Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề “nóng” được cả xã hội quan tâm. Đảm bảo chất lượng thực phẩm, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Trong năm 2019 thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Chi cục Quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị) đã tăng cường tuyên truyền, giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng.
Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì lấy mẫu kiểm tra hàn the trong chả ở chợ Hồ Xá.Ảnh:Lê An |
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo chất lượng và vệ sinh ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản luôn được Chi cục Quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về “Lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp tết”; “Sản xuất và tiêu dùng thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm”. Cung cấp tư liệu để tuyên truyền hơn 740 lượt trên loa phát thanh của 57 xã trọng điểm sản xuất rau, thủy sản, chăn nuôi về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Viết bài tuyên truyền trên bản tin của ngành với các nội dung: Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp tết; quản lí ATTP theo chuỗi- giải pháp nâng cao giá trị cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản Quảng Trị; vấn đề sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đảm bảo ATTP; một số chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tìm giải pháp cho hơn 600 tấn cá khô bị tồn kho; phụ gia thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng; Histamin trong thủy sản, biểu hiện và biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Histamin...
Bên cạnh đó còn tổ chức tập huấn cho 10 xã nông thôn mới với 445 người tham gia về Thông tư 17/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định phương thức quản lí, điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lí của Bộ Nông nghiệp và PTNT; tập huấn 5 lớp về điều kiện đảm bảo ATTP sản xuất, chế biến thủy sản với 229 lượt người tham gia. In phát 6.000 tờ rơi với nội dung: “Nhận diện sản phẩm an toàn; tác hại việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong chăn nuôi”. Lắp 8 pa nô tại các xã trọng điểm về chăn nuôi. Tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng ATTP”. Tuyên truyền lưu động các thông điệp về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản nhân Tháng hành động vì chất lượng ATTP. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức của người sản xuất và tiêu dùng về vệ sinh, ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Chi cục Quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng đã tiến hành thẩm định điều kiện đảm bảo ATTP theo Thông tư 38/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại 441 lượt cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Kết quả xếp loại A: 1 cơ sở; xếp loại B: 357 cơ sở (trong đó 3 cơ sở loại C sau khi khắc phục nâng lên loại B); xếp loại C: 3 cơ sở; 76 cơ sở tạm ngừng hoạt động; ngừng hoạt động. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP cho 112 cơ sở. Tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP đến nay là 307/361 cơ sở.
Cùng với các hoạt động trên, chi cục đẩy mạnh việc giám sát chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2019, chi cục đã lấy 1.512 mẫu thực phẩm kiểm tra, giám sát tồn dư các chất độc hại. Kết quả, phát hiện 7/1.512 mẫu vi phạm (chiếm tỉ lệ 0,46%): 2 mẫu chả dương tính với hàn the; 3 mẫu rau, trái cây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; 2 mẫu chả có dư lượng vi sinh vật (E.coli) quá ngưỡng cho phép. Biện pháp xử lí đối với các mẫu vi phạm đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ, chi cục đã có công văn gửi các Ban quản lí chợ thị xã Quảng Trị, chợ Hồ Xá để thông báo cho những cơ sở kinh doanh, cơ sở cung cấp rau những thông tin nêu trên và thông báo kết quả đến hộ kinh doanh có mẫu rau phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để không nhập hàng từ các cơ sở này và đồng thời yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh ở chợ phải lưu giữ hồ sơ mua bán, nguồn gốc sản phẩm để thuận lợi trong quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sự giám sát trong quá trình sản xuất và chế biến nông, lâm, thuỷ sản đã mang lại hiệu quả, tỉ lệ mẫu vi phạm đã giảm dần qua từng năm (năm 2016: 4,04%, năm 2017: 3,07%, 2018: 2,54% và năm 2019: 0,46%). Một thay đổi tích cực khác đó là sản phẩm thủy sản tại các vùng nuôi và khai thác an toàn không sử dụng chất bảo quản và hóa chất tồn dư. Sản phẩm thịt không phát hiện chất tăng trọng, hàn the, focmol. Không phát hiện chất tẩy trắng sunfit và chất tạo màu Vàng O trong rau, củ. Không phát hiện các chất bảo quản như kháng sinh cấm, u rê, hàn the, focmol trong sản phẩm thủy sản. Số mẫu rau, củ, quả nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức thấp 3/583 mẫu (0,51%) giảm so với các năm trước (2016-2017 tỉ lệ dưới 2%). Số mẫu nem chả tồn dư hàn the chiếm tỉ lệ 0,9% đã giảm rất nhiều so với các năm trước (năm 2012 là 12%, 2016 là 3%). Đó là tín hiệu rất đáng mừng.
Bên cạnh đó chi cục chủ trì phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục Quản lí thị trường thành lập 5 đoàn thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại 96 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện 12 trường hợp vi phạm điều kiện về đảm bảo ATTP theo quy định, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp với tổng số tiền 25.000.000 đồng. Hành vi vi phạm của đối tượng là: Tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, không lưu trữ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, sử dụng người trực tiếp sản xuất thực phẩm mà không đáp ứng kiến thức về ATTP theo quy định. Nhắc nhở 5 trường hợp (3 trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP hết hạn; 2 trường hợp không có giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP). Tiêu hủy sản phẩm vi phạm 1 trường hợp kinh doanh sản phẩm chả có hàn the, số lượng 7 kg.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay (từ ngày 20/12/2019-20/3/2020), ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, đã chủ động phối hợp với Sở Công thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục Quản lí thị trường và UBMTTQ Việt Nam tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm nông lâm, thủy sản. Tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm không an toàn, kiên quyết xử lí các trường hợp vi phạm, ngăn chặn và tiêu hủy các sản phẩm có tồn dư chất cấm tới tay người tiêu dùng. Đối tượng thanh tra, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung kiểm tra các cơ sở có các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thịt, giò chả, rau củ quả, thủy sản các loại. Tăng cường lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Tập trung lấy mẫu kiểm tra tồn dư hóa chất cấm trong thực phẩm nông, lâm, thủy sản; ưu tiên những loại thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp tết; kiểm tra chất tạo nạc, hàn the, focmol trong thịt; hàn the trong giò chả; thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy trắng Sunfit trong rau, củ quả; focmol, ure, hàn the trong thịt, thủy sản… với mục đích đảm bảo để người dân sử dụng thực phẩm an toàn nhất.
baoquangtri.vn