cũng được chú trọng đầu tư, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản phẩm mang tính hàng hóa. Theo đó, công tác khảo nghiệm, tuyển chọn các giống lúa chất lượng cao (CLC) được huyện Triệu Phong thường xuyên chú trọng, đảm bảo lựa chọn những bộ giống thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đưa vào sản xuất. Những năm trở lại đây, huyện Triệu Phong đã chủ động liên hệ các đơn vị chức năng như dòng OM của Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Công ty giống cây trồng Trung ương chi nhánh Bắc Miền Trung để tiến hành tuyển chọn những bố giống nguyên chủng đưa vào sản xuất, xây dựng vùng lúa nhân dân, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức các hội nghị đầu bờ, các đợt tập huấn về các giống lúa mới, nhằm tìm chọn những bộ giống mới có năng suất chất lượng cao, đảm bảo tính hàng hoá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ đó rút ra những kết luận ban đầu cho từng giống lúa để định hướng, nhân rộng tại các địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Triệu Phong sản xuất lúa CLC chiếm trên 70% diện tích canh tác. Trong đó, tập trung chủ yếu ở một số địa phương như: Triệu Đông, Triệu Thuận, Triệu Trạch, Triệu Tài... với các loại giống lúa dòng Omô, các giống lúa HC95, P6, Thiên Ưu, HT1, ma lâm, khang dân, OM6976, RVT, giống lúa không sử dụng phân bón hóa học…. Các giống lúa này vừa đáp ứng thay thế các giống lúa đã bị thoái hóa, năng suất thấp khả năng chống chịu sâu bệnh kém như IR38, CN2, vừa là cơ sở thực nghiệm để tiến hành tuyển chọn những bố giống nguyên chủng đưa vào sản xuất, xây dựng vùng lúa nhân dân, chất lượng cao. Đến nay, huyện Triệu Phong đã cơ bản loại bỏ được các giống lúa củ có năng suất, chất lượng thấp và đã hình thành tập quán sản xuất thâm canh. Theo chính quyền một số địa phương cho biết, các giống lúa này cho năng suất bình quân từ những năm qua từ 65 - 67 tạ/ha. Chất lượng gạo thơm, ngon, có giá trị hàng hóa cao, được thi trường ưa chuộng. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân An xã viên HTX Bích La nói: Sau nhiều năm được HTX áp dụng các tiến bộ KHKT và đưa vào gieo cấy giống lúa CLC gia đình tôi đã tiếp thu và đưa vào sản xuất nhận thấy các giống lúa CLC, áp dụng sạ hàng rất tốt cho năng suất cao, giá trị kinh tế hàng hóa bán ra rất dễ không như những giống lúa trước đây rất khó khăn, giá cả bấp banh..
Để tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo và hướng dẫn bà con xây dựng các vùng lúa nhân dân. Huyện còn chú trọng cân đối diện tích và tiềm năng đất đai của từng vùng để bố trí sản xuất các giống lúa phù hợp. Mặc dù năm nào trên địa bàn cũng xảy ra rét đậm, rét hại và hạn hán nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các ngành chức năng, chính quyền các cấp, các HTX nông nghiệp và kinh nghiệm trồng lúa, người dân đã biết tuân thủ thời vụ, khắc phục được những khó khăn về thời tiết. Bởi theo các nhà chuyên môn, áp dụng khung lịch gieo cấy phù hợp với quy trình sinh trưởng của cây lúa là nhân tố quyết định năng suất và chất lượng cây trồng. Ông Bùi Xuân Nguyện Chủ nhiệm HTX Linh An cho biết : Linh An có tổng diện tích gieo cấy hàng năm 190 ha, trong đó lúa CLC chiếm trên 70%, chúng tôi bố trị giống lúa HT1, P6, trước khi triển khai đưa giống lúa CLC nay về chúng tôi khoang vùng hướng dẫn bà con xã viên áp dụng tiến bộ KHKT, cung ứng lúa cho bà con xã viên từ đó khi đưa giống lúa CLC vào sản xuất, năng suất cao hơn, chất lượng gạo ngon hơn.
Ngoài việc tuyển chọn những bộ giống lúa mới thích hợp bổ sung cơ cấu cho những năm tiếp theo, Triệu Phong còn tổ chức thực hiện tốt các chương trình thâm canh như: 1 phải, 5 giảm, 3 giảm, 3 tăng... Nhờ vậy, Triệu Phong là một trong những đơn vị được tỉnh Quảng Trị đánh giá cao về năng suất cũng như chất lượng lúa của tỉnh.
Việc áp dụng các tiến bộ KHKT để sản xuất lúa CLC, đang là một hướng đi đúng có hiệu quả tại huyện Triệu Phong. Với những kết quả đạt được, trong những năm tiếp theo, Triệu Phong đang hướng đến một nền nông nghiệp toàn diện mang tính hàng hóa cao.
Cảnh Thu – Kim Thoa