Nằm cách trung tâm xã Hải Chánh trên 5 km, anh Nguyễn Ngọc Quốc, thôn Tân Lương, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Anh mạnh dạn xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm: lợn, ngan, gà… đã hơn một năm nay, anh sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường.
Anh Nguyễn Ngọc Quốc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, ngan
Với quy mô trang trại hộ gia đình mỗi lứa lợn anh nuôi từ 30 – 40 con lợn thịt, 5 con lợn nái, hơn 100 ngan Pháp, 100 gà thả vườn… tất cả chất thải gia súc, gia cầm đều được xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật, nên đã hơn 1 năm lớp đệm sinh học vẫn còn tác dụng, anh chỉ bổ sung thêm cơ chất và loại bỏ một số chất mùn do sự phân hủy lâu ngày. Trong những ngày này anh đang tập trung nâng cấp chuồng trại, xây dựng thêm các ô chứa chất đệm nên lợn, gà vừa mới được bán, mang lại một số tiền lợi nhuận đủ để gia đình anh mở rộng trang trại.
Anh cho biết thêm sử dụng đệm lót sinh học rất dễ dàng, khi có 1kg men gốc, mua khoảng 70.000đồng hòa vào 200lít nước và 20kg bột ngô, sắn… để 16-24 giờ là có thể sử dụng được, nguyên liệu dùng làm chất đệm là vỏ trấu hoặc mùn cưa, 01kg men gốc dùng cho 35m2 chuồng trại, diện tích đủ để nuôi 30- 40 con lợn. Tuy nhiên nếu nuôi ít lợn, thì dùng ít chất đệm theo tỷ lệ quy định, nếu nuôi ngan, gà thì độ dày chất đệm ít hơn, khoảng 20- 30cm. Một điều đáng chú ý là phải duy trì chất đệm độ ẩm khoảng 40% là tốt, nếu độ ẩm quá cao chất đệm bị phân hủy, ngược lại nếu độ ẩm thấp thì quá trình lên men bị chậm lại, hiệu quả xử lý không cao.
Hiệu quả sử dụng đệm lót sinh học trước hết là khử mùi hôi, không phải dùng nước để dội chuồng, hạn chế mắc bệnh đường ruột, giúp gia súc, gia cầm tiêu hóa tốt nên lớn nhanh tăng lợi nhuận, mặt khác sau khi sử dụng xong chất đệm là nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng rất tốt, anh dự định trồng thêm cỏ voi để chăn nuôi bò thịt, xây dựng trang trại khép kín.
Nguyễn Đán