Sử dụng phân bón lá cho lúa cần phải tiến hành nhiều lần (2 - 3 lần) mới có kết quả. Mỗi lần phun cách nhau 3 - 4 ngày.
Do ảnh hưởng rét đậm rét hại kéo dài, không có nắng, âm u liên miên khiến nhiều diện tích lúa xuân ở miền Bắc chậm phát triển, một số nơi gieo thẳng phải gieo cấy lại. Việc tập trung bón thúc cho lúa là rất cần thiết. Ngoài việc sử dụng các loại phân bón gốc như urê, kali hoặc phân tổng hợp NPK cần bổ sung cho lúa các chế phẩm phân bón lá để lúa nhanh ra lá.
Thực tế nhiều nông dân mua phân bón lá phun cho lúa lại sử dụng dòng phân bón có chứa chất kích thích sinh trưởng (GA3), một chất làm cây dài ra. Đây là loại phân bón thường được dùng cho rau màu, nhất là rau ăn lá. Sử dụng loại phân này phun sẽ làm lúa vóng lên, thân lá mềm yếu trông như cây lúa von. Kết quả là lúa phát triển không bình thường, ảnh hưởng rất lớn đến đẻ nhánh, làm đòng. Trước thực trạng này, xin khuyến cáo một số lưu ý:
Sử dụng phân bón lá cho lúa cần phải tiến hành nhiều lần (2 - 3 lần) mới có kết quả. Mỗi lần phun cách nhau 3 - 4 ngày. Giai đoạn lúa ra lá đẻ nhánh nên ưu tiên sử dụng các loại phân bón lá tổng hợp giàu đạm. Nên chú ý đọc thành phần của phân để biêt phân đó có chứa những gì? Bao nhiêu % NPK và các nguyên tố vi lượng? Có chứa chất kích thích sinh trưởng hay không?
Nếu dùng phân bón lá cho lúa không nên sử dụng các loại phân bón lá có chứa GA3. Tốt nhất, chỉ nên dùng các loại phân bón lá hữu cơ vi sinh hoặc phân bón lá hóa học tổng hợp ( NPK + trung, vi lượng).
Thời kỳ lúa đứng cái, làm đòng tốt nhất nên sử dụng các loại phân bón giàu vi lượng (siêu vi lượng) để bổ sung vi lượng cho lúa, hạn chế hiện tượng khô đầu lá do thiếu dinh dưỡng. Việc phun được vi lượng cho lúa sẽ làm cho cây phân hóa đòng tốt hơn, chất lượng gạo cao hơn.
Thời kỳ lúa trổ bông nên sử dụng kali trắng (kali sun phát) kết hợp với phân bón siêu vi lượng để thúc cho lúa trổ thoát nhanh, hạt mẩy hơn và cây cứng, vàng sáng...
Theo Nongnghiep.vn