Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Tuy vậy, thực tế sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp ở địa phương trong những năm qua cho thấy, việc ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trồng rừng, khai thác và chế biến vẫn còn hạn chế.
Hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành đối với rừng trồng theo chứng chỉ FSC - Ảnh: T.T |
Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (HTX Phú Hưng), xã Hải Phú, huyện Hải Lăng có 140 ha rừng trồng theo chứng chỉ FSC, mỗi năm khai thác khoảng 20 ha, trữ lượng gỗ trung bình đạt 180 tấn/ha. Giám đốc HTX Phú Hưng Nguyễn Thể cho biết: “Từ nhiều năm qua, HTX đã ứng dụng máy móc hiện đại vào các khâu đào hố trồng. Ưu điểm của việc sử dụng máy đào hố trồng rừng là hố đạt độ sâu cần thiết đối với trồng rừng gỗ lớn, rễ cây sẽ ăn sâu vào đất, cây phát triển vững vàng, dù có mưa bão cây cũng không bị rung lắc làm chậm phát triển và ngã đổ”.
Cũng theo ông Thể, chi phí mỗi máy đào từ 500 triệu - 600 triệu đồng, đây là khoản đầu tư không nhỏ đối với người dân. Do đó, để tạo điều kiện cho thành viên HTX có phương tiện sản xuất, HTX đã có chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay mua máy đối với 2 trường hợp, ngoài ra hỗ trợ 6 thành viên khác có vốn đầu tư máy móc phục vụ trồng rừng. Tại HTX, các thành viên cũng đã đầu tư máy cưa hiện đại đáp ứng việc khai thác gỗ rừng có chứng chỉ FSC theo đúng quy chuẩn.
Tuy vậy, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lâm nghiệp cũng mới chỉ dừng lại ở khâu đào hố trồng cây, khai thác. Trong khi việc trồng và khai thác gỗ rừng gồm một chuỗi các khâu từ làm đất, đào hố, vận chuyển cây giống, khai thác rừng, lột vỏ cây, vận chuyển gỗ lên xe..., nếu không áp dụng máy móc thì cần một lượng nhân công nhiều.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải được giao quản lý và khai thác trên 8.600 ha rừng. Trong đó có 2.500 ha rừng tự nhiên được giao bảo vệ, còn lại hơn 6.000 ha là rừng trồng cấp chứng chỉ FSC. Thời gian qua công ty đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng cơ chế quản lý chặt chẽ và khoa học trong tổ chức trồng rừng.
Nhận thức được việc ứng dụng cơ giới hóa sẽ giảm giá thành sản xuất, gia tăng giá trị mang lại, tuy nhiên theo Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Minh, còn nhiều “rào cản” trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong trồng và khai thác gỗ FSC đối với đơn vị. Nguyên nhân chính vẫn là do địa hình đất lâm nghiệp dốc, manh mún, hạ tầng giao thông không thuận tiện để đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất.
Ngành nông nghiệp đang nỗ lực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030”. Trong đó, đối với lĩnh vực lâm nghiệp, mục tiêu đặt ra là cơ giới hóa các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030.
Tại các vùng trồng rừng tập trung, quy mô lớn có sử dụng máy móc các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng đạt trên 40% năm 2025, đạt trên 60% năm 2030. Tăng tỉ lệ áp dụng cơ giới hóa ở khâu chặt hạ, vận chuyển đạt 40% năm 2025, đạt 60% năm 2030. Các vùng trồng rừng còn lại, tỉ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu trong cơ giới hóa nông nghiệp đối với lĩnh vực lâm nghiệp, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt tập trung ở một số khâu sản xuất quan trọng có khối lượng công việc lớn như làm đất, đào hố trồng cây, chăm sóc, chữa cháy. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư trang thiết bị áp dụng vào sản xuất, tổ chức tập huấn, đào tạo nông dân sử dụng phương tiện. Về lâu dài phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chính sách liên kết trồng rừng, chế biến gỗ theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tổ chức lại các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung theo định hướng phát triển rừng trồng chất lượng cao, chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng miền, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu chất lượng cao và kết nối với khu chế biến lâm sản và dịch vụ thương mại nông nghiệp. Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân.
Đẩy mạnh tập trung đất đai, tăng quy mô, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa và phát triển chế biến lâm sản. Phát triển các tổ chức hợp tác, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ và kinh doanh dịch vụ cơ giới lâm nghiệp. Tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ lâm sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột” của chuỗi giá trị. Thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ mới tăng tỉ lệ cơ giới hóa lâm nghiệp và chế biến lâm sản./.
Bảo Bình (baoquangtri.vn)